Vé xe tết khan hiếm vì… cò

02/02/2018 - 09:17

PNO - Đến thời điểm này, nhiều nhà xe trong các bến xe đã công bố hết vé xe tết Mậu Tuất 2018. Trong khi đó, bên ngoài, “cò” vẫn rầm rộ rao bán vé xe tết với giá “cắt cổ”

Một số nhà xe bên ngoài cũng lợi dụng tình hình thiếu vé, đẩy giá lên cao ngất ngưởng gần bằng giá... vé máy bay.

Vật vã tìm vé xe tết

Chiều 31/1, tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), rất đông người đến tìm mua vé xe về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tại quầy bán vé của hãng xe khách Bình Tâm (chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi), nhiều người phải thất thểu ra về vì nhà xe đã hết sạch vé xe tết từ những ngày trước đó. Được biết, bến xe Miền Đông mở bán vé từ ngày 6/1, nhưng để “săn” được vé xe giường nằm, không phải dễ.

Ve xe tet khan hiem vi… co
Người dân rất khó khăn khi đi “săn” vé xe giường nằm về quê ăn tết, trong khi “cò” lại có rất nhiều vé

Từ tỉnh Bình Dương, anh Trần Văn Đầy (quê Quảng Ngãi) xin nghỉ làm việc buổi chiều để đến bến xe Miền Đông mua vé về tết. Anh thất vọng: “Ngay từ những ngày đầu bán vé, tôi đã lên đây xếp hàng cả buổi mà vẫn không mua được vé xe giường nằm. Bữa nay, tôi lên kiếm “vé vớt” nhưng không có khách trả vé nên đành ra về. Chắc phải tìm mua vé “chợ đen” thôi”.

Theo anh Đầy, một vài năm trở lại đây, đa số người dân về quê ăn tết chọn xe giường nằm, nhưng lượng vé giường nằm được các nhà xe bán ra rất hạn chế, người dân thường chỉ mua được vé xe ghế ngồi.

Theo ghi nhận của phóng viên, các hãng xe “có thương hiệu” tại bến xe Miền Đông đã treo biển hết vé đi vào những ngày cao điểm, chẳng hạn như hãng xe Chín Nghĩa chạy tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi thông báo hết vé xe giường nằm từ ngày 24-28 tháng Chạp, chỉ còn ghế ngồi; hãng xe Bình Tâm, Thiên Trang cũng thông báo hết vé từ ngày 24-29 tháng Chạp.

Ve xe tet khan hiem vi… co
 

Tương tự, một số hãng xe đi tuyến đường ngắn, từ TP.HCM đi Phú Yên, Nha Trang, Bình Thuận cũng đã thông báo hết vé trong một số ngày cao điểm. Tại quầy bán vé xe Hồng Sơn (đi Phú Yên), khi phóng viên đặt mua vé xe ngày 26 tháng Chạp, nhân viên bán vé lắc đầu cho biết, vé giường nằm đã hết từ cả tuần trước.

Chị Trần Thị Thanh Hiền (quê Phú Yên) bức xúc: “Họ bán vé công khai nhưng từ cả tháng trước đã hết vé xe giường nằm. Để có xe về tết, tôi đành phải đặt vé xe chặng dài, chấp nhận tốn tiền gấp đôi giá vé thường. Tôi nghi ngờ có điều khuất tất”.

Theo đại diện bến xe Miền Đông, tính đến ngày 30/1, bến xe đã bán ra khoảng hơn 100.000 vé xe tết về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc. Hiện nay, còn khoảng gần 70.000 vé về các tỉnh, nhưng chủ yếu là vé ghế ngồi, xe tăng cường, xe buýt.

Ve xe tet khan hiem vi… co
 

Tại bến xe Miền Tây, lượng khách đến mua vé tết năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Như thường lệ, giá vé tết năm nay tăng hơn 40% so với ngày thường; riêng các tuyến có cự ly dài, giá vé tăng hơn 60% áp dụng trong sáu ngày, từ ngày 27 tháng Chạp đến mùng Hai tháng Giêng. Theo ghi nhận của phóng viên, năm nay, hành khách về quê ăn tết ở miền Tây chủ yếu chọn các hãng xe lớn. Các hãng xe phục vụ hành khách 24/24 giờ nên không diễn ra tình trạng khan hiếm vé như ở bến xe Miền Đông.

“Cò” đầu cơ vé, hét giá trên trời

Chiều 31/1, chị Trần Thị Thanh Hiền (quê Phú Yên) vừa rời bến xe Miền Đông thì được một người “chỉ điểm” cho cách mua vé xe tết mà không phải xếp hàng. Người này đưa cho chị Hiền số điện thoại 01687xxx244 của người đàn ông tên Phúc với cam kết: “Gọi cho ông này, bao nhiêu vé cũng có”.

Chị Hiền lấy điện thoại gọi, bên kia đầu dây, ông Phúc cho biết: “Vé giường nằm ngày 24 tháng Chạp của hãng xe Hồng Sơn vẫn còn, giá 600.000 đồng/giường”. Chị Hiền bất ngờ, vì giá vé tết cùng ngày trong bến xe chỉ 368.000 đồng, ông Phúc liền giải thích: “Thì mình bán lại, phải kiếm ít đồng chứ, vé không còn nữa, giá vậy là thấp rồi đó”. Chị Hiền nhìn chúng tôi lắc đầu: “Cò bán giá chát quá, đắt gần bằng vé máy bay”.

Ve xe tet khan hiem vi… co
Điểm bán vé xe Mười Phương (Q. Tân Phú, TP.HCM) hét giá 900.000 đồng/vé xe về Quảng Ngãi

Để xác thực, phóng viên gọi điện cho ông Phúc đặt vé về ngày 26 tháng Chạp. Thật kỳ lạ, trước đó ít phút, tại quầy vé bến xe Miền Đông, nhân viên của hãng xe Hồng Sơn khẳng định hết vé từ nhiều ngày trước, nhưng ông Phúc vẫn khẳng định: “Giường nằm 26 tháng Chạp vẫn còn, xe đón ở khu Sóng Thần, nếu đi ngày 25 thì đến bến xe Miền Đông luôn”.

Chúng tôi giả vờ nghi ngờ vé giả, ông Phúc khẳng định: “Thì trong quầy hết, bên ngoài còn, tụi tui mới có đường làm ăn chứ. Nếu mua, có người nhà ở Phú Yên thì liên hệ, tôi đến giao tận tay. Ở Sài Gòn, tôi chuyển xe vào, nhận vé, giao tiền. Cầm vé xong, đến quầy vé xác nhận liền”.

Điều hết sức nghịch lý là, người dân gọi điện đến các hãng xe khách Phú Yên từ cả tháng trước đều được thông báo hết vé, nhưng trong tay “cò”, lúc nào cũng còn rất nhiều vé và bán ra với giá gần gấp đôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài ông Phúc, tại Phú Yên, còn có bốn, năm “cò” khác cũng đang giữ vé và tung ra với giá cắt cổ. Phải chăng có sự cấu kết của nhà xe để “cò” thao túng vé, bán lại với giá cao?

Với các tuyến xe Quảng Ngãi, giá vé xe giường nằm niêm yết tại bến xe Miền Đông từ ngày 12-16 tháng Chạp là 440.000 đồng/vé, từ ngày 17-19 tháng Chạp là 520.000 đồng/vé, từ ngày 20-30 tháng Chạp là 590.000 đồng/vé, nhưng hiện các nhà xe đã công bố hết vé. Ngược lại, cảnh mua bán vé xe tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi trên các trang mạng đang rất sôi động.

“Cò” vé xe hoạt động với hình thức sang lại vé xe với giá “cắt cổ”, từ 750.000 đến 800.000 đồng/vé. Sáng 31/1, chúng tôi liên hệ với người đàn ông tên Hưng qua số điện thoại 0984xxx514, ông này cho biết, hiện đang có vé tất cả các ngày từ 24-30 tháng Chạp nhưng bán với giá 790.000 đồng/giường. Chúng tôi giả vờ than giá quá đắt so với trong bến xe, ông Hưng hỏi: “Bến xe làm gì còn vé? Bán như trong bến xe thì nhà xe đổ nước lạnh vào chạy à?”.

Đúng như lời ông Hưng, theo khảo sát của chúng tôi, giá vé xe tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi niêm yết trong bến xe cao nhất chỉ 590.000 đồng/vé nhưng đã hết từ lâu. Trong khi đó, các nhà xe ở bên ngoài bến đang bán vé với giá “nhảy múa” hết sức bất thường: nhà xe Thuận Tâm có địa chỉ tại Q. Tân Phú rao bán vé xe từ ngày 20-23 tháng Chạp với giá 650.000 đồng/vé, từ ngày 24-29 tháng Chạp giá 790.000 đồng/vé; nhà xe Minh Phát bán giá 800.000 đồng/vé, đi từ ngày 24-29 tháng Chạp....

Ga Sài Gòn vẫn còn hàng ngàn vé tàu tết

“Đến ngày 31/1, công ty đang còn nhiều vé đi, đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, chủ yếu là các ngày trước 23 tháng Chạp, ngày 29 tháng Chạp và sau tết Mậu Tuất. 

Cụ thể, còn khoảng 7.000 chỗ có ga đi từ Sài Gòn, Biên Hòa và ga đến từ Nha Trang đến Hà Nội từ ngày 20 đến 23 và 29 tháng Chạp; còn khoảng 45.686 chỗ có ga đi từ Hà Nội đến Nha Trang và ga đến là Biên Hòa, Sài Gòn từ ngày mùng Bốn đến 16 tháng Giêng”. 

Ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Công ty Vận tải đường sắt, chi nhánh Sài Gòn

Chiều 31/1, chúng tôi tìm đến điểm bán vé của xe Mười Phương tại số 370 đường Thoại Ngọc Hầu, Q. Tân Phú, TP.HCM. Thực chất, đây là một bãi giữ xe, bên trong có đặt một quầy vé có tên “xe khách Mười Phương”. Khi được hỏi mua vé xe ngày 24 tháng Chạp, nhân viên ở đây hét giá đến 900.000 đồng/vé.

Người này còn cho biết, từ ngày 24 tháng Chạp trở đi, vé đều được bán với giá đó. Theo ghi nhận của chúng tôi, vé xe khách Mười Phương được in khá sơ sài; bên trong quầy không đề giá nên người bán vé tha hồ hét giá.

Nghịch lý chênh lệch giá vé tết giữa trong và ngoài bến đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các nhà xe nằm trong bến xe Miền Đông phải bán với giá niêm yết, còn nhà xe phía ngoài được thoải mái “thổi” giá, bắt chẹt khách hàng. Chủ một nhà xe ở Quảng Ngãi (xin giấu tên) tiết lộ: “Trước nghịch lý giá vé thị trường bị “thổi” cao hơn với giá trong bến xe, nhiều nhà xe trong bến cũng không chịu thua. Họ cũng tìm cách ém vé lại, bán ra “kênh” khác với giá cao bằng giá thị trường.

Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, dù mở bán vé xe công khai ở bến nhưng rất khó để mua được vé xe giường nằm. Trong khi đó, “cò” bên ngoài vẫn ôm được cả đống vé. Từ thực tế đó, ai cũng hiểu có sự cấu kết ngầm giữa nhà xe với… cò”. 

Cẩn thận khi mua bán, trao đổi vé xe trên mạng

Chủ một doanh nghiệp vận tải ở Quảng Ngãi cho biết, chỉ có đơn vị vận tải lớn mới có mẫu vé xe riêng, được đăng ký. Hiện tại, trên thị trường, có không ít nhà xe cung cấp vé xe cho người dùng theo kiểu hóa đơn photocopy nên rất dễ bị đối tượng xấu lợi dụng, in vé giả lên mạng rao bán để trục lợi. 

Năm ngoái, đã từng có trường hợp ba người cầm cùng một vé giống nhau lên xe; qua đối chiếu thì chỉ có một vé đúng, hai vé kia là giả. Trước khi nhận vé xe, khách hàng nên đối chiếu hoặc cùng với người bán đến điểm bán vé yêu cầu nhân viên sửa lại “thông tin hành khách” để bảo đảm quyền lợi cho mình.

 Nhóm phóng viên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI