Video: 40 năm làm nghệ nhân khắc chữ trên vỉa hè Sài Gòn

28/09/2019 - 18:02

PNO - 40 năm nay, ông Lê Tiến Dũng vẫn ngồi ở ngã tư đường Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP. HCM, để làm nghề khắc chữ thủ công lên đồ vật.

Xem clip:

 

Ông Lê Tiến Dũng sinh ra và lớn lên ở Hải Dương cho đến năm 18 tuổi thi đậu vào trường Kiến trúc Hà Nội. Học được 2 năm, ông lên đường nhập ngũ tới năm 1980, ông xuất ngũ rồi ở lại gắn bó với mảnh đất Sài Gòn đến tận bây giờ và sinh sống nhờ nét chữ đẹp tài hoa.

Ông Dũng cho biết: “Khách đến nhờ ông khắc chữ đã giảm 80-90% so với nhiều năm trước, không phải vì người ta không thích chữ khắc của mình mà vì nhiều nơi khắc chữ khác mở ra, máy móc hiện đại hỗ trợ rất nhiều... Hiện tại, tôi chỉ làm cho những người đã biết mình lâu rồi hoặc là những người rất khó tính”.

Trước đây, khi đồ nghề khắc chữ còn thô sơ, ông Dũng phải dùng những thanh kim loại có phần đầu được mài thật nhọn, rồi dùng sức tì lên đồ vật mà viết. Do đó, thời gian hoàn thành một sản phẩm sẽ lâu và tốn nhiều công sức hơn. Những năm sau đó, ông Dũng đã mày mò và chế tạo ra những cây bút chạy bằng mô-tơ để khắc trên mọi chất liệu như hiện nay.

Anh William Hoàng (khách đến đặt khắc chữ) cho biết: “Vô tình gặp chú Dũng vào năm 1998 khi đang cần khắc chữ trên đường Lê Lợi để lưu giữ kỷ niệm, từ đó yêu mến chú Dũng đến nay. Những món quà được khắc chữ tuy rằng không có giá trị  nhiều về vật chất, nhưng đó là kỷ niệm của tôi đối với bạn bè và người thân”.

Hiện tại, ba món được yêu cầu khắc chữ nhiều nhất là bút, khung tranh và đồ trang sức. Khách hàng sẽ mang vật cần khắc đến, sau đó sẽ viết nội dung vào một tờ giấy, tùy vào món đồ và tính chất mà ông Dũng sẽ có những kiểu chữ khác nhau để khắc theo nội dung mà khách đã yêu cầu.

Với nét chữ ngày càng đẹp, góc nhỏ làm việc của ông Dũng không ngớt khách trong và ngoài nước tới thăm.

Đến nay chữ của ông đã đi đến rất nhiều nơi trên thế giới. Hơn 35 năm qua ông đã truyền nghề cho rất nhiều học trò, có người sống và đã hành nghề ở Mỹ, Pháp.

Riêng ông, gần 40 năm ngồi ở góc đường, chứng kiến bao sự đổi thay của Sài Gòn phồn thịnh, người nghệ nhân tài hoa này càng yêu nghề và yêu hơn cái đẹp của Sài Gòn.

Tam Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI