Xây dựng cao tốc Bắc – Nam: Nên có 8 – 10 làn xe để đảm bảo tầm nhìn dài hạn?

03/11/2017 - 11:21

PNO - Trong khi báo cáo chỉ xác định quy mô tuyến đường có 2 – 4 làn xe thì một số ý kiến lại đề xuất nâng lên 8 – 10 làn, nhằm đáp ứng tầm nhìn dài hạn và đầu tư có hiệu quả.

Sáng 3/11, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh rằng việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam là cần thiết. Dự án có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế-xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tổng vốn đầu tư của dự án, giai đoạn 2017-2020 của Dự án khoảng 118.716 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư của nhà nước khoảng 55.000 tỉ đồng.

Về quy mô của dự án, theo báo cáo, giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17 - 25 m. Riêng đoạn Cam Lộ - La Sơn quy mô 2 làn xe với bề rộng nền đường là 12 m, đáp ứng nhu cầu vận tải trong ít nhất 20 năm tới. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế thì phương án này có tính khả thi hơn.

Xay dung cao toc Bac – Nam: Nen co 8 – 10 lan xe de dam bao tam nhin dai han?
Cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 là 118.716 tỷ đồng, trong đó có 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải GPMB theo quy mô từ 8 đến 10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai.

Ngoài ra, Ủy ban kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần. Cụ thể, có dự án chiều dài 115 km, nhưng có dự án chỉ 15 km hoặc 29 km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.

"Các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của Dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ"- báo cáo thẩm tra lưu ý.

Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 08 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT).

Tuy nhiên, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.

T.Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI