Về chuyện tiêu tiền của Tí

02/10/2019 - 22:01

PNO - Chuyện Tí có tiền và Tí tiêu tiền quả cũng thật là nhiều chuyện.

Từ đầu lớp Bốn, bố và mẹ đã cãi nhau một trận to về việc có cho Tí dùng tiền ở trường không. Tám nghìn một ngày, mẹ bảo chẳng đáng gì, nhưng con nó quen hơi tiền sớm, nó hư đi; bố thì bảo giờ không cho dùng tiền, đợi đến khi nào mới cho dùng, lại ra thằng ngớ ngẩn à?Mẹ bảo, có tiền dễ bị bắt nạt. Bố bảo, có tiền mua được sự “không bị bắt nạt”. Cấu trúc câu này quá phức tạp, Tí hỏi bố, nghĩa là sao? Bố bảo, nghĩa là như thế. Mẹ cho rằng có khi bố cũng không hiểu vì sao lại mua được như thế. Bố là thánh hay nói những câu hùng vĩ vô căn cứ, mà thâm tâm bố cũng mù mờ.

Nhưng là phụ nữ, lại đang làm dâu, mẹ đành nhường bố. Từ lớp Bốn, Tí bắt đầu rủng rỉnh xuống căng tin. Lên lớp Năm là mười nghìn (mỗi lớp hai nghìn), thêm bà nội hay dấm dúi, có hôm mẹ lén lục ba lô ra những ba mươi sáu nghìn (“Trời ơi là trời,” mẹ than thầm, “bọn đầu gấu nó mà biết được…!”).

Có tiền, Tí được ăn những thứ không bao giờ mẹ cho ăn: ruột vịt phá lấu, cá viên chiên teo, mì gói vụn trộn tương cà, xi rô ba màu… Có hôm Tí về môi đỏ như văn công, mẹ ngửi thử miệng thơm thơm mùi hóa chất. Mẹ nói bố, em không sợ chuyện trấn lột tiền nữa, nhưng em lo chuyện con ăn thực phẩm bẩn. Bố bảo, “Đó cũng là một thú vui của nó. Chừng đó tiền chẳng ăn được nhiều đâu mà lo. Cứ để con nó có tiền để hiểu những chuyện diễn ra quanh đồng tiền”. Lần đầu tiên mẹ nghe bố nói có vẻ thâm thúy thế, lòng đâm phục, không cãi nữa.

Thế rồi những chuyện quanh đồng tiền bắt đầu xảy ra: Tí cho vay nặng lãi. Đầu tiên là bạn Nhân ngồi cạnh vay 5 nghìn, hẹn hôm sau trả rồi không trả được. Tí bảo cứ mỗi ngày chậm thì thêm 1 nghìn, ghi nợ ra sau vở dặn dò bằng ký hiệu đến ban chuyên án của Tổng cục cũng không thể dịch nổi.

Sau một tuần, nợ quá cao, Nhân “bùng”, Tí đòi đưa sổ nợ lên thầy hiệu trưởng. Nhân sợ quá, xin được trả mỗi ngày 2 nghìn cho đến hết, không tính thêm lãi. Mẹ biết được nói với bố, lo quá, em sợ con mình hư. Bố bảo, em không nhìn thấy bản lĩnh trong câu chuyện này à?

Rồi Tí dùng tiền mua thẻ hình thay vì ăn quà. Mẹ cũng lo, bảo với bố em lo quá, con mình khéo sa vào bài bạc. Bố gắt, thẻ hình toàn hình Pokemon, cũng là đồ chơi, em không nhìn ra bài học “phải nhịn thứ này mới có thứ kia” à?

Lắt nhắt lắt nhắt, tuần nào cũng có chuyện để mẹ Tí lo. Một hôm bố gọi Tí ra, bảo là nói chuyện đàn ông với nhau. Bố đưa thêm Tí ít tiền, dặn cứ thứ Ba và thứ Năm thì mua quà về cho bà và mẹ. Quà phải y như nhau, thí dụ mỗi người một cái kẹo bông, hoặc mỗi người một gói bắp rang, và tuyệt đối không nói là tiền bố đưa thêm.

Sau hai tuần đều đặn như thế, mẹ không than phiền gì về Tí nữa, có lần còn rưng rưng bảo với bố, con nó bé mà có hiếu quá. Bà nội thì lại càng dúi thêm nhiều tiền, như để bù đắp lại những món quà cháu đã phải mua.

Bố Tí có những đêm nằm suy nghĩ, biết là qua mặt phụ nữ thì chỉ cần quà, nhưng mình dạy con đối phó thế là đúng hay sai, giả hay thật, lợi hay hại? Nghĩ nhiều quá mà không trả lời được, bố đâm mệt, ngủ lăn quay ra. Nhà Tí từ đó càng êm ấm, và gương hiếu thảo của Tí lan ra khắp xóm theo mỗi lần bà nội ra cổng ngồi chơi.

Tí nghĩ gì? Tí chẳng nghĩ gì cả. Tiền có mất gì đâu, và quà thì quá dễ. Không gì dễ bằng mua quà cho hai người phụ nữ mà được phép giống hệt nhau.

Phan Thị Vàng Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI