Vụ 'dư' 500 trăm giáo viên: Công an sẽ vào cuộc nếu có việc dùng tiền 'chạy' để được đứng bục giảng

14/03/2018 - 11:08

PNO - Công an tỉnh Đắk Lắk khẳng định sau khi có kết luận của Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy, nếu có dấu hiệu hình sự thì công an sẽ vào cuộc điều tra.

Liên quan đến vụ hơn 500 giáo viên được tuyển dụng dôi dư tại huyện Krônng Pắk (tỉnh Đắk Lắk), theo tìm hiểu của phóng viên trước khi có thông báo kết luận 65/TB-TTCP của Thanh tra Chính Phủ, ngày 31/7/2013, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã có Kết luận số 60/KL-TTr về việc chấp hành Luật ngân sách Nhà nước và thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại UBND huyện Krông Pắk.

Vu 'du' 500 tram giao vien: Cong an se vao cuoc neu co viec dung tien 'chay' de duoc dung buc giang
Nhiều giáo viên không hết lo lắng sau chỉ đạo tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động.

Tại kết luận này, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD-ĐT: “Kiểm tra, rà soát cân đối lại nhu cầu thực tế, chỉ tiêu biên chế được giao, số lượng giáo viên hiện có của các trường học để tham mưu Chủ tịch UBND huyện bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển giáo viên những trường thừa sang trường thiếu cho phù hợp với nhu cầu biên chế thực tế được giao và có kế hoạch đề nghị lên cấp trên tổ chức xét tuyển ngạch viên chức giáo viên đủ số lượng theo nhu cầu thực tế và biên chế được giao. 

Chấm dứt toàn bộ các trường hợp giáo viên ký hợp đồng trong biên chế vượt chỉ tiêu biên chế được giao; chỉ đạo các trường chấm dứt toàn bộ các trường hợp giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn”.

Tuy nhiên, UBND huyện Krông Pắc đã không thực hiện theo kết luận của Thanh tra tỉnh. Tính đến tháng 11/2015, UBND huyện Krông Pắk ký hợp đồng với 588 giáo viên (mầm non 86, tiểu học 303, THCS 199) và hợp đồng thừa 80 nhân viên trường học so với biên chế được giao (mầm non 9, tiểu học 62, THCS 9).

Mặt khác, theo Báo cáo số 21/BC-PNV, ngày 24/11/2015 của Phòng Nội vụ huyện, UBND huyện Krông Pắk đã bổ nhiệm dư so với quy định 34 cán bộ quản lý giáo dục (cấp phó) tại các trường mầm non, tiểu học, THCS. Trước tình hình này ngày 6/1/2016, Thường trực Huyện ủy Krông Pắk đã họp và ra Thông báo kết luận số 175-TB-HU, chỉ đạo: “UBND huyện có kế hoạch khắc phục việc bổ nhiệm cấp phó tại các cơ sở giáo dục công lập dư so với quy định”.

Ngày 15/11/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có Thông báo số 1017-TB/TU về kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắk về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Cùng với Báo cáo thẩm tra số 35-BC-BKTXH, ngày 30/12/2016 của Ban Kinh tế - Xã hội (HĐND huyện Krông Pắc) đều đã xác định số giáo viên, nhân viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế tại các trường mầm non (MN), tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) ở huyện Krông Pắc là 605 người.

Để xảy ra sự việc nói trên, trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011 – 2016), Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2015 – 2021). 

Được biết, trước những sai phạm nói trên ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị Ủy ban kiểm tra ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng, do không thực hiện theo kết luận của Thanh tra tỉnh về tuyển dụng dôi dư giáo viên. Riêng ông Y Suôn Byă - Chủ tịch huyện Krông Pắk, ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Tỉnh ủy đang tiến hành kiểm tra, làm rõ các sai phạm với cán bộ này.

Tiếp đó, vào đầu tháng 1/2018, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo Kết luận số 65 về việc thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Công thương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắk, để xảy ra trong thời gian dài, không kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý.

Kiểm điểm trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kì 2015- 2020 do tiếp tục kí hợp đồng với giáo viên khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh. Bên cạnh đó công văn còn yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục số lượng giáo viên đã hợp đồng thừa theo các phương án đã đề ra.

Ở một diễn biến khác, những ngày gần đây nhiều giáo viên phản ánh lên báo chí về việc phải “chung chi” một khoản tiền mới được ký hợp đồng lao động.

Về vấn đề này sáng 14/3, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên. Sau khi có kết luận, nếu Ủy ban kiểm tra chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì Công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra. Bên cạnh đó, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì Công an tỉnh sẽ điều tra ngay, hiện nay đơn vị chưa nhận được tố cáo nào.

"Tuy nhiên, trước thông tin một số giáo viên phản ánh trên báo chí nói phải bỏ tiền, Công an tỉnh cũng đã giao các phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh thông làm rõ vấn đề này" – Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi nói thêm.

Báo Phụ Nữ TP HCM sẽ tiếp tục cập nhận những thông tin mới nhất về vụ việc này.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI