Tượng vô danh trên đảo Cù Lao Chàm

25/09/2017 - 14:10

PNO - Những người đàn bà hơn nửa đời người gánh gồng rau bánh, vượt sóng chia khó với bà con Cù Lao Chàm, giờ dẫu đời sống kinh tế trên đảo có khá hơn,nhưng họ đâu có hủy "hôn ước" như một cam kết khởi thủy từ đói nghèo...

Tuong vo danh tren dao Cu Lao Cham
Bà Vinh đã 35 năm buôn gánh bán bưng ở Cù Lao Chàm

Hải trình đời người

“Mô Phật, kịp rồi”, người đàn bà chạy xe máy cũ bét, chất sau lưng ứ hự rau, trứng, nước ngọt, hổn hển bật ra khi xe chạm thân ghe, rồi vừa đẩy xe vừa kêu “tránh cho chị đi chút em”. “Ở đâu mà kịp với không?”. “Chị ở Hòa Cầm - Đà Nẵng, gom hàng lúc 4 giờ”. Những cánh tay đàn ông bốc chuyển lên khoang. Bao tải, ni-lông nguệch ngoạc địa chỉ người nhận.

Hàng nối hàng, tiếng người chen máy ghe, gà, vịt, có cả một rọ mấy con chó con, ồn ào một khúc sông. 7 giờ, ghe nổ bành bạch, quay mũi. Đó cũng là lúc bà Đặng Thị Vinh móc trong góc thúng ra ba củ khoai lang và ăn.

Đôi gióng mây được xếp qua một bên. 20 chục bánh ú. 100 cây chả. 2 kg thịt heo đã luộc. Bà ngồi trước thúng hàng, ăn chậm rãi. “Bữa nào cũng ăn sáng như vậy hả bác?”. “Ừ, có bữa gói xôi, già rồi, ăn chi cũng thấy chẳng ngon”. Mấy bà đi cùng nói “bả là dân... bám trụ tàu hàng Cù Lao Chàm đó”. Sóng êm như giọng bà, mà có lúc tôi nghĩ bao nhiêu bọt nước dù có thi gan mấy cũng vỡ  vụn như chịu thua nên đành dỗ dành, bầu bạn, dìu đỡ, bởi chừng đó năm xuôi ngược, sóng đã phủ phục quy hàng. 

“Hàng ít quá bác?”. “Lấy thêm, bác gánh không nổi”. Bà ngước cái nhìn lành hiền, u uẩn, khiến tôi nghĩ đến chút gió cuối thu đi lạc trong sương sớm. “Cực lắm con, kể sao hết”. Gióng bằng mây, bền lắm. 35 năm theo đò ra Cù Lao Chàm, bà đã thay 12 đôi. “Đến đời chủ ghe ni, là bác đi đến chiếc thứ 3 rồi đây”.

Thuyền đổi chủ, đôi gióng đòn gánh cũng bao phen mục gãy, chỉ có vết chai trên vai bà là còn nguyên đó, sần ra, rút lại, hằn một vết lao khổ, như bao vết chân chim, đồi mồi, cả những nốt ruồi mọc ngang ngược trên mặt mà bà nói hồi trẻ làm chi có. Ghe đuổi sóng tung trắng sau lái, như rải giọng bà theo kịp con nước.

Dân đi biển rành rõi luồng lạch, hải trình, thì bà rồi những bạn đồng hành đây, họ như đếm được nhịp thở, sắc độ mặt người của mấy ngàn dân Cù Lao Chàm mùa mưa nắng, mà giằng níu họ là cái tình thăm thẳm không đo được như lòng biển.

Tuong vo danh tren dao Cu Lao Cham
Hàng ra đảo, vật dụng không chi to tát, nhưng dân đảo không thể thiếu

Sau giải phóng, ông chồng bà đi bán cà rem, một lời một, mang một thùng qua đảo, sáng đi, chiều về, được 4 năm, ông không chết vì sóng, bão, mà nửa đêm đột quỵ. “Lúc ổng chết, nhà không có tiền làm đám ma, cô phải bán chiếc áo Phi la két được 200 đồng...”. Miếng khoai trong tay bà như bị bóp mạnh, suýt rơi.

Tôi không thấy điều gì khác chen vào đôi mắt đục mờ và giọng như chỉ còn âm vực đầu lưỡi, chỉ có bàn tay nhăn nheo run run. Từ đó, hành trình vượt biển nuôi con của bà bắt đầu. Hai vai hai thùng cà rem, rồi chuyển qua gánh thịt bò, vịt lộn,  mấy năm trở lại đây là bánh ú, chả, thịt heo, có thêm bánh mì...

“Bánh ú mua 4 ngàn, bán 5 ngàn, thịt heo một kg lời 3 ngàn, chả một bó 4 cây mua hai chục ngàn, bán 25 ngàn, rứa thôi con”. “Sao bác đi ra tới đảo, cực lắm, nhưng lời ít quá?”. “Ừ, quen rồi, bác đi từ lúc ở đảo toàn nhà mái  dừa, không có cầu tiêu, thịt bò thì họ mua  theo lát, 2 ngàn/lát, lúc ế quá thì 12 lát bán 20 ngàn, vì nghèo quá tiền đâu họ mua, rồi đám, chạp, cưới, họ nhờ mình mua... quen rồi”.

Một nốt nhấn lặp lại, vang lên. Tôi ngó bà rồi mấy bà nữa, đã thiu thiu ngủ theo nhịp lắc lư của sóng. Quen rồi. Câu nói được đánh đổi cả đời người.  “Con trai nói thôi 76 tuổi rồi, má nghỉ đi, nhưng đâu có được, còn đứa cháu nội đang học đại học...”. Bà ngó ra xa xanh. Nắng phủ kín mặt biển, những bóng nắng cộng hưởng sắc nước như trò chơi sắc màu cổ tích. Biển muôn đời vẫn xanh, chỉ có tóc bà là bạc hết rồi.

35 năm đi về Cù Lao Chàm, những ai như bà, kể sao hết những phen gió quật nghiêng ghe, những ba đào hất tung gánh hàng, những cầu nguyện không ngớt khi cái chết cận kề, cả những ước mơ còn sức để mà đi... Trưa đó tôi lên đảo, thấy người ta vây quanh bà dưới gốc cây bàng đầu ngõ vào chợ, bèn hỏi xong chưa bác, bà cười nhẹ nhõm, rằng bán một tiếng là hết thôi.

Có một bà xấn tới: “Cô ơi, hết thịt heo rồi hả?”. “Răng con nói đi mua sớm, tau chờ có thấy đâu, hết rồi, thôi ráng mai hỉ”. Bà như nói với chính mình “đem ra hai ký, chứ đem thêm, là mang về, người ta chỉ mua chừng nớ...”.

Tuong vo danh tren dao Cu Lao Cham

Biết... đủ

Có ai đó cười to quá cỡ, bà Mẫn bật dậy, đúng lúc ai đó điện, tôi nghe bà như cố sức bạt tiếng gió: “Ngỗng con hả, chỗ nớ không có đâu, bữa ni chỉ có trứng, để cô về chợ trên coi thử”, xong bà quay qua tôi: “Bộ đội trên đảo nhờ mua đó, một cặp trống mái. Hai năm trước cũng mua rồi...”. Ngó bà Vinh, bà nhắc: “Chị kể cho hắn nghe đi, lần mình khóc đó”. Bà Vinh cười. Nét đẹp thuở xa xanh còn vương ở nụ cười, mà lúc nãy khi bà nói mang hai vai hai thùng cà rem, vừa đi vừa khóc, không nghĩ đời mình đến lúc thế này, bởi bà là con nhà gia thế, thời cuộc làm rối bung hết cả.

“Chiều nớ là 29 tết, khi đi ra thì sóng êm, vào thì bấc thổi, sóng trào phủ hết, kinh lắm”. Bà Mẫn chen vô: “Lúc nớ chỉ trông về gặp con”, vừa nói bà  hai tay kéo vạt áo vì gió bật, tôi hình dung cái chắp tay cầu kính. Bà Vinh chậm rãi: “Khóc cả ghe, rồi phải quay lại đảo, đến chiều 30 tết mới về đến đất liền, tối rồi, con gái nói thôi khỏi tết luôn, cô ra chợ, còn chút rau héo và thịt đã ngả mùi, cũng ráng mà mua để cúng ông bà. Còn lại răng kể hết được, cực trăm bề...”.

Ở góc khoang, bà Hường, nhổm dậy: “Còn nữa chứ, nhớ năm 1999 không, mình ra nửa đường thì bị sóng lớn, lấy phấn ghi trên bao tên người nhận, nước quất ướt hết, lên bờ không biết hàng ni là của ai, đành bán rẻ, lần nớ đã không lời được mấy đồng mà còn lỗ tùm lum...”. 

Họ kể không bổng trầm, như lẽ thường, như ngày nào cũng gặp, quen với bất trắc, như gian truân lặn hết vào gương mặt nhăn nheo, đen đúa vì nước mặn, gió biển. Có cái gì đó thật loãng mà đặc, chen vào giữa tôi và họ. Không lời buồn tủi, không phân trần, không kêu ca. Có tự bao giờ, kiếp người, sinh ra là chấp nhận, sống và làm lụng với một nghề chi đó, như là ràng buộc, mặc định, không muốn và không thể đi rẽ.

Khi tôi lên đảo, lội vào chợ, thấy bà Mẫn ở đó, cả Cù Lao Chàm chỉ có một chợ ngay cầu cảng, hàng rau chỉ vài chủ, đều chỗ quen mấy chục năm rồi của bà. Bà ngồi im ở góc chợ, ngó khách vào ra, như cố trút mệt mỏi. Bó rau muống, ra đây giá từ 6 lên 8 ngàn. Chẳng ai kêu ca đắt rẻ. Đã quá quen với họ, như bà Vinh nói, thấy mình nghỉ một bữa là họ nhắn hỏi, như thể họ được xếp đứng cạnh trong mâm cơm nhà mình...

Bà Mẫn e hèm rằng, cô với mấy bà đó đều có thể không đi nữa, ba đứa con chừ lớn rồi, nhưng đâu có được, làm chi quen nấy, cực miết rồi, thấy cũng thường, lời lỗ chi cũng thường... Sách vở, thiên hạ hay dạy là sống phải “tri túc”. Mấy bà này, có cần chi thông kinh làu sử đâu, tri túc là đây chứ đâu, những người đàn bà hơn nửa đời người gánh gồng rau bánh vượt sóng chia khó với bà con ở đó, giờ dẫu đời sống kinh tế trên đảo có khá hơn, nhưng họ đâu có hủy "hôn ước" như một cam kết khởi thủy từ đói nghèo. Với họ, vậy là đủ.

Tôi đi đến chỗ khoang lái. Ông Nguyễn Đình Ơi, thuyền trưởng, chăm chú hướng về chỗ chấm xanh đang hiện dần nơi góc trời, nơi đó là Cù Lao Chàm, bao nhiêu thế hệ đã cắm dùi đóng cọc, mà càng ngày du khách đổ ra càng quá tải. Chiếc thuyền bạc bệch và những  người ba mươi năm bất luận sáng trưa mưa nắng bước xuống thuyền như giao ước tình thâm với người nơi đầu sóng, không ngại ngần... “Ừ, mấy bả trường kỳ đi miết, nhất là trước và sau bão không có mấy bả thì dân trên đảo không biết lấy chi mà ăn...”.

Lời ông như trăm ngàn con sóng dồn lại, nặng như mỏ neo ngàn tấn, dội vào thẳm xanh lời tạ ơn giùm ai đó. Tôi ngó  lại, mấy bà đang dồn một góc đếm tiền, những đồng bạc lẻ ẩn hiện trên tay họ. Nhói trong tim, ở đời có những bóng dáng vô danh, chẳng được dựng tượng, mà có họ cũng chẳng màng, nhưng nếu không có họ, sẽ khuyết lắm, thậm chí sẽ dở dang những nhịp, những khoảnh, những mảng, như đại dương kia sẽ vô nghĩa, nếu không có những chiếc thuyền... 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI