Một người là chủ biên bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục - tốn không biết bao nhiêu bút mực của báo chí, người từng nói với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “tôi cho không nghiên cứu của mình”; người đội chiếc vòng nguyệt quế trên đầu hay đôi vai già gánh lấy tất thảy mọi điều tiếng của dư luận thì chưa rõ, nhưng ông là người đi giữa lằn ranh truyền thống và hiện đại, cất lên tiếng nói của thời cuộc: “Tôi muốn xây dựng một phương pháp học để tạo nên những đứa trẻ với bản ngã riêng của chúng”.

Người còn lại giữ chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trong những năm 1994 – 2001, từng phản đối mạnh mẽ Đổi mới chương trình giáo dục vào cuối năm 2000, “thủ tiêu” những thành quả mà những bộ sách trước đó mang lại. Ông đã viết đơn từ chức với lí do “không thể phản bội khoa học, không thể phản bội những thế hệ học trò tương lai”.

Hai thư tình cho quê hương hiện tại cũng là cho quê hương nay mai. Hai giấc mơ của đất, “giữ thơm quê mẹ”, “trổ bông” trong sự học.

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Tác giả bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Tác giả bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục

Ngay từ năm 1978, tôi đã đưa ra khẩu hiệu: “Đi học là hạnh phúc. Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”. Một số bạn bè văn chương người Nhật nói: “Ông Đại ạ, chúng tôi lãng mạn nhưng không bằng ông”. Có người hỏi lại: “Ông có thấy mình lãng mạn không?”. Tôi trả lời: “Không, tôi rất thực tế”. Mỗi lần gặp phụ huynh, tôi chỉ hỏi một câu: “Trẻ con thích đi học không”. Nếu thích, thế là được, là đạt!

Trong tất cả các nhầm lẫn, nhầm lẫn về đối tượng là nhầm lẫn tệ hại nhất. Những người làm công tác quản lí giáo dục có vẻ không xác định được đối tượng của nền giáo dục hiện đại là ai? Sự nhầm lẫn đó diễn ra ngay cả trong giới trí thức – giới mà tôi tạm gọi là “có chữ”. Họ học thứ triết học học trò, triết học để đi thi nên không hiểu những vấn đề cơ bản, những vấn đề gốc của triết học - những vấn đề của cuộc đời, của thời đại. Ở nước ta, tư duy của số đông vẫn mê muội theo Khổng Tử; về cơ bản, tới nay, đó vẫn là một nền giáo dục cổ truyền từ thời Khổng Tử để lại: Học để làm quan. Điều đó lặp đi lặp lại hàng ngàn năm, thế hệ sau bắt chước thế hệ trước, lâu dần tạo ra cảm giác giống như là chân lí.

Chính tư duy đó tạo ra bức tranh thừa thầy thiếu thợ. Lắm khi, thầy đó cũng chỉ là thầy về chữ. Thầy hơn nửa chữ cũng suy tôn là thầy. Tưởng là tôn sư trọng đạo nhưng chính ra làm lụn bại thế hệ sau, làm lụn bại đất nước; chưa nói đến việc những người mang danh “chữ” đó được nhồi nặn nên từ việc mua bán học hàm, học vị. Những điều đó tạo ra một lực lượng trí thức, tức những người có văn bằng; nghĩ có văn bằng là trí thức nên đua nhau mua văn bằng. Song, họ không hiểu một điều: Trí thức ấy chỉ đúng trong môi trường trí thức, tức thi cử mà thôi.

Khổng Tử từng đưa ra triết lí phục tùng: Cả nước phục tùng một ông vua, trò phục tùng thầy, vợ phục tùng chồng, con phục tùng cha. Triết lí phục tùng đó đảm bảo tính yên lành của xã hội. Sở dĩ yên lành được, vì nền sản xuất yên lành. Cả ngàn năm nay làm nông nghiệp, không có gì mới, nên lặp đi lặp lại từ đời này qua đời khác… Thế nhưng, xã hội Việt Nam đã thay đổi, đòi hỏi giáo dục cũng phải cập nhật. Song, tầng lớp “có học” phần đa vẫn còn nhiều “ấp úng”. Tôi phát hiện điều này từ những năm 1960, khi những rắc rối trong giáo dục phổ thông bộc lộ rất rõ, nhất là giáo dục đại học. Cho nên, sinh viên thời đó quần loe tóc dài, vượt ra được sức mạnh lịch sử cổ truyền, vẫn bị áp chế. Nhưng điều đó cũng chứng tỏ, nền giáo dục cũ đã không còn vừa vặn với sự vận động của xã hội, của lịch sử nữa. Phải thay đổi là xu hướng tất yếu.

Khi nói điều này, tôi không sợ giới có học phản ứng. Đến Galileo từng nhận thức trái đất quay quanh mặt trời nhưng tư duy truyền thống bắt Trái đất đứng yên. Lúc bước ra khỏi tòa luận tội mình, ông vẫn nói: “Dù sao đi nữa, Trái đất vẫn quay”. Những sự thật hiển nhiên đó có thể bị chống đối bởi nhiều sức mạnh khác nhau thuộc về quá khứ. C. Mác là người ý thức được sức mạnh của quá khứ nên ông đã đưa ra khẩu hiệu đấu tranh. Nếu thời của Khổng Tử là phục tùng mang tính đẳng cấp; thời của Mác là đấu tranh mang tính giai cấp; thì lịch sử hiện đại là lịch sử của phạm trù cá nhân. Và nếu triết lí thời Khổng Tử là noi gương, phục tùng; thời của Mác là đấu tranh thì thời hiện đại là hợp tác. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, là hợp tác giữa trò và  thầy, trò và trò, thầy và thầy, nhà trường và gia đình, nhà trường và xã hội... Đã là hợp tác, phải vì lợi ích chung của cả hai phía chứ không phải vì bất cứ một cá nhân nào cả. Nếu ngày xưa, mục đích của sự học là mỗi người noi gương phấn đấu theo một người cao cả hơn; thì giờ là mỗi người trở thành chính mình. Một nền giáo dục làm cho con người trở thành chính mình mới là một nền giáo dục nhân văn nhất.

Mác nói, trong xã hội phong kiến, các cá nhân hao hao nhau như những củ khoai tây, có củ to, củ nhỏ. Hao hao nhau nên mới noi gương nhau, theo đuổi nhau. Ở thời hiện đại, mỗi cá nhân là một cá nhân.

8X là thế hệ “cựa mình” khởi đầu cho sự đổi khác đó; nhưng các em vẫn đang dùng dằng giữa hiện đại - truyền thống. Phải là một thế hệ trẻ được sinh ra trong thế kỷ XXI, kể từ ngày 1/1/2001 trở đi, mới là một thế hệ hoàn toàn mới, hoàn toàn khác. Chúng ăn cơm hiện đại, uống nước hiện đại thì đi học cũng phải hiện đại, tri thức cũng phải hiện đại. Thế giới của chúng, thời đại của chúng, tất cả nằm trong tay chúng. Nền giáo dục hiện đại phải biết tôn trọng đứa trẻ một cách thực bụng, chứ không phải kiểu ban ơn. Thế hệ này cũng sẽ không bao giờ đứt gãy hẳn khỏi cái truyền thống mà cha ông chúng tạo dựng nên, nhưng chúng sẽ sống theo cách của chúng. Chúng tự xác lập giá trị cho chính thế hệ mình và mỗi người sẽ trở thành chính nó theo một cách hạnh phúc nhất, hiện sinh nhất.

Trong quan điểm của tôi, không chỉ có Huế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) mới là quốc học mà trường học đặt ở đâu, dù thành thị, đồng bằng, miền núi, biên giới hay ngoài hải đảo xa xôi thì nơi đó đều là quốc học. Không chỉ trồng cây gây rừng và vươn khơi, bám biển, “trồng người” cũng là một cách để giữ lấy đất quê hương.

Phổ cập giáo dục tiểu học là điều mà đất nước nào cũng phải thực hiện. Năm 1985, sau 5 năm nước ta thực hiện cải cách giáo dục lần đầu tiên, một hồi chuông báo động thực sự đã gióng lên khi năm học đó có tới 650.000 học sinh lớp Một lưu ban vì không thể đọc, viết. Mới bước ra từ cuộc chiến tranh, đất nước khó khăn càng khó khăn. Phổ cập giáo dục tiểu học khó, nhất là những vùng sâu vùng xa, học sinh dân tộc chưa nói được tiếng Kinh, không có điều kiện đi học, lực lượng giáo viên mỏng, có người hy sinh lúc qua sông suối bị bão cuốn đi. Ðó gần như là thời kỳ “vỡ hoang”, vừa triển khai, vừa điều chỉnh cải cách giáo dục.

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học

PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học

Năm 1994, tôi nhận chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học. Thời đó, có những lúc, cả nước có hơn 10 triệu học sinh tiểu học. Ngoài học sinh đủ 6 tuổi vào lớp Một, còn có những em 12-13 tuổi, bao gồm các độ tuổi, các thành phần, có cả trẻ em lang thang cơ nhỡ cũng mới vào lớp Một. Tình hình thực tế đòi hỏi phải thay đổi: Từ một chương trình và một bộ sách đã được đa dạng hoá, có 4 chương trình và 4 bộ sách theo mục tiêu và chuẩn đầu ra thống nhất, tức là cuối cùng, tất cả học sinh dù tham gia chương trình nào, dù học sách nào, đều phải đảm bảo đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học. Không khí giáo dục thời đó sôi nổi, hào hứng, tất cả đều hướng đến mục tiêu ấy. Nhờ vậy mà tới năm 2000, Việt Nam lần đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ, cũng được cả thế giới ghi nhận.

Giáo dục tiểu học được xem là cốt nền của một nền giáo dục, của một quốc gia; nếu đi đúng hướng thì sau này sẽ phát triển thuận lợi, nên rất được quan tâm. Thời đó, chúng tôi thường có các cuộc khảo sát thực tế các địa phương. Không bỏ sót chỗ nào. Biên giới, hải đảo, miễn sao đó là biên cương, lãnh thổ của mình. Ði bằng nhiều phương tiện khác nhau, ô tô, xe máy, ghe đò… có những nơi xa xôi hẻo lánh, phải cuốc bộ. Có đi mới “nghe” được địa phương cần gì, mới hiểu học sinh cần gì. Và cuối năm, nếu thấy học sinh lớp Một nào cũng đọc thông viết thạo, cũng được lên lớp, tôi sẽ đề nghị ở trên khen thưởng. Cái cảm giác mới ngày 5/9, các em còn mù chữ, cầm bút còn khó; tới 19/5 năm sau đã biết đọc, biết viết hạnh phúc lắm.

Thời đó có cái hay, đó là chúng ta huy động được cả xã hội tham gia sự học của các em. Ngoài ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, ta còn có các chương trình quốc gia, các lực lượng chính trị - xã hội đều tham gia. Ngày khai giảng, từ lúc 3-4g sáng, lãnh đạo toàn tỉnh tập trung đầy đủ ở Sở Giáo dục và Ðào tạo rồi từ đó phân công nhau đi về các trường để động viên, đẩy lên thành một phong trào quần chúng đầy hứng khởi, bằng một thái độ thực tâm, trách nhiệm. Giờ đây, ngày hội toàn dân đó vẫn được duy trì, nhưng đã giản lược, ráo hoảnh bớt, không khí cũng không còn hứng khởi như xưa.

Thời chúng tôi, đa số được đào tạo sống có lý tưởng. Giống người lính, ra chiến trường có lý tưởng; giáo dục cũng là một mặt trận, mình làm giáo dục phải có lý tưởng. Ðó là góp phần xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, làm sao dạy tốt học tốt. Hồi đó, tôi quy định trường nào cũng có câu của Bác Hồ như một triết lý giáo dục: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời khuyến khích đó thực sự thấm thía và sâu sắc: “công học tập”, nghĩa là, các em học tập tốt cũng giống việc đi chiến đấu có công, Tổ quốc sẽ ghi nhớ, ghi công.

Thời đó, tôi cũng bắt đầu đưa ra vấn đề trường chuẩn quốc gia ra; cũng bị phản ứng dữ dội. Có người nói, ông này đi Tây về nên không hiểu, ở ta lấy đâu ra đất để xây trường chuẩn quốc gia. Họ không biết một điều, đó là một trong những điều kiện cơ bản để phát triển giáo dục, chính là “trường học hạnh phúc” đúng nghĩa. “Chuẩn” ở đây có nghĩa, mỗi giai đoạn phải hoàn thiện hơn. Trong đó, ngoài các thành tố để tạo thành mô hình nhà trường hiện đại, đầy đủ, sân chơi, bãi tập, các phòng chức năng, còn là vấn đề tổ chức, quản lí, trình độ tay nghề, đời sống, lương bổng của đội ngũ giáo viên. Cho tới giờ, hàng chục năm đã trôi qua, chúng ta vẫn mới chỉ tiệm cận hướng tới cái đích đó. Bức tranh của giáo dục tiểu học có nhiều mảng sáng- tối khác nhau nhưng nhìn chung, ở mình còn nhiều hạn chế, nhất là giáo viên. Những ngôi trường chật hẹp, các lớp ngồi “gối” nhau chẳng ra làm sao. Khai giảng năm học lẽ ra là niềm vui của tất cả các em nhưng có trường, mỗi lớp cử 10 – 15 em dự, còn lại không được đi vì không có chỗ đứng. Không ít nơi, giáo viên đánh học trò. Một số nơi thiếu giáo viên, một số nơi lại sa thải hàng trăm giáo viên, đời sống giáo viên bấp bênh. Mỗi lần bắt gặp những tin tức như thế, tôi không khỏi buồn bã.

Mới trải qua một cuộc đại phẫu thuật ở tuổi 78, tôi ngồi mà cứ “thời tôi”, “thời bấy giờ” nhiều quá, có khi người ta lại bảo mình lẩm cẩm. Vẫn biết mỗi thời mỗi khác nhưng giờ đây, người ta đã lãng quên nhiều thứ tốt đẹp, họ thích nói tới những điều thật to tát mà không biết, dạy tốt - học tốt đã là đủ rồi.

Giờ, chỉ mong làm sao mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, giáo dục cũng phát triển lành mạnh, hội nhập được quốc tế. Riêng giáo dục tiểu học, vì là nền móng, nên càng phải chắc chắn.

Với các em, được hạnh phúc cắp sách đến trường, được học trong một ngôi trường chuẩn, đến đó học là an toàn, mỗi ngày có tiến bộ, phát triển tùy năng lực, hoàn cảnh, sở thích, thiên hướng của các em, mỗi em đều được trở thành chính mình.

Không phải kinh tế, mà thành bại của một quốc gia đều từ vấn đề giáo dục mà khởi đi. Tôi mong Đảng và Nhà nước nhìn nhận rõ hơn, những người có trách nhiệm cũng nhìn rõ hơn trước khi đưa ra bất cứ quyết sách nào về giáo dục. Tôi mong và tin đất nước phát triển thì giáo dục cũng phát triển. Xã hội nào cũng thế. Đạo nào đi chăng nữa cũng hướng tới Chân - Thiện - Mĩ. Muốn tạo điều kiện để phát triển, chương trình và sách phải tốt, thầy phải giỏi, có đức có tài. Đời sống hài hòa. Cống hiến phải được hưởng thụ để yên tâm công tác.

Trước cuộc họp thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam nhắc hai lần, đại ý ở Nhật, có đoàn tàu chở một học sinh đi học, họ vẫn phải duy trì. Ở ta, ngoài hải đảo, vùng biên… nơi nào có học sinh, dù là một hay hai em, cũng phải có giáo viên, phải có trường học. Vừa rồi, điều đó lại được nhắc đến trong kỳ họp Quốc hội. Ðể thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục quốc gia, tôi cho rằng, ngay từ lớp Một, trường học được đặt ở đâu, dù đó là thành thị, đồng bằng hay biên giới, hải đảo xa xôi, thì nơi đó đều là quốc học cả. Nơi nào cũng là biên cương, lãnh thổ của mình. Nhưng từ cái tối thiểu là phổ cập giáo dục tiểu học, ta phải phát triển dần lên, chứ không dừng lại đó.

________________

Đậu Dung

Ảnh: Tuấn Mark

Kỹ thuật: Minh Duy

Chia sẻ bài viết: