Vụ hơn 500 giáo viên mất việc: Cô giáo dậy làm thêm đủ nghề vì muốn bám trụ với bục giảng vẫn mất việc

11/03/2018 - 19:00

PNO - Trước hậu quả của việc ký hợp đồng vô tội vạ khiến hơn 500 giáo viên mất việc, khốn đốn, lãnh đạo UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đang kiểm tra, làm rõ sai phạm với vị chủ tịch huyện đương nhiệm.

Trước những bức xúc của hơn 500 giáo viên bị cắt hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk), sáng 11/3, ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, UBKT Tỉnh ủy ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011 - 2016, hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk). Riêng ông Y Suôn Byă - Chủ tịch huyện Krông Pắk, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang tiến hành kiểm tra, làm rõ các sai phạm.

“Sang tuần, chúng tôi sẽ thực hiện quy trình tiếp theo sau khi kết luật sai phạm của lãnh đạo huyện Krông Pắk; xem xét, xử lý kỷ luật theo các mức độ... Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm sai phạm” – ông Lĩnh thông tin

Trưa cùng ngày, ôngTrần Tuấn Anh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị cũng đã chỉ đạo Công đoàn các cấp rà soát lại tình trạng các Đoàn viên, người lao động là giáo viên hợp đồng sẽ bị mất việc trong thời gian tới để xem xét có hướng hỗ trợ xử lý nếu họ có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn sẽ bảo vệ quyền lợi của các Đoàn viên, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Bên cạnh đó, Liên Đoàn lao động tỉnh cũng sẽ kiến nghị đến UBND tỉnh, Bộ nội vụ, Chính phủ xem xét hướng xử lý, khắc phục tạo điều kiện tốt nhất cho những giáo viên hiện chuẩn bị mất việc ở huyện Krông Pắk.

Vu hon 500 giao vien mat viec: Co giao day lam them du nghe vi muon bam tru voi buc giang van mat viec
Hàng trăm giáo viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì mất việc.

Theo ông Tuấn Anh, nguyên nhân của sự việc này xuất phát từ việc phối hợp triển khai thực hiện chưa được nhịp nhàng, hiệu quả, đồng bộ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ theo Nghị định của Chính phủ trong việc phân cấp quản lý và sử dụng giáo viên ở địa phương dẫn đến tình trạng không nắm được cái chung, tổng thể mà cứ chỗ nào cần thì cứ tuyển để đáp ứng nhu cầu tại chỗ.

Trải qua một quá trình, sau hai đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk thì vấn đề thừa giáo viên ở huyện này bắt đầu trở thành một vấn đề chưa được giải quyết được căn cơ đến mức dư thừa hơn 600 giáo viên và phải xử lý.

“Nếu không giải quyết được vấn đề này thì người chịu thiệt thòi nhất không phải các giáo viên mà các em học sinh. Việc ra thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng gây ra một tác động tâm lý rất lớn đối với  các anh chị em giáo viên thuộc đối tượng bị chấm dứt hợp đồng bởi dù chỉ là giáo viên hợp đồng thôi nhưng đó là nguồn thu nhập chính, là sự sống của gia đình họ", ông Tuấn Anh nói thêm.

Đã hai ngày qua, cô Hồ Thị Dung (giáo viên hợp đồng bộ môn Văn trường THCS Vụ Bổn, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) vẫn không hết nghẹn ngào và lo lắng. Nữ giáo viên này được trường tiểu học Vụ Bổn kí hợp đồng năm 2010. Đến năm 2012, UBND huyện Krông Pắk kí Quyết định hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế. Trong hợp đồng nêu rõ, “chờ trúng tuyển, nếu trúng tuyển thì tuyển dụng mới, nếu không trúng tuyển thì không được tuyển dụng”.  

Vu hon 500 giao vien mat viec: Co giao day lam them du nghe vi muon bam tru voi buc giang van mat viec
Cô Dung bật khóc nói về hoàn cảnh của gia đình.

Đến năm 2016, bất ngờ trường tiểu học Vụ Bổn hạ mức lương của chị xuống còn 1 triệu đồng với lý do “chưa có ngân sách để chi trả”. Dù hụt hẫng nhưng cô vẫn cố gắng bám trụ với nghề và hy vọng chờ huyện xét tuyển biên chế.

Do gia đình không có đất đai nên để có tiền nuôi con nhỏ, chồng cô Dung phải làm thuê đủ việc. Về phía mình, ngoài việc giảng dạy vào buổi chiều thì cô phải dậy từ 4 giờ sáng đi bán cháo để kiếm thêm thu nhập.

“Thấy tôi bán cháo, nhiều người dị nghị và hỏi sao đi dạy có lương mà phải đi làm những việc vất vả như thế nhưng tôi bỏ ngoài tai vì chẳng ai cho tiền nuôi con mà tôi cũng không muốn mất nghề. Họ đâu biết rằng để bám trụ với nghề tôi phải đánh đổi nhiều thứ, hàng ngày phải đi mấy chục cây số đến lớp.

Có những hôm nước lớn, giáo viên chúng tôi phải đánh đu tính mạng với cây cầu chỉ có 3 tấm ván chúng tôi vẫn bám trụ với trường với lớp 8 năm trời. Thế nhưng, cho đến lúc này cơ hội và những hy vọng sau bao năm cố gắng đã tan thành mây khói” – cô Dung nói trong nghẹn ngào.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI