Tình éo le mà lý oái oăm

16/06/2015 - 11:16

PNO - PN - Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc vừa ấn hành tập sách mới: Tình éo le mà lý oái oăm (NXB Phụ Nữ), Công ty Văn hóa Phương Nam phát hành.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tinh eo le ma ly oai oam


Tập sách này vẫn tiếp tục khai thác đề tài về tình yêu, hôn nhân, chuyện vợ chồng như các tập đã xuất bản là Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada. Lần này, anh hào hứng bàn luận chuyện Rắc rối từ khi có đàn bà, Cưới xong là mất tự do, Đàn ông yếu bóng vía, Khóc ngoài biên ải (!?) Tự chữa “vết thương lòng”, Hục hặc trên giường, Tung chiêu “cấm vận”, Đẩy nhau vào chân tường, Tiết kiệm lời khen, Chuyện bé xé ra to, Cưới xong là mất tự do, Đàn ông yếu bóng vía, Đắng lòng tình phí v.v…

Nhìn chung, chủ đề xuyên suốt của anh vẫn là sự bênh vực cho phụ nữ, và anh cảnh báo, nếu người đàn đàn ông không thay đổi nhận thức ắt ặp nhiều tình huống sẽ xẩy ra, chẳng hạn: “Bằng sự can thiệp, trợ giúp của khoa học kỹ thuật họ vẫn có thể sinh con mà không phải đánh đổi bằng sự “nâng khăn sửa túi” suốt đời cho một gã đàn ông vô tích sự. Thiết nghĩ, đã đến lúc đàn ông phải nhận thức lại về vai trò của mình. Vai trò ấy không còn có giá trị tuyệt đối như trước, bởi người phụ nữ thế kỷ này đã khác trước nhiều lắm. Họ đã được trang bị nhiều tri thức và nhất là trách nhiệm cộng đồng đã quan tâm đến họ nhiều hơn, chu đáo hơn”.

Lâu nay, trong quan niệm cũ, người phụ nữ có trọng trách “gánh lấy san san nhà chồng”. Biết bao nhiều công việc, nghĩa vụ nhà chồng đã trút hết xuống đôi vai gầy guộc như cánh vạc, nay, nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh: “Tùy vào nhận thức, mỗi người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình chồng. Họ thực hiện theo cách của họ mà vẫn tròn đạo dâu con. Vì thế, chúng ta đừng đem quan niệm xưa cũ làm tiêu chí phán xét về đức hạnh, tư cách của họ. Một khi quan niệm “Làm gái giữ đạo tam cang/ Lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng” không thay đổi thì đừng bao giờ chúng ta mở miệng ra nói về chiến lược nâng cao chất lượng sống cho người phụ nữ. Tôi hoan hô các chị em tự ý thức thay đổi trách nhiệm về “giang san nhà chồng”, dám vượt qua dư luận xã hội dẫu đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại trong thế kỷ XXI này”.

Bên cạnh đó, còn là nhiều đề tài khác nhau được thể hiện bằng giọng văn hài hước, nhẹ nhàng và cũng là những tình huống xẩy ra trong đời sống lứa đôi. Đúng như nhà thơ Ý Nhi đã từng nhận xét: “Với Lê Minh Quốc, người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp, là nguồn cội của tình yêu, là người sáng tạo thế giới và, cũng là người chịu đựng nhiều nhất những tai ách, những bất hạnh, những đau đớn của kiếp người. Tôi nghĩ, nếu không có tình yêu thương, không có nỗi cảm thông, không có sự hiểu biết và những trải nghiệm sống, Lê Minh Quốc khó viết nên những trang văn nồng nhiệt, tha thiết, có khi đắm đuối như vậy, về một đề tài đã được nhiều người luận bàn".


C.Đ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI