Vì sao Masan muốn giữ 100% cổ phần Núi Pháo khi đang trong quá trình thanh tra?

03/11/2016 - 21:50

PNO - ''Có thể việc để mất hình ảnh trong vụ nước mắm đã dẫn tới Masan đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực khai thác trước sức ép của cổ đông để bù đắp thiệt hại mà nước mắm gây ra cho công ty và các cổ đông''

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố kế hoạch chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của CTCP Tài nguyên Masan – Masan Resources (MSR) thông qua công ty con là CTCP Tầm nhìn Masan (MH).

Theo kế hoạch, Masan sẽ chào mua toàn bộ cổ phiếu MSR với giá 15.500đ/cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu hiện nay ở mức 72,7% lên 100% trên cơ sở pha loãng hoàn toàn. Masan dự kiến đợt chào mua sẽ kết thúc trước quý 4/2016.

Vi sao Masan muon giu 100% co phan Nui Phao khi dang trong qua trinh thanh tra?
Masan muốn giữ 100% cổ phần Núi Pháo

Vực dậy sau sự cố nước mắm?

Trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng việc mua bán cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu là hoàn toàn bình thường trong nền kinh tế thị trường nếu không vi phạm pháp luật.

''Việc nắm 100% sở hữu MSR sẽ làm cho Masan có thể chủ động hơn trong kinh doanh và khai thác tại mỏ Núi Pháo.

Bài toán ở đây là tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo và cổ đông Masan. Theo tôi, có thể việc để mất hình ảnh trong vụ nước mắm đã dẫn tới Masan đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực khai thác trước sức ép của cổ đông để bù đắp thiệt hại mà nước mắm gây ra cho công ty và các cổ đông'' - ông Nga nhận định.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng khẳng định, trong điều kiện nền kinh tế thị trường thì việc các doanh nghiệp mua đi, bán lại là chuyện hết sức bình thường.

Thế nhưng, ông Bình lưu ý thêm đến việc Masan tuyên bố mỏ Núi Pháo bắt đầu kiếm ra tiền cho doanh nghiệp này.

Theo báo cáo tài chính quý 4/2013 của Masan Group, tính từ đầu năm 2014, dự án Núi Pháo của Masan Resources đã bắt đầu giao những đơn hàngđầu tiên, có giá trị 14,4 triệu USD. Masan kỳ vọng Núi Pháo sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu vượt 1 tỷ USD doanh thu toàn tập đoàn trong năm 2014.

''Đây có thể cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến quyết định này. Chắc chắn khi quyết định mua lại 100% công ty sở hữu mỏ Núi Pháo, Masan phải thấy triển vọng và cơ hội để phát triển. Họ sẽ không dại gì đầu tư mạo hiểm khi có thể gặp những rủi ro'' - ông Bình dự đoán.

Nói thêm về dự tính mua lại toàn bộ cổ phần của công ty sở hữu mỏ Núi Pháo của Masan, PGS.TS  Nguyễn Hồng Nga cho rằng, mỗi một chủ đầu tư có cái nhìn khác nhau về một dự án đầu tư.

Nếu một chủ đầu tư nhìn thấy tương lai sáng sủa thì anh ta sẽ chủ động đầu tư và nếu một chủ khác có cái nhìn bi quan về dự án thì họ sẽ bán lại dự án để cắt lỗ hoặc chốt lãi.

''Theo cá nhân tôi, việc tập đoàn đầu tư nước ngoài muốn rút khỏi dự án là việc làm đã có tính toán kỹ lưỡng từ phía tập đoàn nước ngoài này. Không đơn giản mà họ rút lui trừ trường hợp họ có dự án đầu tư khác khả quan hơn và lợi nhuận cao hơn cả dài hạn và ngắn hạn.

Các tập đoàn đầu tư nước ngoài có lịch sử lâu năm và kinh nghiệm thương trường dư thừa, do vậy họ rút ra khi họ cảm thấy không còn hứng thú với hiện tại và tương lai của dự án về môi trường đầu tư và cả lợi nhuận thu được'', TS. Nga nhận định.

Còn PGS.TS Bùi Quang Bình khẳng định, thương vụ mua bán này chắc chắn cả phía Masan và công ty Masan Resources đều được hưởng lợi.

Theo ông, hiện nay công ty con của Masan là CTCP Tầm nhìn Masan đang nắm giữ tới 70% cổ phần nên nắm thế chủ đạo. MSR nắm khoảng 30% nên chỉ có mặt trong thành viên hội đồng quản trị chứ không quyết định được nhiều.

''Masan chấp nhận trả giá cao hơn, còn MSR thấy có lợi thế hơn trong thương vụ này nên bán đi. Trong kinh doanh khoáng sản còn chứa đựng nhiều rủi ro, phụ thuộc vào thị trường thế giới. Thời điểm này có lãi nhưng thời gian sau chưa biết thế nào cả'' - ông Bình nêu quan điểm.

Khẳng định minh bạch?

Đáng chú ý, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga nhắc đến đó là việc Masan công bố muốn mua cổ phần của dự án Núi Pháo khi nó đang trong giai đoạn thanh tra 45 ngày. Về việc này, ông Nga cho rằng không mấy khó hiểu và lý giải quyết tâm của Masan.

''Thứ nhất là có khả năng họ đã có thông tin nội gián về đợt thanh tra 45 ngày này. Thứ hai, học chơi bài ngửa nhằm chứng tỏ sự minh bạch của mình về dự án Núi Pháo để sau này bán cổ phiếu cho nhà đầu tư để lấy lãi.

Tiếp theo, có thể họ đã tìm được một đối tác tin cậy nào đó từ nước ngoài hoặc trong nước để cùng chia sẻ trong dự án quan trọng và đầy rủi ro này.

Cuối cùng, việc mua cổ phiếu ký nợ trị giá 35 triệu USD chứng tỏ Masan đã có đối tác nào đó để bán lại phần cổ phiếu của Dragon Capital hoặc họ chờ nguồn thu từ khai thác để trả món nợ này'', ông Nga phân tích.

Ngoài ra, ông cũng nhận định rằng, tập đoàn Masan cũng chưa quá tin tưởng vào thành công của dự án vì thực ra họ chưa có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực khai khoáng.

''Nhưng họ sẽ tin tưởng vào đối tác nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư  Khai thác quặng'' - ông Nga nói.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Quang Bình nhận định dù dự án có đang trong giai đoạn thanh tra thì việc mua bán vẫn phải diễn ra theo đúng trình tự.

''Đứng về mặt doanh nghiệp kinh doanh thì họ phải nhìn thấy tương lai, chấp nhận rủi ro thì mới quyết định bỏ tiền mua trong thời gian thanh tra. Đó là nguyên tắc quan trọng nhất. Còn về mặt nhà nước thì tiến hành thu thuế'' - ông Bình phân tích.

Dương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI