Vĩnh biệt 'vị tướng không biết bắn súng'

02/10/2019 - 07:59

PNO - Có rất nhiều yếu tố đưa đến cho chúng ta một ngày 30/4 với Sài Gòn nguyên vẹn, chấm dứt đổ máu lập tức và trong đó, phần của ông Hạnh không hề nhỏ.

Nhiều năm xây dựng, dự tính thời cuộc, tổ chức đã chờ đợi ngày mà ông Hạnh nắm được thời cơ. Cuối cùng, ngày ấy cũng đến và ông đã hoàn thành nhiệm vụ trên cả mong đợi. 

Vinh biet 'vi tuong khong biet ban sung'
Ông Nguyễn Hữu Hạnh

“Người anh hùng thầm lặng” là dòng chữ trên vòng hoa của Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định viếng cựu chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - nguyên quyền Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, người vừa qua đời sáng 29/9/2019 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.

Đó cũng là tựa đề một bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 1/10, dẫn lời ông Phạm Văn Thắng - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống khối binh vận - đánh giá: “Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh là cơ sở nội tuyến chiến lược của khối binh vận. Nhiều năm xây dựng, dự tính thời cuộc, tổ chức đã chờ đợi ngày mà ông Hạnh nắm được thời cơ.

Cuối cùng, ngày ấy cũng đến và ông đã hoàn thành nhiệm vụ trên cả mong đợi. Có rất nhiều yếu tố đưa đến cho chúng ta một ngày 30/4 với Sài Gòn nguyên vẹn, chấm dứt đổ máu lập tức, và trong ấy phần của ông Hạnh không hề nhỏ”.

Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1924 tại xã Phú Phong, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Năm 1946, sau khi đỗ tú tài, ông bị động viên vào quân đội Liên hiệp Pháp và tốt nghiệp Trường Võ bị Nam Việt Vũng Tàu với cấp bậc chuẩn úy, được biên chế vào một đơn vị bộ binh với chức trung đội trưởng, thuộc cấp trực tiếp của đại đội trưởng - thiếu úy Dương Văn Minh.

Sau đó, lần lượt ông được thăng cấp thiếu úy rồi trung úy đại đội trưởng. Năm 1952, ông chuyển sang Quân đội Quốc gia, được thăng cấp đại úy, Tham mưu trưởng Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Năm 1960, ông là Tham mưu trưởng Biệt khu Thủ đô, đến năm 1963, ông được thăng cấp đại tá và trở thành Tham mưu trưởng Quân đoàn IV. Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông.

Tháng 10/1963, cha ông qua đời và muốn được yên nghỉ tại quê nhà (Mỹ Tho), trong vùng thuộc quyền kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Thực hiện ý nguyện của cha, ông đã tìm cách liên lạc với phía Mặt trận, đề nghị ngưng chiến ba ngày để lo tang lễ. Dịp này, Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam tổ chức tiếp cận, vận động đại tá Nguyễn Hữu Hạnh làm cơ sở. Từ đó, ông Hạnh có thêm mật danh là S7 hoặc Sao Mai.

Năm 1969, ông được thăng cấp chuẩn tướng. Trước khi bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho về hưu non ngày 15/5/1974, tướng Hạnh còn giữ các chức vụ: Phó tư lệnh Sư đoàn 21 bộ binh, Tư lệnh Biệt khu 44 (gồm 4 tỉnh Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường), Phó tư lệnh Quân đoàn II…

Tháng 4/1975, Trung ương Cục miền Nam tìm cách đưa ông Nguyễn Hữu Hạnh quay lại và ông đã đến Sài Gòn kịp lúc Tổng thống Dương Văn Minh vừa nhậm chức. Ông Hạnh được phân công làm phụ tá cho Tổng tham mưu trưởng - trung tướng Vĩnh Lộc.

Sau khi Vĩnh Lộc đào nhiệm, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh trở thành quyền Tổng tham mưu trưởng, và ở cương vị này, ông đã có một đóng góp được đánh giá là “không hề nhỏ”.

Hẳn mọi người đều nhớ, lúc 9g30 sáng 30/4/1975 trên Đài Phát thanh Sài Gòn, sau tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh là “mệnh lệnh” của chuẩn tướng quyền Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa:

“Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng vắng mặt, yêu cầu tất cả quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngưng bắn. Các cấp chỉ huy của Quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chánh phủ lâm thời miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngưng bắn một cách không đổ máu…”.

Ông Kiều Xuân Long - đại diện Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - nói: “Là người đi qua chiến tranh, may mắn lành lặn vào đến Sài Gòn đúng trưa 30/4, chúng tôi mang ơn ông ở trong tim và cho rằng mọi người cũng vậy”.

Sau hòa bình và thống nhất đất nước, tướng Nguyễn Hữu Hạnh được bầu làm Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong bài  “Chuyện ít biết về chuẩn tướng Hạnh” (Danviet.vn 29/4/2015), tác giả Hữu Danh dẫn lời kể của ông Nguyễn Hữu Hạnh, năm 1946, ông “đăng lính” coi như một “nghề” kiếm sống chứ không có ý định thăng tiến trong con đường binh nghiệp.

“Tôi ở cùng đại đội với ông Dương Văn Minh. Lúc đó, ông Minh đã là thiếu úy chỉ huy, còn tôi là lính mới tò te. Ông Minh dạy tôi bắn súng, nhưng tôi chỉ bắn tập chứ ra trận chưa bắn viên nào. Trong quân đội, tôi chủ yếu làm… kế toán trưởng kiêm luôn thông ngôn. Thành ra có người nói tôi làm tướng mà không biết bắn súng là vì vậy”.

Cũng theo lời kể của ông Hạnh, ông có 11 người con, một người định cư ở Đức, còn lại đều sống ở TP.HCM. Sau khi vợ mất một thời gian, ở tuổi 90, ông gặp một người phụ nữ tuổi đã lục tuần mà ông gọi là người “khổ nhất thế gian”. Đó là bà Trần Thị Hiệp.

Ban đầu, bà Hiệp không chịu ông già. Đến lúc bà Hiệp đồng ý thì các con của ông Hạnh phản đối. May sao, cuối cùng, mọi sự cũng hanh thông, ông bà về sống với nhau đến lúc mãn đời. 

Anh Trần

 
TIN MỚI