Xã hội hóa Trường đại học Phạm Văn Đồng: Xì xầm vì thiếu minh bạch

10/01/2019 - 06:00

PNO - UBND tỉnh Quảng Ngãi đang lên kế hoạch xã hội hóa Trường đại học (ĐH) Phạm Văn Đồng khiến nội bộ trường này bất an.

Tháng 8/2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dược phẩm Sài Gòn nghiên cứu, khảo sát để đầu tư vào trường này theo hướng xã hội hóa.

Tháng 10/2017, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - có công văn đốc thúc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng xây dựng dự án "Thành phố giáo dục" với quy mô hơn 9,3ha nằm cạnh Trường ĐH Phạm Văn Đồng với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Xa hoi hoa Truong dai hoc Pham Van Dong: Xi xam vi thieu minh bachĐáng nói, ông Căng hoan nghênh và nhất trí cho công ty này lập đề xuất đầu tư phát triển Trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa và được xem như là giai đoạn 2 của dự án "Thành phố giáo dục".

Trên cơ sở đề xuất phát triển Trường ĐH Phạm Văn Đồng của hai công ty (Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dược phẩm Sài Gòn và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng), ông Căng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, phương án đầu tư tối ưu… để tham mưu UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Chúng tôi không phải muốn giữ lại bằng mọi giá mà muốn biết rõ việc xã hội hóa như thế nào, nó có mang lại điều tốt đẹp hay không, bởi trường được xây dựng nên và gắn với tên tuổi của bác Phạm Văn Đồng.

Ông Phạm Đình Chinh - giảng viên Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường ĐH Phạm Văn Đồng

Dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng có vẻ kết quả đã ngã ngũ, khi đã có sự gán ghép trường với dự án "Thành phố giáo dục". Nhiều người nhận định, Công ty Nguyễn Hoàng sẽ dễ dàng “thâu tóm” Trường ĐH Phạm Văn Đồng bởi sau đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi liên tục có các công văn hỗ trợ cho công ty này khảo sát Trường ĐH Phạm Văn Đồng và yêu cầu hiệu trưởng trường này quán triệt đến cấp dưới hợp tác chặt chẽ với Công ty Nguyễn Hoàng. 

Trường ĐH Phạm Văn Đồng được thành lập vào tháng 9/2007 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh Quảng Ngãi và Trường cao đẳng Cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi. Đây là trường đại học địa phương đầu tiên trong cả nước được công nhận cơ sở giáo dục đạt chất lượng. Hiện trường có 21 đơn vị trực thuộc với 9 khoa đào tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, hiện trường có 191 giảng viên trong tổng biên chế 245 người. Đến nay, trường đã đào tạo gần 20.000 sinh viên, học sinh, trong đó, đã và đang đào tạo gần 300 lưu học sinh Lào. Học sinh, sinh viên của trường chủ yếu là con em ở nông thôn và miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, chiếm khoảng gần 70%, là nguồn cung cấp nhân lực tại chỗ cho tỉnh Quảng Ngãi.

Xã hội hóa là chủ trương lớn của nhà nước nhằm tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí ngân sách nhân lực để xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, làm như thế nào, ở đâu, vẫn chưa có quy định rành rọt và rõ ràng của Chính phủ, nên vẫn còn những trường hợp phải vừa làm, vừa nghiên cứu. Qua các cuộc làm việc với Trường ĐH Phạm Văn Đồng, nhận thấy hầu hết cán bộ, nhân viên trường chưa thông việc này lắm, nên đồng chí bí thư và tôi thống nhất là giãn tiến độ này ra. Đồng thời, UBND tỉnh thành lập một tổ công tác do tôi phụ trách, có chức năng nghiên cứu các phương án để báo cáo UBND tỉnh để trình Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phương án cho Trường ĐH Phạm Văn Đồng hoạt động tốt hơn.

Ông Đặng Ngọc Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Ông Vũ khẳng định, chỉ mới gặp mặt đại diện Công ty Nguyễn Hoàng một lần tại trường và chưa thấy công ty này vào khảo sát, đánh giá hay hỏi ý kiến nhà trường. “Xã hội hóa là chủ trương đúng, nhưng đừng lợi dụng xã hội hóa để biến thành tư nhân hóa. Việc xây dựng đề án đổi mới hoạt động và xã hội hóa trường phải do nhà trường xây dựng chứ không phải do công ty bên ngoài đề xuất xây dựng” - ông  Vũ nói.

Nhà trường hiện thiếu nhiều cơ sở như hội trường, công xưởng thực hành, nhà thi đấu… nhưng nguồn vốn đến năm 2020 vẫn không được bố trí. Ông Vũ cho rằng, nếu được, nên cho nhà trường xây dựng kế hoạch và kêu gọi đầu tư xã hội hóa những hạng mục này mới đúng ý nghĩa của nó. “Tư tưởng anh em bị dao động. Vừa rồi có hai tiến sĩ đã xin nghỉ việc tại trường” - ông Vũ thông tin.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi tỉnh Quảng Ngãi lập tổ công tác xã hội hóa Trường ĐH Phạm Văn Đồng, trong công văn đề xuất thành viên, không có đại diện của trường này. Chỉ sau khi cuộc họp báo cuối năm do UBND tỉnh tổ chức, trước chất vấn của báo chí, tỉnh mới có công văn đề nghị trường cử đại diện tham gia.

Xã hội hóa là chủ trương đúng, nhưng không phải làm tràn lan và công trình nào cũng xã hội hóa được. Có những cái động vào tâm linh, tình cảm thì chúng ta phải cân nhắc. Theo tôi, Tỉnh ủy và UBND tỉnh nên họp từ ban giám hiệu, nhân viên và cán bộ trường để quán triệt chủ trương, nêu rõ lý do tại sao phải xã hội hóa, mục tiêu cụ thể như thế nào, sẽ tốt hơn là đưa chủ trương ra rồi biểu cứ làm, còn cấp dưới tâm tư cứ tâm tư. Không nên xã hội hóa rồi sau này dư luận và xã hội có ý kiến khác, lúc đó lại muốn mua lại Trường ĐH Phạm Văn Đồng như cảng Quy Nhơn ở tỉnh Bình Định hay sân vận động Chi Lăng ở TP.Đà Nẵng. Đấy là một vấn đề chưa thật minh bạch, rõ ràng, chu toàn.

Ông Nguyễn Kim Hiệu - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2001-2006

Hoàng Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI