Vì sao Sài Gòn liên tục bị triều cường rượt đuổi?

04/10/2019 - 06:55

PNO - Trong lúc tưởng chừng triều cường ở TP.HCM đã được khống chế thì đùng một cái, nước triều lại dâng cao bất thường khiến đường mới nâng cao cũng ngập. Dự báo từ nay đến cuối năm, mực nước các đợt triều còn tiếp tục tăng lên.

Sáng 30/9, hầm chui qua cầu Bến Cát trên Quốc lộ 1 (Q.12, TP.HCM) phải đóng cửa do nước ngập quá sâu, các phương tiện không thể lưu thông. Trước đây, thỉnh thoảng vẫn bị ngập khi mưa lớn, nhưng đây là lần đầu tiên, hầm chui này bị ngập nặng do triều cường. Đây là một trong nhiều điểm ngập triều chưa được cơ quan chức năng cập nhật và lý giải nguyên nhân.

Nước cống ùng ục phun trào

Tối 2/10, dù đỉnh triều đã xuống thấp nhưng nhiều nơi ở TP.HCM vẫn còn bị ngập sâu. Trên trục đường Trần Hưng Đạo, nước triều xâm nhập vào hệ thống cống thoát nước, trào ngược lên đường, gây ngập dữ dội.

Tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền (Q.5) một nắp cống bị nước đẩy bung, nước ùng ục phun lên khiến ai chứng kiến cũng kinh ngạc. Thấy nước trào lên quá mạnh, có thể gây tai nạn cho người đi đường, nhiều người phải lấy ghế ra đặt quanh miệng cống để ngăn người lưu thông lại gần.

Vi sao Sai Gon  lien tuc bi  trieu cuong  ruot duoi?
Sau nhiều năm được kiểm soát, đường Trần Hưng Đạo (Q.5) bất ngờ bị ngập triều - Ảnh: Quốc Bình

Tại đường Trần Xuân Hòa (P.7, Q.5), người dân cũng tá hỏa vì nước tràn vào nhà. Anh Mai Hà có nhà nằm trên trục đường này bức xúc: “Mưa lớn cùng triều cường dâng cao nên đường ngập như sông. Trước đây, nước cao lắm cũng chỉ mấp mé cửa, không ngờ lần này, nước tràn luôn vào nhà, không trở tay kịp”. Theo anh Hà, khu vực này trước nay hiếm khi bị ngập do triều, không hiểu sao đợt này lại bị ngập. Tại Q.1, nước triều cũng xâm nhập vào hệ thống cống thoát nước, gây ngập đường Calmette. 

Trong báo cáo nhanh gửi Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM cho biết, căn cứ vào số liệu quan trắc của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cao nhất rơi vào ngày 29/9. Cụ thể, lúc 16g30, đỉnh triều đo được ở trạm Phú An (sông Sài Gòn) là +1,73m, tại trạm Nhà Bè là +1,75m. Nếu so với cùng kỳ năm 2018 (đỉnh triều đạt mức +1,43m), mực nước của đợt triều này tăng 32cm. Đây cũng là mức triều cao nhất từ trước đến nay ở TP.HCM.

Theo trung tâm trên, trong ngày đỉnh triều dâng cao kỷ lục, tại TP.HCM, xuất hiện ngập ở 9 tuyến đường và các khu vực trũng thấp xung quanh, gồm: đường Lê Văn Lương, Phú Định, Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát, Quốc lộ 50, Bình Quới, Nguyễn Văn Hưởng, Xa lộ Hà Nội, Mễ Cốc. Trong đó, đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè) có đoạn ngập gần nửa mét, được xác định là do tuyến đường này chạy song song với nhánh sông Rạch Đỉa, rạch Nò, rạch Mỏ Neo nên triều tràn qua bó vỉa, xâm nhập lên mặt đường gây ngập.

Vi sao Sai Gon  lien tuc bi  trieu cuong  ruot duoi?
Hầm chui qua cầu Bến Cát bị ngập sâu, xe không lưu thông được - Ảnh: H.N.

Tại đường Phú Định (Q.8), mức nước ngập được xác định từ 0,15-0,25m. Nguyên nhân ngập được cho là do một công ty thi công cống kiểm soát triều Phú Định phá bờ kè, làm nước tràn bờ. Bên cạnh đó, một đơn vị thi công bờ kè ở khu vực này cũng làm hư hỏng van ngăn triều và tuyến kè hiện hữu, khiến triều cường xâm nhập vào chân kè dọc theo tuyến đường và gây ngập. Cũng ở Q.8, đường Mễ Cốc ngập rất sâu, có nơi ngập đến 70cm.

Cuộc rượt đuổi chưa có hồi kết

Ông Nguyễn Kiệt - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - cho biết, đợt triều vừa qua dâng cao khá bất thường: “Những đợt trước, khi đỉnh triều ở TP.HCM tăng cao, ngoài biển Vũng Tàu vẫn tăng không đáng kể. Đợt này, đỉnh triều ở biển Vũng Tàu cũng tăng khá cao, đạt 4,35m, gần bằng mức triều kỷ lục năm 1999. Mới tháng Chín âm lịch mà triều đã dâng cao thế này thì vào các tháng cuối năm, chắc chắn sẽ còn tăng cao”.

Vi sao Sai Gon  lien tuc bi  trieu cuong  ruot duoi?
 

Theo dõi danh sách các điểm ngập trong đợt triều vừa qua, một kỹ sư thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, ngoài tình trạng ngập bất thường ở Q.1, Q.5, một số tuyến đường mới nâng cấp cũng bị ngập. 

“Đường Lê Văn Lương (H.Nhà Bè) đã được Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình khu vực H.Nhà Bè đầu tư và bàn giao cho Trung tâm Chống ngập TP.HCM vào năm 2012 nhưng trong đợt triều vừa qua, vẫn ngập. Ở Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), một số đê kè mới xây cũng bị nước tràn qua, gây ngập”. Ông dẫn chứng.

Đối chiếu số liệu điểm ngập triều trong đợt vừa qua, chúng tôi cũng nhận thấy, số điểm ngập ở TP.HCM tăng lên rất nhiều so với các báo cáo gần đây của Trung tâm Chống ngập  TP.HCM. Theo nhiều báo cáo của trung tâm này, các điểm ngập triều trong vài năm gần đây chỉ xảy ra ở các khu vực trũng thấp như đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Nguyễn Văn Hưởng (Q.2)…

Theo nhận định của Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật, nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị ngập trong đợt triều vừa qua do mặt đường thấp so với mức triều cường. Bên cạnh đó, do một số công trình thi công không đảm bảo, làm cho triều xâm nhập vào hệ thống cống thoát nước. Cụ thể, đường Phú Định (Q.8) ngập chủ yếu do đơn vị thi công cống kiểm soát triều Phú Định phá bờ kè khiến nước tràn bờ. Gần đó, một đơn vị khác thi công gói thầu bờ kè cũng làm hư hỏng van ngăn triều khiến nước triều rò rỉ theo chân kè, gây ngập.

Trước hiện tượng đỉnh triều ở TP.HCM liên tục tăng cao bất thường, chuyên gia chống ngập Hồ Long Phi lý giải: “Qua trực tiếp nghiên cứu và tham khảo nghiên cứu của một số đơn vị khác, tôi nhận thấy, nguyên nhân ngập cụ thể là: ở phía bắc TP.HCM, do các công trình thủy lợi xây dựng nhiều làm cho mực nước sông và kênh rạch dâng cao; ở phía nam, các hệ thống bờ bao ngăn nước để nuôi trồng thủy sản cũng làm thu hẹp các bãi triều, chẳng hạn ở H.Cần Giờ (TP.HCM) và H.Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), dẫn đến mực nước triều tăng lên khi vào TP.HCM”. 

Mốc cao độ bị lún, công trình cũng mong manh

Trước tình trạng đỉnh triều liên tục tăng cao, liệu công trình ngăn triều chống ngập với tổng kinh phí 10.000 tỷ đồng mà TP.HCM đang thực hiện có nguy cơ lạc hậu không, ông Hồ Long Phi, phân tích: “Công trình ngăn triều này thiết kế với đỉnh triều trên 2,2m nên không sao”. Tuy nhiên, theo ông Phi, điều đáng lo ngại là hiện nay, nhiều cột mốc cao độ ở TP.HCM bị lún nên độ chính xác không cao. Nếu các công trình chống ngập căn cứ vào cột mốc lún để thiết kế thì rất đáng lo ngại. Ví dụ, do cột mốc cao độ lún nên công trình thiết kế 2,2m nhưng trên thực tế có thể chỉ còn 1,8 m và có thể sẽ bị ngập triều”.


 

news_is_not_ads=
TIN MỚI