Vụ hơn 500 giáo viên sẽ bị mất việc: Hàng trăm giáo viên bật khóc nức nở

10/03/2018 - 09:21

PNO - Ngay sau khi nhận được thông báo mất việc từ UBND huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), hàng trăm giáo viên phẫn nộ và òa khóc khi nghĩ đến cuộc sống của gia đình trong thời gian tới.

“Em có quyết định vô dạy hợp đồng từ năm 2011, bây giờ huyện nói cắt hợp đồng, không cho dạy, em mất việc giữa chừng một cách chóng vánh. Có trường hợp, cả hai vợ chồng làm giáo viên hợp đồng nhiều năm nay, phải ở trọ, sống lay lắt dựa vào đồng lương ít ỏi từ việc dạy hợp đồng. Vậy mà, sau nhiều năm nỗ lực, chúng tôi nhận được cái kết quá đắng” – một nữ giáo viên bật khóc sau khi rời khỏi Nhà văn hóa huyện Krông Pắk.

Vu hon 500 giao vien se bi mat viec: Hang tram giao vien bạt khóc núc nỏ
Nhiều giáo viên bàng hoàng sau khi nhận thông báo mất việc.

Là một trong 200 giáo viên nhận được thông báo bị chấm dứt hợp đồng vì không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017, cô Nguyễn Thị Bình (30 tuổi) cho hay: “Tôi được UBND huyện Krông păk ra Quyết định số 1793/QĐ – UBND ngày 26/6/2012 về việc Hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế, giảng dạy tại Trường THCS Ea Kly, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk”.

Cô Bình cho biết, từ khi có quyết định và nhận công tác tại trường THCS Ea Kly, cô luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Thế nhưng, đến kỳ nghỉ hè năm 2017 hiệu trưởng trường THCS Ea Kly đưa ra lý do nhà trường không đủ ngân sách để chi trả nên và cắt lương hè của giáo viên hợp đồng (trong đó có cô Bình).

Đến ngày 16/8/2017, lãnh đạo trường THCS Ea Kly tổ chức một cuộc họp và cho biết, số giáo viên biên chế của nhà trường dư thừa, ngân sách không đủ cấp phát nên số giáo viên hợp đồng sẽ hợp đồng trả tiền lương theo tiết dạy, nếu giáo viên nào không đồng ý thì nhà trường sẽ không bố trí giảng dạy. Tuy nhiên, cô Bình không đồng ý với lãnh đạo nhà trường về việc trả tiền theo tiết mà yêu cầu thực hiện theo quyết định của UBND huyện trước đó nhưng không được chấp nhận.

“Cho đến hôm nay, nhận được thông báo bị chấm dứt hợp đồng như một cú sốc, tôi và hàng trăm người khác đã không cầm được nước mắt. Bởi bây giờ, chúng tôi không biết xin việc ở đâu, ai dám thuê chúng tôi trong khi kinh tế gia đình lại hết sức khó khăn. Với cách giải quyết này, chúng tôi không phục và sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng cho hàng trăm giáo viên” – cô Bình chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, Nguyễn Thị M. chia sẻ: “Nhiều năm nay, tất cả giáo viên hợp đồng chúng tôi đều đứng trên bục giảng và giảng dạy bằng tâm huyết của mình. Chúng tôi rất mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục của huyện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trồng người. Thế nhưng, đến hôm nay hàng trăm con người đã bị đối xử quá bạc bẽo”.   

Cô Trần Thị Thi Thư, Trường Tiểu học Hòa Tiến (xã Hòa Tiến, huyện Krông Pắk) nói trong nghẹn ngào: “Năm 2014, tôi được nhà trường ký hợp đồng giảng dạy môn tiếng Anh. Hiện nay, toàn trường có 11 lớp phải học tiếng Anh và chỉ một mình tôi là giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn bị chấm dứt hợp đồng để nhường chỗ cho các giáo viên trường khác dư thừa. Khi tôi đến đăng ký tham dự kỳ thi tuyển giáo viên biên chế sắp tới thì không được thi. Ngành giáo dục lý giải tôi không đủ tiêu chuẩn vì không có bằng sư phạm tiếng Anh mà chỉ có bằng cử nhân tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm”.

Vu hon 500 giao vien se bi mat viec: Hang tram giao vien bạt khóc núc nỏ
Nhiều giáo viên không chấp nhận việc bị mất việc và tiếp tục kiến nghị các ngành chức năng.

Khác với nhiều giáo viên khác, năm 2010 sau khi được ký hợp đồng và dạy được 3 tháng nhưng không được trả lương, thầy Dư Xuân Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) về nhà đi làm thuê kiếm sống và chờ đợi được giải quyết. Thế nhưng, sự chờ đợi của thầy Sơn và hàng trăm giáo viên khác đã không có cái kết như mong muốn.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho hay, trước khi có thông báo về việc chấm dứt hợp đồng với các giáo viên, huyện đã làm việc với UBND tỉnh để xin thêm chỉ tiêu biên chế nhưng tỉnh kết luận địa phương phải thực hiện theo đúng quy định của nhà nước.

Đây là chỉ đạo từ trung ương nên huyện thông báo chấm dứt trước 45 ngày, để các trường được biết. Đến ngày 1/4, huyện phải có báo cáo đến Thanh tra Chính phủ về tiến trình giải quyết vụ việc này. Trong thời gian tới, các trường sẽ trực tiếp tổ chức đối thoại để ghi nhận ý kiến của các giáo viên và tổng hợp, gửi về các cấp có thẩm quyền.

Như đã đưa tin trước đó, từ năm 2011-2016, dù không có chỉ tiêu biên chế nhưng Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk vẫn liên tục ký hợp đồng lao động đối với 605 giáo viên ở ba cấp trung học cơ sở, tiểu học và mầm non. Thực hiện chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, chiều 9/3 UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức buổi họp mặt thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 200 giáo viên và tiếp tục chấm dứt số giáo viên còn lại không đậu kỳ thi công chức trong thời gian tới.

Xảy ra sự việc nói trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011 – 2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021). 

Theo một lãnh đạo Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Đắk Lắk, đơn vị này đã có kết luận sai phạm đối với lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk. Sắp tới, Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ họp và đưa ra mức kỷ luật đối với những cá nhân do Tỉnh ủy quản lý.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI