Vừa tài trợ vừa đứng ra nhận giải thưởng: Tân Hiệp Phát "ra chiêu" truyền thông quá kém?

10/06/2016 - 14:51

PNO - Đứng ra tài trợ cho một chương trình trao công bố thực phẩm an toàn rồi chính mình lại lên sân khấu nhận giải.Tân Hiệp Phát vừa đá bóng vừa thổi còi trong một trò lố truyền thông...

Đứng ra tài trợ cho một chương trình trao công bố thực phẩm an toàn rồi chính mình lại lên sân khấu nhận giải, Tân Hiệp Phát vừa đá bóng vừa thổi còi trong một trò lố truyền thông.

Lễ công bố thương hiệu thực phẩm an toàn, tin dùng 2016 (Vietnam Good Food) đã trôi qua vài ngày nhưng mạng xã hội vẫn chưa ngớt xôn xao bàn tán. Người ta dường như không tin vào mắt mình khi trên phông màn sân khấu, cái tên 1 trong 3 nhà tài trợ chính là Tân Hiệp Phát treo chình ình ở đó, rồi lại thấy công bố chính nhà tài trợ cũng có tên trong danh sách thương hiệu thực phẩm an toàn.

Thật là nực cười. Có người bình luận làm thế này có khác nào Tân Hiệp Phát vừa đá bóng vừa thổi còi, tự mình tài trợ cho một chương trình trao chứng nhận thực phẩm an toàn cho mình, bất chấp tất cả chuyện “quan trên trông xuống người ta trông vào”. Cho dù giải thích dưới góc độ nào cũng không thể tránh khỏi những nghi hoặc, y như thể một đại gia đứng ra tổ chức thi hoa hậu, rồi trao vương miện cao nhất cho ái nữ của mình thì cô gái dù có đẹp đến đâu cũng bị giảm nhiều phần giá trị.

Vua tai tro vua dung ra nhan giai thuong: Tan Hiep Phat
Người tiêu dùng có thể  tin sản phẩm được trao giải khi tiền bán sản phẩm đó tài trợ cho chương trình bình chọn?

Mà ở đây, vấn đề đặt ra là Tân Hiệp Phát liệu có xứng đáng với danh hiệu “thương hiệu thực phẩm an toàn” hay không, người tiêu dùng ít nhiều đã có câu trả lời cho riêng mình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các loại nước giải khát của doanh nghiệp này đã bị gắn với hình ảnh không mấy vệ sinh nếu không nói là kinh dị: “con ruồi trong chai nước”. Hàng loạt những vụ lùm xùm xoay quanh việc người tiêu dùng phát hiện ra ruồi trong các chai nước ngọt của Tân Hiệp Phát, vụ việc một người tiêu dùng đòi “đổi” ruồi lấy tiền bị bắt và đưa ra xét xử mới đây cũng là những vụ án nổi tiếng nhất năm 2015 vừa qua.

Chuyện sau khủng hoảng truyền thông, sản phẩm bị người tiêu dùng quay lưng, tẩy chay, từ chối khiến doanh nghiệp thất bát thua lỗ là chuyện thường tình. Và đương nhiên, doanh nghiệp phải tìm đến các đơn vị tư vấn truyền thông để xử lý khủng hoảng nhằm chặn đứng đà thua lỗ nếu không muốn phá sản. Tuy nhiên, những gì mà Tân Hiệp Phát vừa thể hiện ở lễ công bố thương hiệu thực phẩm an toàn Vietnam Good Food mới đây đã cho thấy đó là một bước xử lý khủng hoảng truyền thông kém cỏi.

Thay vì lấy lại niềm tin của người tiêu dùng bằng việc khẳng định chất lượng an toàn thực phẩm, tất cả vì sức khỏe người tiêu dùng thì doanh nghiệp này lại bỏ ra một số tiền không nhỏ để tài trợ cho một giải thưởng mới toe, thuộc vào hàng “vô danh tiểu tốt”. Và càng lố hơn nữa khi nhà tài trợ lại tự tin và “trơ” tới mức lên sân khấu nhận bằng chứng nhận thương hiệu thực phẩm an toàn, khiến người tiêu dùng bất ngờ tới mức ngã ngửa.

Một cuộc “điều tra” ý kiến người tiêu dùng ở diện hẹp, không thể coi đó là đại diện cho ý kiến của đông đảo người tiêu dùng Việt Nam, càng không thể coi đó là tiêu chí quan trọng để trao chứng nhận thương hiệu thực phẩm an toàn, bởi nó chẳng căn cứ trên những số liệu phân tích khoa học nào. Vậy mà vẫn cứ xưng xưng lên trao cho nhau, truyền hình trực tiếp rầm rộ trên sóng truyền hình như trò “con hát mẹ khen hay” ở một xó nhà, tưởng không ai biết.

Xin thưa, đã qua rồi cái thời có thể dễ dàng bịt mắt người tiêu dùng, đánh lừa họ bằng những giải thưởng, danh hiệu kêu inh ỏi như ễnh ương sau mưa mà chất lượng sản phẩm thì tồi tệ. Những chiêu trò xử lý khủng hoảng truyền thông, nếu tốt ra thì sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng như cá chép vượt vũ môn để hóa rồng, còn ngược lại, nó chỉ là những trò lố mà rất khó có thể thuyết phục khách hàng. 

Ngọc Sương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI