Tiếng ru

28/06/2015 - 20:05

PNO - PN - Nó khóc ngằn ngặt trên tay chị. Trời ngột quá, nó lại sốt cao, người nóng rẫy. Đám mụn nước trên mặt nó như phồng thêm lên, mòng mọng, trông thật đáng sợ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đôi môi chúm chím hàng ngày của nó giờ khô rộp, đỏ như hòn than đang cháy. Những ngón tay nhỏ xíu, móng tím bầm quơ quơ, cào vào không trung. Da nó nhơm nhớp mồ hôi. Từ chiều đến giờ, dù đã lau nhiều lần bằng khăn ướt, bằng sữa tắm thơm tho, nhưng chị chưa thể gột sạch hết những thứ nhờn nhớp đóng khắn trên da thịt nó, lẫn mùi hôi hám đặc trưng của cơ thể lâu ngày không được tắm. Thay quần áo sạch cho nó, chị lại ẵm lên, đi tới lui, vỗ vỗ vào lưng.

Nó vẫn không ngưng khóc.

Đêm đầu tiên nó xa cái chòi bé nhỏ, xa bà nó. Trong lúc cơn sốt hoành hành, cơn đau lan tỏa đến từng tế bào trên người nó, lúc nào cũng có tiếng dỗ dành của bà, xen lẫn tiếng càm ràm chửi bới cũng của bà. Bà chửi nó, chửi con mẹ “khốn nạn” của nó không biết nuôi con, không biết “trả nợ đời”, vừa sinh xong mấy bữa đã trút gánh nặng cho bà mà lên bàn thờ hưởng mùi nhang khói. Bà chửi thằng con trai trời đánh của mình, rước chi thứ “quặt quà quặt quẹo” về hành tội bà, rồi bỏ đi biệt xứ. Nó nghe, dù không hiểu gì nhưng cảm nhận được tình yêu thương bà dành cho mình.

Nó sốt từ chiều, như nhiều chiều khác, sốt cho đến tận nửa đêm. Bà nó không nói cho chị biết nó vẫn thường xuyên sốt như vậy. Chị chỉ biết nó suy dinh dưỡng trầm trọng và có nhiều triệu chứng điển hình của bệnh tim. Chị nói với bà, nó cần phải đi bệnh viện để được chăm sóc. Bà nó im lặng hồi lâu mới gật đầu: “Nếu được thì cô đem nó đi đi! Coi nuôi được thì nuôi…”.

Chị lạnh hết cả người khi nghe câu nói đó. Dù sao cũng máu mủ ruột rà, sao bà ta có thể nói được một câu nhẫn tâm như vậy? Khi chị nhỏ nhẹ đề nghị bà thu xếp để đưa bé đi bệnh viện cùng với mình, bà ta thẳng thừng từ chối. “Cô có thể mang đứa nhỏ đi đâu bất kỳ, miễn đừng kêu tôi đi theo”, bà nói. Nó đã hành tội bà lâu nay, bà mệt mỏi quá rồi.

Tieng ru

Đứa nhỏ lại khóc.

Tự dưng, chị cất tiếng ru, như một quán tính lúc bồng con.

Ầu ơ,…Em tôi khát sữa bú tay/Ai cho bú thép ngày rày mang ơn

Mẹ nó, cho tới khi mất, chưa hề có một cái ảnh, dù chụp chung với ai đó. Bởi vậy, khi chị hỏi về mẹ nó, bà chỉ tay vào bát nhang lạnh lẽo trên nóc tủ: “Mẹ nó chết vì bệnh tim. Con nhỏ này chắc cũng chết vì bệnh tim cho coi. Ai cũng nói vậy”.

Con tôi buồn ngủ buồn nghê/Buồn ăn cơm nếp, cháo kê thịt gà/Nhà còn có một quả cà/Làm sao đủ miếng cơm và cho con…

Nó nín khóc tự hồi nào, chỉ còn nghe những tiếng nấc nho nhỏ. Chị nhè nhẹ đặt nó xuống giường. Thuốc hạ sốt cùng phát huy tác dụng với tiếng ru êm ái, nó bắt đầu ngủ say. Nhìn nó lúc này thấy thương như cái tên Cà Dễ nội nó đặt cho. Tự dưng, nước mắt chị lăn dài trên má, cảm giác đứa nhỏ này chưa một ngày được hưởng sự âu yếm ngọt ngào của tình mẫu tử, chưa một ngày được nghe tiếng ru dù trong dù đục dẫn nó vào giấc ngủ tuổi thơ êm đềm. Con nhỏ này trời cho sức khỏe bình thường, sẽ là một nhan sắc không thua kém ai. Tội gì mà con phải xa mẹ cha sớm vậy…

***

Tôi không biết vì sao cô biết tới bà cháu tôi, mà lặn lội tới cái xóm trong hóc bà tó này, để rồi có cảm giác như gặp cô đâu từ kiếp trước. Nhưng cho dù cảm kích tấm lòng của cô cách mấy, tôi cũng không biểu lộ cho cô thấy đâu. Kinh nghiệm của một người từng trải qua nhiều biến cố đớn đau trong cuộc đời, từng gặp những người đeo trái-tim-nhân-ái-ngoài-lồng-ngực, dạy tôi phải biết dè dặt với những người mới quen biết, càng nên dè dặt hơn với ai đó tỏ ra quan tâm đặc biệt tới số phận của mình. Cách đây hai năm mấy, hồi con nhỏ này mới thôi nôi, có người đã ngỏ ý “xin” nó về nuôi với giá ba chục triệu đó chớ đâu! Tôi nghèo thiệt, nhưng làm sao có thể bán tình cảm ruột rà của mình với cái giá rẻ bèo như vậy. Huống hồ…

Hồi đó, cũng vì nghèo, vì quá thương chồng, tôi chấp nhận rời gia đình, rời cái nhà ngói cây mít ở bờ Nam sông Hậu, cùng chồng về cái xứ khỉ ho cò gáy này lập nghiệp. Thôi thì trồng rừng cũng ổng, phá rừng cũng ổng, chài cá quăng câu cũng ổng… ai mướn gì ổng làm nấy. Tôi quen theo nghề làm bánh tét bánh ú của má, cũng gói rồi đi bán. Nhưng nghề buôn bán mà quá thiệt thà, lại ở nơi vắng vẻ nên cả nhà tôi luôn phải ăn bánh trừ cơm. Vậy mà ổng không giận tôi, còn an ủi nói ăn bánh nếp cho đỡ đau bao tử. Lần hồi, tôi cũng dành dụm, cất được căn nhà ngói đàng hoàng che mưa nắng. Rồi thằng con trai duy nhất ra đời. Ba nó đặt tên là thằng Được, vì sau mấy lần tôi mang thai bị sảy, tới nó hình như trời Phật cũng thương mà ngó lại cho vợ chồng tôi chút con hủ hỉ… Từ ngày có nó, tôi khỏi phải gói bánh đi bán, chỉ ở nhà lo chuyện nhà cửa, chơi với con, chờ chồng. Ba nó cưng thằng nhỏ như trứng mỏng. Dân ở rừng, làm rẫy, làm mướn quanh năm nhưng con trai thì như hoàng tử, gót chân không dính bụi. Ổng chiều thằng nhỏ hết nói. Tôi kêu ổng cho con đi học, ổng nói, thôi, ở xứ này học chi nhiều. Ở gần có ông thầy giáo, cần thì gọi ổng dạy chớ có gì khó.

Thằng nhỏ mười hai tuổi thì chồng tôi chết vì bị rắn cắn trong một lần đi chặt cây trên rừng. Sau mười năm ở không, tôi lại tiếp tục lăn lóc đi làm kiếm sống, nuôi con. Nhưng thằng con tôi không như người ta. Ngày lớn, nó ham chơi hơn ham làm. Của cải không bao nhiêu cũng bán dần tới hết. Tới lúc còn lại cái xác nhà cũ rách thì nó đột ngột về nói tôi cưới vợ cho nó. Tôi trợn mắt tưởng nó nói chơi. Ai dè, nó nói con mới trúng số độc đắc, má lo mà cưới vợ cho con.

Tôi chới với. Đó giờ lo làm ăn, có nghe nó nói chuyện bồ bịch gì đâu. Giờ lại đòi cưới vợ. Nó còn nói, cưới vợ mới giữ được của. Nó muốn là làm. Vợ nó, dân miền Tây, đi bán cà phê khắp nơi, cuối cùng dạt về xứ này và cặp kè với thằng Được. Nhưng, khi coi ngày rồi mới hay, con nhỏ đó đã có bầu được bốn tháng, thành thử tôi chỉ làm cái đám thú phạt. Vậy mà cũng tiêu hết một mớ tiền… Về ở được mấy tháng, con vợ nó bệnh hoài. Đi bệnh viện huyện, người ta đưa ra bệnh viện tỉnh, rồi nó không được về nhà nữa. Sanh xong con Cà Dễ, chưa kịp cứng cáp thì nó chết trên giường bệnh viện. Thằng cha nó, thằng Được, thấy vậy sợ quá rồi đâm ngơ ngẩn. Bên ngoại con nhỏ có lên thăm một lần rồi mất tiêu luôn! Rồi cũng được một năm, thằng Được bỏ đi biệt. Tôi buồn thì buồn, nhưng đâu có đi kiếm nó được.

Buồn tình, tôi bán miếng đất có cái nhà tí xíu đó, về chỗ này, che chòi trên đất lộ bốn. Tôi đi bán vé số, lượm ve chai bọc mủ để nuôi con Cà Dễ. Con nít trong xóm nghèo này, có đứa cũng chỉ uống nước cơm mà mập cùi cụi, còn Cà Dễ tới giờ vẫn ốm nhom ốm nhách, khóc lóc tối ngày, không biết ăn cơm, cũng không chịu mọc răng cho đàng hoàng, mọc cái nào đen thui cái nấy! Tôi có nghe nói, mấy đứa nhỏ khó nuôi, thì kiếm ông thầy sên bùa cho nó đeo, rồi cho ổng làm con nuôi, đặt tên lại là sẽ thay đổi cuộc đời nó. Tôi cũng thử làm rồi mà thấy cũng không có gì khác. Con Cà Dễ… không dễ mà còn khó ăn khó ngủ hơn hồi nhỏ. May sao bữa đó gặp cô với mấy cô trong đoàn từ thiện xuống cứu trợ. Người ta tới cho tiền cho gạo rồi đi, sao cô tới thăm nó hoài? Tôi nghĩ chắc nó được cứu rồi. Nhưng cô ơi, tôi cũng sợ. Ai biết ngày mai ra sao? Bữa hổm, nghe cô gì trong đoàn khám bệnh từ thiện nói lén với bạn cổ, nó sống hổng nổi đâu, thế nào cũng chết sớm. Tôi buồn dữ lắm. Hông lẽ cuộc đời tôi nó tận mạt vậy sao… Buồn cái nữa là xóm giềng người ta dị nghị hoài, nói tôi ăn ở thất nhơn nên mới gây ra nông nỗi.

Ầu ơ… Con tằm chín để mà nuôi/Con dê chín muồi làm thịt mà ăn.

Con nhỏ này liệu còn sống tới ngày “làm thịt mà ăn” không cô? Bởi vì, cô đâu có biết nó bị bệnh đó. Cái bệnh người ta kêu bằng gì… “bệnh thế kỷ”, đúng rồi! Mắc bệnh đó thì kiểu gì cũng chết sớm. Hay là cứ để nó sống lay lắt qua ngày vậy đi…

***

Bốn giờ sáng. Chị rời khỏi giường, kiểm tra lại hành lý rồi làm vệ sinh cá nhân. Nó vẫn nằm ngủ ngoan. Tối qua, khi nó giật mình trở giấc, chị dụ nó bằng một bình sữa. Bú no, nó lại ngủ tiếp. Giờ là lúc chị phải đối mặt với khó khăn đây. Đưa lên xe mà nó cứ khóc thét đòi bà nội, coi chừng thiên hạ tưởng chị bắt cóc con nít thì thiệt cơ khổ. Chị vừa thấm nước ấm lau cho nó, vừa nghĩ ngợi lung tung.

Tiếng chó sủa và cả tiếng xe máy ngoài cổng ngừng lại rồi chạy đi. Chị bước hẳn ra ngoài sân. Một người đàn bà đứng mà như muốn gập người xuống đất, tay vịn vào cánh cổng, chợt ngẩng đầu lên.

Bà nội con nhóc.

“Cô à, con Cà Dễ đâu rồi cô? Tôi tính, giờ tôi đưa con Cà Dễ đi bệnh viện với cô, có được không cô?”.

Chị mỉm cười.

Ví dầu mẹ chẳng có chi/Chỉ con với mẹ chẳng khi nào rời.

CẨM GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI