Việt Nam hành động nóng cứu hạn Đồng bằng Sông Cửu Long

18/03/2016 - 10:12

PNO - Việt Nam gửi công hàm đề nghị Trung Quốc xả nước thủy điện, đồng thời yêu cầu Thái Lan làm rõ hơn kế hoạch bơm nước ở Mekong.

Viet Nam hanh dong nong cuu han Dong bang Song Cuu Long
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Hoàng Hà

Cứu nguy ĐBSCL: Trung Quốc xả gấp đôi

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay 17/3, Người Phát ngôn Lê Hải Bình đã thông tin về việc Trung Quốc phối hợp xả nước cứu hạn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau đề nghị của Việt Nam.

Thông qua các kênh ngoại giao, Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam, xuống lưu vực sông Mekong để góp phần khắc phục hạn hán cũng như xâm nhập mặn của một số tỉnh ĐBSCL của Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho biết.

"Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, ngày 14/3, đại diện Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã gặp đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, thông báo rằng từ ngày 15/3-10/4/2016, phía Trung Quốc sẽ tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống khu vực hạ lưu sông Mekong từ 1.100 m3/s lên 2.190m3/s , gấp đôi so với mức trung bình cùng kỳ nhiều năm trước", Người Phát ngôn cho hay.

Theo ông Bình, trước khi đề nghị phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ để lên các phương án cụ thể nhằm khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn tại một số tỉnh ĐSBCL. Đối với các đánh giá cụ thể về tác động, các cơ quan chức năng liên quan sẽ có những phân tích sâu sâu và chi tiết hơn.

Ông Bình cho biết thêm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đang tiếp tục tích cực trao đổi với phía Trung Quốc cũng như các quốc gia sông Mekong để cùng nhau sử dụng bền vững sông Mekong, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, cũng như người dân sinh sống trong khu vực này.

Yêu cầu Thái Lan làm rõ kế hoạch bơm nước ở Mekong

Một diễn biến có liên quan, trước kế hoạch của Thái Lan về hút nước sông Mekong và xây cửa chắn phục vụ cho nông nghiệp, Việt Nam cho biết đã nêu yêu cầu Bangkok làm rõ trong cuộc họp gần đây.

"Việt Nam đã bày tỏ quan ngại và đề nghị phía Thái Lan sớm cung cấp thông tin cụ thể về thực hiện kế hoạch tại cuộc họp lần thứ 42 của Ủy ban liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế tại Cần Thơ từ 15-17/3", ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết vào chiều 17/3.

Trong khi truyền thông Singapore và Campuchia đưa tin Thái Lan đang hút một lượng nước lớn từ sông Mekong để dự trữ, đồng thời sắp xây một số cửa chắn nước từ các nhánh sông Mekong và xây ba hồ chứa nước dự trữ phục vụ nông nghiệp nước này, ông Bình nhấn mạnh, lập trường của Việt Nam về việc sử dụng nguồn nước sông Mekong đã nhiều lần được nêu rõ.

Viet Nam hanh dong nong cuu han Dong bang Song Cuu Long
Ngành nông nghiệp Thái Lan cũng đang chịu cảnh hạn hán tương tự Việt Nam. Ảnh: Reuters

Cụ thể, các quốc gia liên quan phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, đảm bảo các công trình thủy điện trên dòng chính sông không gây ảnh hưởng đến môi trường của các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn, theo đúng thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông cũng như của người dân sinh sống trong khu vực.

Trong năm 2016, hạn hán và mặn xâm nhập được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng này được dự báo còn kéo dài đến tháng 6/2016; sẽ ảnh hướng tới 160.000ha lúa.

Đến nay, có tới 155.000 hộ gia đình ở khu vực ĐBSCL đang thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng, người dân phải mua nước ngọt với giá “cắt cổ” 60-80.000 đồng/m3.

Hiện, miền Nam đang trong giai đoạn cao điểm của El Nino, tức cao điểm của nắng nóng, hạn hán. Trong khi đó, mùa này, nước thượng nguồn sông Mekong lại đổ về rất ít do bị ngăn cản bởi hàng loạt các công trình thủy điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vì thế nước không đủ để có thể đẩy mặn ra biển được.

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI