Vụ tăng mức án cho người tố thư ký tòa chạy án: VKSND TP.HCM đề nghị xem xét kháng nghị

17/08/2016 - 06:41

PNO - "Suốt mấy ngày qua, hầu như không đêm nào tôi ngủ được, cứ đợi mau sáng để tiếp tục mang đơn gõ cửa nơi này, nơi kia cầu cứu".

Chiều 16/8, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND TP.HCM) cho biết đã báo cáo cho VKSND tối cao và VKSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Mai Thị Ngọc Vân bốn năm tù giam về tội “cố ý gây thương tích” ngày 9/8 vừa qua. Bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (SN 1980) là người tố cáo thư ký TAND TP.HCM vòi tiền chạy án.

Báo Phụ Nữ đã nhiều lần lên tiếng về sự bất hợp lý của bản án phúc thẩm này. Nhận được tin, chị Vân nói: “Tôi cảm ơn Hội LHPN, những người hàng xóm tốt bụng, hảo tâm, cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí, các luật sư (LS) đã lên tiếng bênh vực tôi trên bước đường tìm công lý. Suốt mấy ngày qua, hầu như không đêm nào tôi ngủ được, cứ đợi mau sáng để tiếp tục mang đơn gõ cửa nơi này, nơi kia cầu cứu. Hôm nay nhận được tin này tôi vừa mừng, vừa lo. Tôi lo bản án có được kháng nghị thật sự không? Có được xem xét sớm không? Hay phải kéo dài, phải đợi chờ mòn mỏi trong khi thời điể m phải thi hành án ngày một gần?”.

Vu tang muc an cho nguoi to thu ky toa chay an: VKSND TP.HCM de nghi xem xet khang nghi
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Những tổ chức, cá nhân đã đồng hành cùng chị Vân cũng bày tỏ niềm tin vào công lý. LS Phạm Lĩnh Sơn - Phó trưởng Văn phòng trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6, cho rằng: “Vụ án này cần được kháng nghị, xem xét lại toàn diện là hợp lý. Bởi khi một cá nhân phạm tội, có hành vi nguy hiểm cho xã hội, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng trong quá trình tố tụng, nếu có sơ sót, sai thủ tục nghiêm trọng thì phải hủy án và trả về cấp sơ thẩm như kiến nghị của đại diện VKS tại phiên tòa ngày 9/8 vừa qua là phù hợp nhất. Nhất là đối với phụ nữ, cần có chính sách bảo vệ cho họ, bởi họ vốn là người yếu thế trong xã hội”.

Đồng tình với báo cáo đề nghị kháng nghị bản án, LS Trương Thị Hòa - Đoàn LS TP.HCM khẳng định: “Nguyên tắc xét xử phải đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Ở đây, dù tòa xét xử đúng người, đúng tội, nhưng trình tự, nội dung, hình thức tố tụng đã không đúng pháp luật thì phiên xử đó không thuyết phục”.

LS Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Qua vụ việc tăng mức hình phạt cao gấp năm lần đối với chị Mai Thị Ngọc Vân, thêm một lần nữa cho thấy hiện có rất nhiều vấn đề cần quan tâm trong hoạt động thực thi pháp luật hiện nay. Trước đó là vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào tại huyện Bình Chánh và vụ việc anh Dương Trọng Tiến kinh doanh, sửa chữa điện thoại cũ cũng suýt bị khởi tố về tội “kinh doanh trái phép”, vụ việc hai thanh niên giật bánh mì…”.

LS Hậu cho rằng: “Cần thấy trước hết là tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa các vi phạm hành chính (thậm chí là cả các quan hệ dân sự), nhưng phải đến khi thông qua các cơ quan truyền thông, sự việc mới bị phát hiện. Giả thiết nếu không bị phát hiện, có lẽ những người dân này đã phải gánh chịu những bản án oan sai, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, ảnh hưởng cả cuộc đời, công việc, danh dự, tự do và hạnh phúc gia đình, cả thế hệ con, cháu sau này có thể mất đi những cơ hội học tập, làm việc… chỉ vì cha, ông là người có án tích. Minh chứng là hàng loạt những vụ oan sai được phát hiện trong thời gian qua như vụ án ông Huỳnh Văn Nén, cụ Trần Văn Thêm… mà nỗi đau, mất mát họ và gia đình phải gánh chịu không gì có thể bù đắp được”.

Các LS, những người quan tâm đến vụ án của chị Vân đều cho rằng cá nhân có sai phạm cần được nghiêm khắc xử lý kỷ luật, hành chính hoặc thậm chí là hình sự mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng việc xét xử phải công bằng, công tâm, khách quan và đúng thủ tục tố tụng.

LS Hậu nhấn mạnh: “Để có được sự công bằng, công tâm, khách quan và đúng thủ tục tố tụng, không để oan, sai hay bỏ lọt tội phạm… đúng tinh thần pháp chế XHCN, điều quan trọng trước hết là phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cái tâm của những người tiến hành tố tụng. Đối với mỗi vụ án, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… phải xem xét đầy đủ các tình tiết, chứng cứ, phải xác định việc khởi tố, truy tố, xét xử là có căn cứ và đúng pháp luật hay không, từ đó xác định một người có tội hay không có tội, chứ không thể qua loa, cẩu thả. Bên cạnh đó, rất cần thiết nâng cao công tác giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật từ chính những người làm công tác pháp luật”.

Nhóm PV

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI