Việc tịch thu xe bán trái cây tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP. HCM chính quyền làm khổ dân?

17/06/2016 - 13:48

PNO - Chị Tăng Thị Thu Hà đang bán trái cây trong khuôn viên chùa An Lạc thì bị lực lượng trật tự đô thị ập vào “hốt sạch” xe trái cây và bàn ghế, khiến chị bàng hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Viec tich thu xe ban trai cay tai P.Hiep Binh Chanh, Q.Thu Duc, TP. HCM chinh quyen lam kho dan?
Bảng hiệu, bàn ghế... bị hốt một cách nhanh chóng (ảnh cắt từ clip)

19g30 ngày 6/5/2016, chị Tăng Thị Thu Hà (thường trú tại tỉnh Phú Yên) đang bán trái cây trong khuôn viên chùa An Lạc (P.Hiệp Bình chánh, Q.Thủ Đức) thì bị lực lượng trật tự đô thị ập vào “hốt sạch” xe trái cây và bàn ghế, khiến chị bàng hoàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Theo lời chị, chính quyền đến tịch thu mà không một lời giải thÍch, cũng chẳng lập biên bản.

Bị tịch thu oan?

Rời Phú Yên vào Sài Gòn làm thuê được ba năm, chị Hà dành dụm một ít tiền, vay mượn thêm bạn bè để kinh doanh trái cây. Chị xin ban quản lý chùa An Lạc và được cho phép đặt xe, bàn ghế trong khuôn viên chùa để buôn bán. Bán được hơn một tuần, ngày 6/5, lực lượng trật tự đô thị P.Hiệp Bình Chánh bất ngờ ập đến, tịch thu tài sản gồm: một xe bán trái cây (trị giá 11 triệu đồng), trái cây bày bán trên xe (500.000đ), một bảng hiệu (1,2 triệu đồng), một máy vắt cam (290.000đ), bảy bàn nhựa (420.000đ), 30 ghế nhựa (750.000đ) và ly, tô, đĩa, ca nhựa, dao… (1,5 triệu đồng).

Chị Hà kêu oan vì chị bày bán trong khuôn viên chùa, không lấn chiếm lòng, lề đường; trước khi bị tịch thu, chị cũng chưa từng được nhắc nhở. Chị Hà nghẹn ngào trình bày với PV báo Phụ Nữ: “Tôi đang đứng bán thì có hai người đàn ông mặc đồng phục chạy xe gắn máy đến bảo: “Dẹp đi, nếu không dẹp sẽ bắt”. Tôi sững sờ, chạy đến rút phích cắm bảng hiệu ra để thu dọn thì đã không còn kịp. Một chiếc xe tải nhỏ có chữ “‘Ủy ban nhân dân phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức” trờ tới, hai người đàn ông mặc đồng phục xanh nhảy xuống hốt xe trái cây, bảng hiệu, bàn, ghế… lên xe rồi nhanh chóng rời đi khi tôi còn chưa kịp hiểu ra điều gì, chỉ chừa lại mộtcái bàn và hai cái ghế nhựa do có khách đang ngồi. Họ không hề lập biên bản nên tôi cũng không biết họ mang đồ của tôi đi đâu”.

Sau đó vài ngày, chị Hà được một người dân gửi clip ghi lại diễn tiến vụ việc. Clip dài hơn 5 phút thể hiện nội dung: xe tải trờ tới, hai người mặc đồng phục trật tự đô thị và một người mặc đồng phục dân phòng nhanh chóng gom hết đồ của chị Hà lên xe. Gom xong, hai người mặc đồng phục trật tự đô thị nhanh chóng lên xe gắn máy (biển số 52S5-2310 và 51X8- 0845) rời đi, để lại chị Hà đứng ngơ ngác.

Khiếu nại một đường, mời lên làm việc một nẻo!

Bức xúc, chị Hà gửi đơn khiếu nại đến UBND P.Hiệp Bình Chánh về việc tịch thu tài sản mà không nói rõ lý do cũng như không lập biên bản. Nhận được đơn, UBND phường mời chị lên làm việc vào ngày 16/5 với nội dung “Giải quyết vấn đề liên quan đến việc buôn bán kinh doanh, đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn Hiệp Bình Chánh” kèm đề nghị mang theo giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp đồng thuê nhà, thuê mặt bằng.

Chị Hà không có mặt theo thư mời vì cho rằng thư mời làm việc không đúng với nội dung khiếu nại. UBND phường tiếp tục mời chị Hà làm việc vào ngày 19/5 với nội dung tương tự, nhưng đến ngày 20/5 chị mới nhận được giấy mời nên không đến được. Theo dấu bưu điện, thư mời đương sự làm việc vào 13g30 ngày 19/5 nhưng đến ngày 19/5 mới chuyển đi (căn cứ theo dấu bưu điện). Sau đó UBND phường tiếp tục mời chị Hà lên làm việc vào ngày 30/5, nhưng bỏ dòng chữ đề nghị mang theo giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, hợp đồng thuê nhà, thuê mặt bằng.

Vì sao UBND mời đương sự làm việc vào ngày 19/5 nhưng ngày 19/5 mới gửi thư đi? Người dân khiếu nại “tại sao tịch thu tài sản mà không lập biên bản”, UBND phường lại không đề cập nội dung được khiếu nại mà chuyển sang nội dung “giải quyết vấn đề liên quan đến việc buôn bán kinh doanh, đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn Hiệp Bình Chánh”? Luật gia Nguyễn Văn Hưng (người trợ giúp pháp lý cho chị Hà) cho rằng, khi UBND phường mời làm việc không đúng nội dung như đề nghị của chị Hà, chị Hà có quyền từ chối gặp.

Sân chùa hay lề đường?

Chiều 7/6, chúng tôi tìm đến Công an (CA) P.Hiệp Bình Chánh để xác minh vụ việc. Ông Nguyễn Ngọc Hải (Trưởng CA P.Hiệp Bình Chánh) khẳng định: “Chúng tôi nhận được đơn khiếu nại của chị Hà đã hơn một tuần, đang điều tra, chưa có kết quả cụ thể. Việc lập lại trật tự đô thị do UBND phường thực hiện, CA phường chỉ giúp UBND phường xác minh, làm rõ và báo cáo về cho CA Q.Thủ Đức cũng như UBND phường”. Tịch thu xe bán trái cây dạo không phải chuyện lớn, nhưng đã hơn một tuần trôi qua, dường như CA phường chưa thực sự chuyển động vì “chưa có thông tin gì cụ thể” (như lời của ông Nguyễn Ngọc Hải). CA phường mời chị Hà đến làm việc ngày 6/6, chị Hà bận. Ngày hôm sau (7/6), chị Hà có mặt tại trụ sở CA phường, thì được một CA viên lấy lời khai và được đề nghị cùng CA xuống hiện trường để xác minh!

Cũng trong ngày 7/6, phóng viên đến UBND P.Hiệp Bình Chánh nhưng ông Trần Minh Tú (Chủ tịch UBND phường) từ chối trả lời trực tiếp, đề nghị để lại câu hỏi, ông sẽ trả lời bằng văn bản. Với tám câu hỏi cụ thể, ngày 9/6, phóng viên nhận được một văn bản trả lời khá chung chung. Cụ thể, theo văn bản: “Tại vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, khu vực trước chùa An Lạc thường xuyên xảy ra việc người dân bày bánhàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố, gây mất trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và UBND phường phải thường xuyên xử lý trật tự lòng lề đường tại khu vực này. Khoảng 19g30 phút ngày 6/5, Tổ trật tự đô thị kiểm tra vi phạm đối với bà Tăng Thị Thu Hà tại vỉa hè đường Phạm Văn Đồng, khu vực trước chùa An Lạc. Tuy nhiên, thời điểm trên bà Hà có mặt nhưng không hợp tác và không cung cấp thông tin cá nhân. Do đó, tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính số 107/BB-VPHC về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo trình tự theo thủ tục vắng chủ nhà…”.

Phần trả lời của UBND P.Hiệp Bình Chánh có khá nhiều nội dung mâu thuẫn với clip quay được ở hiện trường. Trong clip cho thấy, chị Hà bày bán trong sân chùa, không phải trên vỉa hè hay lòng đường; lực lượng trật tự đô thị ập đến nhanh chóng thu dọn đồ đạc của chị Hà và chỉ nói gọn lỏn “9 giờ sáng mai lên phường làm việc” rồi nhanh chóng rời đi, không hề trao đổi về việc lập biên bản.

Việc bị bất ngờ tịch thu xe trái cây đã khiến chị Hà lâm cảnh thất nghiệp ở đất khách quê người. Đến nay, UBND P.Hiệp Bình Chánh vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thuyết phục rằng, tại sao lại tịch thu đồ buôn bán của người dân trong sân chùa, việc này vi phạm trật tự đô thị như thế nào? Tại sao trong clip không cho thấy việc lực lượng trật tự đô thị lập biên bản, chị Hà cũng khẳng định không được lập biên bản, nhưng UBND phường khẳng định “đã lập biên bản theo đúng quy định”? Ngày 12/6, sau khi nhận được văn bản trả lời, chúng tôi đã đề nghị được đến UBND phường để trực tiếp xem biên bản nhưng ông Trần Minh Tú không đồng ý, bảo sẽ chuyển qua đường bưu điện. Cuối ngày 16/6, chúng tôi vẫn chưa nhận được biên bản này.

Tại điểm b, điểm c khoản 1, điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nêu rõ: việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Theo tôi, việc thu giữ toàn bộ tài sản có giá trị gần 17 triệu đồng của chị Hà trong trường hợp này là không phù hợp. Ngoài ra, hình ảnh từ clip cho thấy thu giữ cả xe đầy ắp trái cây tươi gọt sẵn gây phản cảm, tác hại nhiều mặt trong xã hội.

Luật gia Nguyễn Văn Hưng (Hội Luật gia TP.HCM)

 Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI