Xuất hiện băng nhóm 'thôi miên' chiếm đoạt tài sản

19/07/2017 - 08:12

PNO - Gần đây, tại chợ Bàu Cát xuất hiện một băng nhóm được cho là có khả năng thôi miên, chiếm đoạt tài sản người dân. Nạn nhân khẳng định đã bị “sai khiến” ra ngân hàng rút tiền đưa cho nhóm người này.

Mất tiền do bị “thôi miên”

Sáng 15/7, tiếp xúc với chúng tôi, bà Đ.T.H.N. (57 tuổi, ngụ tại đường Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình) cho biết, ba ngày trước, bà cùng chồng đến chợ Bàu Cát (đường Nguyễn Hồng Đào, P.14, Q.Tân Bình, TP.HCM) để mua đồ ăn. Lúc này, chồng bà N. đứng bên ngoài giữ xe, bà đi vào bên trong chợ một mình. 

Trong lúc bà đang lúi húi mua trái cây, một phụ nữ khoảng 55 tuổi đi xe tay ga liền áp sát, vỗ vai hỏi dồn: “Chị bao nhiêu tuổi rồi? Da mặt chị xấu quá! Da mặt như vậy là thiếu nội tiết tố. Tôi có một thang thuốc đuôi công, uống vào nửa tháng là có kết quả, chị mua không?”.

Xuat hien bang nhom 'thoi mien' chiem doat tai san
Chợ Bàu Cát gần đây xảy ra nhiều vụ được cho là thôi miên cướp tài sản. Bà N. trò chuyện với phóng viên (ảnh nhỏ)

Theo bà N., nói chuyện với người này một lúc, bà như người mất hồn, dù mơ hồ nghe được mọi chuyện xung quanh nhưng bà không ý thức được hành vi của mình. Cùng lúc này, một phụ nữ khác đến bắt chuyện: “Có bán thuốc hả, tôi cũng đang đi tìm thuốc nè, chỉ chỗ cho tôi đi”. Khi hai người này hỏi dồn dập thì dường như bà đã mất kiểm soát. 

Tiếp đó, hai người này yêu cầu bà N. lên xe để họ chở đi mua thuốc. Rất may, một số tiểu thương phát hiện sự việc nên đã chạy đến báo cho chồng bà N. Chồng bà N. chạy xe máy đuổi theo và nhờ một số người gọi điện cho vợ. Nghe tiếng điện thoại reo dồn dập, bà N. bừng tỉnh, yêu cầu dừng xe. “Họ sợ tôi la to nên cho tôi xuống. Lúc đó, có một số đối tượng khác đi trên ba xe máy áp sát nhưng tôi đang đứng chỗ đông người nên họ không dám làm gì” - bà N. kể.

Theo bà N., người phụ nữ tiếp cận với bà khoảng 55-60 tuổi, nói giọng Bắc. Lúc nhóm người trên dụ dỗ chở bà N. ra khỏi chợ, bà N. có mang theo nhiều trang sức bằng vàng. 

Không được may mắn như bà N., bà L.T.C. (56 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình) đã mất gần chục triệu đồng. Bà C. kể, sáng 9/7, bà đi bộ từ nhà ra chợ Bàu Cát để mua thức ăn, khi đến giao lộ Bàu Cát 3 - Nguyễn Hồng Đào, có một phụ nữ khoảng 55 tuổi chạy xe máy màu đen tiếp cận, hỏi thăm. Trong lúc trò chuyện, người lạ mặt này nói mắt bà C. bị thâm quầng, có biểu hiện ung thư mắt và gợi ý bà C. đi theo mình để gặp một bác sĩ người Nhật chữa bệnh.

“Lúc người đàn bà đó bảo tôi nhìn vô mắt bả, tôi có cảm giác rợn người, mất kiểm soát như bị thôi miên. Cùng lúc này, có một phụ nữ khác đến nói rằng bà ta cũng đang đi mua thuốc và chở tôi đi. Không hiểu sao tôi lại nghe lời hai người này răm rắp. Họ chở tôi vòng vèo qua nhiều con hẻm và đưa tôi đến một nơi rất vắng người” - bà C. kể.

Cùng theo bà C., khi hai người phụ nữ đưa bà vào một con hẻm, có một người đàn ông đi xe máy đang chờ sẵn. Người này tự xưng là người nhà của bác sĩ, đưa cho bà C. hai gói đồ có tên “Trà Thái Sơn” và cho biết, hai gói thuốc này có giá 18 triệu đồng. Lúc này, người phụ nữ đi cùng mua một gói và đề nghị bà C. lấy một gói. Bà C. nói mình không mang theo tiền, hai phụ nữ đi cùng hứa cho bà mượn tiền và hỏi có sổ tiết kiệm hay thẻ ATM không.

“Sau đó, không hiểu sao tôi lại đồng ý về nhà lấy thẻ ATM ra ngân hàng rút 9 triệu đồng đưa cho họ” - bà C. thuật lại. Sau khi đưa tiền, khoảng 20 phút sau, bà C. bừng tỉnh, gọi vào số điện thoại của nhóm người trên nhưng không thể liên lạc được. “Tôi từng không tin vào chuyện thôi miên, nhưng sau cú lừa này tôi mới biết thôi miên là có thật. Họ dùng ánh mắt để thôi miên, sai khiến tôi” - bà C. nhận định.

Công an vào cuộc

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân sống ở khu vực chợ Bàu Cát tỏ ra rất hoang mang về băng nhóm thôi miên chiếm đoạt tài sản. Không ít nạn nhân bị thôi miên, nhưng do lo sợ và do số tài sản bị chiếm đoạt chưa nhiều nên không tố cáo.

Chị Q. - tiểu thương chợ Bàu Cát - nói: “Hôm chị N. bị thôi miên, tôi cũng có mặt ở đó. Thường ngày, chị ấy rất lanh lẹ và cảnh giác, nhưng khi tiếp xúc với nhóm người trên, chị N. như bị mất hồn, họ sai gì làm nấy. Nếu chúng tôi không kêu chồng chị ấy đuổi theo thì đã mất sạch tài sản rồi”.

Cũng theo chị Q., rất nhiều người ở khu vực chợ Bàu Cát có thể nhận diện được nhóm người “thôi miên” nói trên. Băng nhóm này gồm khoảng tám người, hầu hết đều nói giọng Bắc. Nhiều tiểu thương đã mang theo củ tỏi trong người để chống bị “thôi miên”, đồng thời không dám mang trang sức.

Trao đổi với báo Phụ Nữ, bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Trưởng ban quản lý chợ Bàu Cát - cho biết, ban quản lý chợ đã yêu cầu lực lượng bảo vệ tăng cường tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trong chợ, nếu phát hiện người lạ, khả nghi thì bảo vệ sẽ phối hợp với công an theo dõi để có hướng xử lý.

Công an P.14, Q.Tân Bình xác nhận, đơn vị này đã tiếp nhận tin báo của bà L.T.C. về việc bị “thôi miên”, lấy 9 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện cơ quan công an đang điều tra nên chưa thể xác định nạn nhân bị thôi miên hay bị lừa đảo. 

Người bị thôi miên cũng không làm theo việc trái lẽ thường

Trên thực tế, thôi miên chỉ có giá trị tâm lý trị liệu chứ không có mục tiêu nào khác. Nguyên tắc thôi miên là tạo ra giấc ngủ nhân tạo, không giống như giấc ngủ sinh lý. Trong giấc ngủ nhân tạo đó, có trạng thái nghịch thường, tức có những trung khu thần kinh ức chế ngủ nhưng cũng có trung khu tỉnh. Trên cơ sở đó, đối tượng bị thôi miên sẽ chịu ảnh hưởng theo ý chí và tác động tâm lý của người thôi miên. 

Về chuyện dùng thôi miên để lừa đảo, có nghiên cứu chỉ ra rằng, không phải người thôi miên có thể điều khiển được người bị thôi miên. Thí dụ, khi yêu cầu họ làm những việc trái với lương tâm, đạo đức thì nhất định không tác động được.

Những nhà thôi miên có kinh nghiệm thực hành cực kỳ cao mới có thể dùng cách thức nói, hoặc có thể thực hiện ở những nơi đông người để đưa ta vào giấc ngủ. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của thôi miên rất thấp. Đa số những người có tâm lý dễ ám thị (thích xem bói chẳng hạn) thường dễ bị đưa vào giấc ngủ nhân tạo.

Còn tại môi trường chợ búa thì theo tôi rất khó thôi miên; các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng các loại thuốc tiền mê để điều khiển người bị hại, chứ không thể thôi miên dễ như thế.

 - Viện trưởng Viện Tâm lý thực hành TP.HCM,  nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2

Chỉ là cả tin vào chuyện ly kỳ

Trước tiên, cần hiểu thôi miên là một môn khoa học để vận dụng trong điều trị bệnh và nó là một quá trình điều trị đòi hỏi sự hợp tác tích cực từ phía bệnh nhân. Trong những tình huống lâm sàng, thôi miên có thể được xem như là một phần thêm vào hoặc trong một số trường hợp, nó như là bước điều trị ban đầu. Ví dụ như giảm cơn đau, bệnh về da, miễn dịch, hô hấp, cao huyết áp, bệnh đường ruột, những vấn đề về giấc ngủ.

Trở lại vấn đề có hay không việc dùng thôi miên để lừa gạt, tước đoạt tài sản, cần chú ý đến một tình trạng được mô tả trong quá trình liên quan, đó là sự tập trung (trance). Chúng ta từng trải qua kinh nghiệm bị cuốn hút vào một câu chuyện và bỏ qua những âm thanh xung quanh. Hay có người mơ mộng trong khi lái xe và không nhớ vài chặng đường đã qua. Kẻ xấu thường đánh vào những thông điệp tiềm thức bằng cách tạo ra tình huống.

Những người cho rằng mình bị thôi miên nên bị mất cắp, bị dụ dỗ gì đấy mà báo chí gần đây đăng tải không phải là thôi miên, mà chỉ là cái sâu xa bên trong người này bị khơi gợi qua cơ chế tâm lý. Ví dụ như trong các thời điểm đó, cá nhân thường thiếu tính suy xét, thiếu sự tập trung, cả tin hoặc tin vào những chuyện ly kỳ, dễ bị lòng tham làm mờ lý trí, nên dễ bị mắc lừa mà thôi.

 - Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Q.2, Giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM

 Quốc Ngọc (ghi)

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI