Vụ phá văn phòng khu phố ở quận 12, TP.HCM: Xuất hiện 'người bí ẩn'

08/08/2018 - 06:38

PNO - Theo UBND P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM, ông Nguyễn Văn Kiệm (không rõ lai lịch) cho người tự ý phá dỡ hàng rào văn phòng ban điều hành khu phố 7. Kết luận này khiến người dân không khỏi bất ngờ.

Chưa rõ pháp lý

Ngày 7/8, một số người dân ở P.Thạnh Xuân cho biết, họ vừa được thông báo kết luận của Chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân Phạm Đăng Duy về việc đập phá văn phòng ban điều hành khu phố (VPBĐHKP) 7. Theo đó, ông Nguyễn Văn Kiệm (UBND phường này không nêu lai lịch) được xác định là người “đại diện chủ sử dụng hai khu đất cạnh VPBĐHKP 7” đã cho người phá dỡ hàng rào VPBĐHKP 7 và xây dựng lấn ranh mới, cắt một phần mái hiên bằng tôn, cắt ổ khóa cổng tường rào để chuyển vật tư vào. 

Vu pha van phong khu pho o quan 12, TP.HCM: Xuat hien 'nguoi bi an'
Trụ sở khu phố 7 bị đập phá từ ngày 15/6 nhưng chính quyền vẫn chưa xử lý thỏa đáng

UBND P.Thạnh Xuân cũng cho rằng, ông Kiệm đã nhận ra hành vi sai trái của mình. Qua làm việc, ông Kiệm có thái độ thành khẩn, xin lỗi các cấp chính quyền và tự nguyện khắc phục hành vi sai trái. Liên quan đến pháp lý phần đất làm VPBĐHKP 7 và hai khu đất do ông Nguyễn Văn Kiệm làm đại diện chủ sử dụng, UBND phường cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc tiến độ giải quyết của các phòng ban trên quận để có kết quả trong thời gian sớm nhất. Như vậy, đến nay, vẫn chưa rõ yếu tố pháp lý của các khu đất nói trên.

Với kết luận trên, người dân đặt nghi vấn rằng, UBND phường đang mơ hồ về khái niệm “đại diện chủ sử dụng”. UBND phường thông tin rằng, ông Nguyễn Văn Kiệm là “đại diện chủ sử dụng” hai khu đất cạnh VPBĐHKP 7, trong khi người dân cần biết rõ “chủ sở hữu” hai khu đất trên. Có phải là ông Vũ Anh Đức - nguyên Chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân, hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.12 - là chủ sở hữu hay không?

Ngày 16/7, liên hệ với UBND P.Thạnh Xuân để tìm hiểu thông tin về vụ đập phá trên, sau gần 2 giờ chờ “lãnh đạo phường đang họp”, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM được hướng dẫn ghi câu hỏi vào giấy để “trình lãnh đạo trả lời”. Ngày hôm sau, qua điện thoại, ông Phạm Đăng Duy - Chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân - cho biết, văn phòng UBND phường đã nhận được câu hỏi và sẽ có phản hồi cho phóng viên.

Ngày 27/7, khi phóng viên liên hệ, ông Phạm Đăng Duy hứa trong tuần sau sẽ gửi nội dung trả lời cho báo. Nhưng đến ngày 7/8, bốn câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc đập phá VPBĐHKP 7 và căn cứ pháp lý của 2.000m² đất do tư nhân hiến cho nhà nước vẫn chưa được hồi đáp.

Sở dĩ người dân thắc mắc điều này vì ông Vũ Anh Đức nhiều lần có mặt trong các buổi đo đạc ranh đất giữa VPBĐHKP 7 và thửa đất bên cạnh, dù ông Đức phủ nhận thông tin này khi trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Nhiều đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ khu phố 7 thông tin, VPBĐHKP 7 được xây dựng trên thửa đất có nguồn gốc là đất do người dân hiến cho chính quyền với diện tích 2.000m². Hiện tại, VPBĐHKP 7 chiếm diện tích khoảng 500m². Vậy, ai đang sở hữu 1.500m² còn lại? Nếu hai khu đất này có liên quan đến ông Vũ Anh Đức, cơ quan chức năng cần làm rõ việc sở hữu này, bởi theo người dân, ông Đức từng có thời gian công tác ở Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.12 và từng là Chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân. “Có thông tin cho rằng, trước đây, địa phương từng bán đấu giá khu đất đó, nhưng việc đấu giá ra sao thì không ai biết. Nếu đấu giá thửa đất đó vào thời điểm ông Đức làm chủ tịch UBND phường thì rõ ràng là có dấu hiệu tiêu cực” - ông C., sống tại khu phố 7, phân tích.

Để có thông tin khách quan nhất, ngày 16/7 phóng viên đã liên hệ với UBND P.Thạnh Xuân nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Đủ yếu tố để khởi tố vụ án

Trong thông báo kết luận vụ việc, UBND P.Thạnh Xuân cho biết, đã giao công an phường củng cố hồ sơ xử lý các hành vi của các cá nhân liên quan đến việc phá dỡ hàng rào VPBĐHKP 7. Đáng nói, việc phá VPBĐHKP 7 đã diễn ra từ giữa tháng 6/2018 nhưng đến nay, UBND P.Thạnh Xuân vẫn còn “củng cố hồ sơ”.

Lạ hơn, UBND P.Thạnh Xuân đã yêu cầu ông Kiệm nhanh chóng tổ chức khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với phần tường rào và mái tôn của VPBĐHKP 7. Quy mô thực hiện bằng hoặc tốt hơn hiện trạng cũ. Ngoài ra, UBND P.Thạnh Xuân còn giao VPBĐHKP 7 “cử người giám sát suốt quá trình thi công, báo cáo UBND phường khi phát sinh các vụ việc liên quan ngoài thẩm quyền của khu phố”.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi đập phá VPBĐHKP 7 có dấu hiệu phạm tội hủy hoại tài sản, được nêu trong Bộ luật Hình sự. Nếu thiệt hại tài sản từ 5 triệu đồng trở lên, những đối tượng đập phá có thể bị xử lý hình sự; nếu mức thiệt hại chưa tới 5 triệu đồng thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Theo người dân, chỉ tính riêng tường rào VPBĐHKP 7 thì giá trị tài sản đã hơn 5 triệu đồng. 

Thông qua Báo Phụ Nữ TP.HCM, người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi phá hoại tài sản công, đồng thời làm rõ nguồn gốc hai khu đất bên cạnh VPBĐHKP 7. “Tài sản công không phải đồ chơi mà kéo người đến đập phá rồi chính quyền địa phương chỉ yêu cầu khôi phục hiện trạng ban đầu là xong” - một người dân ở khu phố 7 nói.

Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã nêu trong bài viết Ai tổ chức phá văn phòng khu phố ở quận 12? (đăng ngày 20/7), từ ngày 15/6-3/7, một nhóm đối tượng đã đến đập phá VPBĐHKP 7 và xây dựng lấn ranh văn phòng này. Nhiều người dân khẳng định, họ nhìn thấy ông Vũ Anh Đức và ông Phan Kim Khôi - Phó chủ tịch UBND P.Thạnh Xuân - cùng cán bộ địa chính phường xuống đo và xác định ranh giới xung quanh VPBĐHKP 7, sau đó thì diễn ra vụ đập phá. 

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI