Thừa Thiên Huế: Đại trùng tu Ngọ Môn

21/03/2013 - 17:10

PNO - PNO - Sáng nay 21/3, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ khởi công bảo tồn, trùng tu công trình Ngọ Môn - Đại Nội Huế, công trình tiêu biểu của quần thể di tích Huế, biểu tượng văn hóa của cố đô.

Công trình có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 43 tỷ đồng, do Phân viện Khoa học công nghệ Xây dựng miền Trung thực hiện, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2005 sau 34 tháng thi công.

Thua Thien Hue: Dai trung tu Ngo Mon

Bức tranh toàn cảnh Ngọ Môn tranh tương còn lưu trên lầu Ngũ Phụng

Di tích Ngọ Môn là một công trình có quy mô lớn với nhiều công trình phụ  được xây dựng hoàn chỉnh, trải qua gần hai thế kỷ về tổng thể hiện trạng còn khá nguyên vẹn và được bảo quản tương đối tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hạ nắng nóng, mùa đông mưa nhiều với độ ẩm cao, sự xâm hại của con người cùng các yếu tố tự nhiên, nhất là do ảnh hưởng của chiến tranh, một loạt các kết cấu ở công trình Ngọ Môn đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục bị xô tụt, mất một số chi tiết, nhưng may mắn hầu hết vẫn còn định dạng được. Do đó công tác phục hồi, bảo tồn phải đảm bảo đúng phương pháp, kỹ thuật trùng tu. Theo kế hoạch, phần nền đài sẽ tu bổ và phục hồi lan can có ốp gạch men với chiều dài 73m; nền lát gạch Bát Tràng (có men và không men) khoảng 145m2, nền gạch hoa khoảng 52m2. Bảo tồn, gia cố nền móng và vệ sinh thân Đài; hệ thống cửa và vòm cửa. Đối với Lầu Ngũ Phụng, sẽ làm nhà bao che, hạ giải công trình theo phương án thiết kế: mái ngói khoảng 570m2; kết cấu gỗ khoảng 226,4m3. Tu bổ, phục hồi và lắp dựng: hệ khung (cột, kèo, xuyên, trến) 160,3m3.

Thua Thien Hue: Dai trung tu Ngo Mon

Hệ thống cột bằng gỗ lim tại cửa Ngọ Môn đã hư hỏng nặng

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), cho biết: “Việc trùng tu Ngọ Môn đã được quy hoạch từ lâu và có sự thẩm định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Phương án trùng tu là sửa lại toàn bộ phần đền đài, hạ giải phần lầu Ngũ Phụng để định giá lại, phần nào hư hỏng nặng sẽ thay mới, phần nào hư hỏng dưới 50% sẽ được tận dụng theo nguyên tắc của bảo tồn di sản. Trong suốt thời gian diễn ra dự án bảo tồn, du khách vẫn ra vào Hoàng thành qua cửa chính”.

Cũng theo giám đốc TTBTDTCĐ Huế, đây là giai đoạn đầu của dự án trùng tu toàn diện di tích Ngọ Môn tương đương với số vốn đầu tư. Phần sơn son thếp vàng và một số chi tiết khác rất đắt nên chưa thể thực hiện trong giai đoạn kinh tế khó khăn, sẽ trùng tu tiếp ở giai đoạn 2, kết hợp với việc bày trí lại cảnh quan xung quanh như Quảng trường Ngọ Môn, hồ nước…

Thua Thien Hue: Dai trung tu Ngo Mon

Phối cảnh Ngọ Môn Huế sau khi hoàn thành

Ngọ Môn là cổng chính của Hoàng Thành, là lễ đài trong phần lớn các lễ đại triều của triều Nguyễn. Đây chính là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất trong bốn cổng của Hoàng Thành, được xây dựng năm 1833 (sau khi triệt hạ Nam Khuyết Đài và Càn Nguyên Điện). Khi vua Minh Mạng cho quy hoạch lại mặt bằng và hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc khu Hoàng thành và Tử Cấm Thành, Ngọ Môn vừa là cửa chính của Hoàng Thành vừa là lễ đài các lễ lớn của triều đình như lễ Ban sóc (phát lịch hàng năm), lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô (xướng danh các tiến sĩ tân khoa)... Đây cũng là nơi diễn ra lễ thoái vị của vua Bảo Đại, trao quyền lại cho Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 30/8/1945. Năm 1923 dưới thời vua Khải Định, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh của nhà vua (mừng sinh nhật 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924, Ngọ Môn đã được đại tu, toàn bộ Lầu Ngũ Phụng được hạ giải để tu bổ.

Giai đoạn 1954-1975, Ngọ Môn đã được trùng tu vào các năm từ 1956 đến 1973. Từ năm 1975 đến nay, Ngọ Môn đã được tu bổ nhiều đợt, mới nhất là từ năm 1996 - 2000. Riêng Hữu Dực Lâu và Lầu Ngũ Phụng được tu bổ năm 2001 với kinh phí trên 61 tỷ đồng.

THUẬN HOÁ
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI