Trước kỳ thi THPT quốc gia 2017: Mua bán tràn lan 'phao' công nghệ cao siêu nhỏ

07/06/2017 - 19:00

PNO - Kỳ thi THPT quốc gia đang cận kề, các thiết bị gian lận thi cử có kết cấu “siêu nhỏ”, “siêu hiệu quả” được chào bán sôi động.

Tại một căn nhà trọ nằm trong hẻm 429 Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM), Sơn bày ra hàng loạt thiết bị gian lận thi cử rồi quảng cáo: “Mấy thiết bị này nhập khẩu từ châu Âu, có kết cấu “siêu nhỏ”, vào phòng thi giám thị không thể nào phát hiện được. Thời gian qua, mấy người thi công chức hay các em thi THPT “săn” tìm thiết bị này rất nhiều”.

Bán hàng kiêm “tư vấn viên” gian lận 

Truoc ky thi THPT quoc gia 2017: Mua ban tran lan 'phao' cong nghe cao sieu nho
Sơn quảng cáo thiết bị gian lận thi cử đeo vào cổ để qua mặt giám thị coi thi.

Trên các diễn đàn dành cho học sinh THPT ở TP.HCM xôn xao bàn tán về một thiết bị gian lận thi cử “siêu tinh vi” được quảng cáo là có thể dễ dàng qua mặt giám thị. Theo mô tả, đây là loại thiết bị kết hợp với sim điện thoại, có tai nghe “siêu nhỏ” chỉ bằng đầu cây viết bi nên rất tiện lợi trong việc ứng dụng để gian lận thi cử.

Sau nhiều ngày làm thành viên trong diễn đàn của một nhóm học sinh THPT ở Q.5, chúng tôi được Q. (học sinh lớp 12) tiết lộ: “Bạn muốn mua “set” (tạm hiểu là bộ thiết bị - PV) đó thì để mình giới thiệu cho. Mình biết một chỗ ở Q.3 bán hàng rất tốt, giá lại mềm hơn mấy chỗ khác rất nhiều. Mấy hôm nay mình đã giới thiệu cho nhiều người đến chỗ này rồi”.

Q. gửi cho chúng tôi số điện thoại 0907xxx834 và cho biết số điện thoại này của một người tên Sơn - chuyên bán thiết bị gian lận thi cử có địa chỉ tại hẻm 429 Lê Văn Sỹ (Q.3, TP.HCM). Q. dặn dò: “Khi đến mua hàng phải điện trước cho Sơn vài ngày để Sơn chuẩn bị vì thời điểm này chỗ Sơn thường “cháy” hàng”.

Truoc ky thi THPT quoc gia 2017: Mua ban tran lan 'phao' cong nghe cao sieu nho
Tai nghe siêu nhỏ sử dụng trong gian lận thi cử.

Sau hai ngày chờ đợi, đến ngày 5/6, Sơn gọi điện cho chúng tôi báo tin: “Hôm nay hàng mới về, có nhiều loại mới lắm... Đúng hai giờ rưỡi chiều nay đến hẻm 429 Lê Văn Sỹ lấy hàng”. Chúng tôi đến điểm hẹn, gặp một thanh niên khoảng 25 tuổi, xưng là Sơn dắt chúng tôi vào một căn nhà trọ nằm sâu trong con hẻm 429 đường Lê Văn Sỹ. Sơn dò hỏi: “Anh mua cái này để thi công chức hay mua cho người nhà thi THPT sắp tới?”. 

Nghe chúng tôi cần mua một bộ thiết bị cho người em sắp thi THPT, Sơn vội chạy vào mở tủ lấy ra một giỏ hàng với nhiều thiết bị điện tử được bao bì kỹ lưỡng. Sơn cầm một thiết bị mặt trước giống như chiếc thẻ ATM, có gắn tai nghe bằng nửa đầu ngón tay út, cho biết: “Loại này khá giống thẻ ATM, nhưng bên trong có gắn một chiếc sim điện thoại và thiết bị thu, phát âm. Vào phòng thi chỉ cần gắn tai nghe rồi kẹp chiếc thẻ này ngang với tầm ngực.

Người ở bên ngoài chỉ cần gọi điện vào số máy trong sim để kích hoạt máy. Lúc này, chiếc máy sẽ hoạt động, thí sinh đọc đề, âm thanh sẽ truyền ra ngoài. Người bên ngoài giải đề rồi đọc truyền vào bên trong cho thí sinh. Chiếc máy này rất nhỏ nên giám thị không thể nào phát hiện”.

Sơn còn cho biết, thiết bị trên được kết cấu nhỏ gọn nhưng lượng pin có thể hoạt động từ ba-bốn giờ. Mỗi thiết bị được Sơn rao bán với giá ba triệu đồng.

Sau một lúc quan sát, chúng tôi giả vờ chê thiết bị trên có tai nghe quá to, rất dễ phát hiện. Bị “soi” đúng điểm yếu, Sơn cho biết: “Đúng là chiếc máy này chỉ thuận lợi dùng cho mấy em gái có tóc dài, còn đối với nam thì rất dễ phát hiện. Nhưng anh yên tâm đi, em còn “hàng độc” bảo đảm không bao giờ bị phát hiện...”.

Nói dứt lời, Sơn mở một chiếc hộp, bên trong có một thiết bị giống như vòng đeo cổ có đính kèm một tai nghe “siêu nhỏ” chỉ bằng đầu ngòi bút bi. Theo Sơn, đây là loại thiết bị gian lận thi cử tinh vi nhất hiện tại được nhập từ châu Âu. Loại này có gắn kèm một sim điện thoại ở thiết bị kết nối. Thí sinh vào phòng thi chỉ cần tròng thiết bị này vào cổ, giấu bộ phận thu âm ở trước ngực và gắn tai nghe thì có thể truyền - nhận âm thanh.

Sơn khởi động thiết bị sau đó bỏ tai nghe siêu nhỏ vào sâu bên trong tai rồi yêu cầu chúng tôi gọi vào số sim đang gắn trong thiết bị để “thực nghiệm”. Tuy tai nghe có kích thước rất nhỏ nhưng chất lượng phát âm thanh của thiết bị này rất tốt.

Sơn đắc ý: “Tai nghe này kết hợp với thiết bị bằng sóng từ trường nên chất lượng âm thanh khỏi chê, không bao giờ bị mất sóng. Hơn nữa, tai nghe siêu nhỏ được bỏ vào sâu bên trong tai nên giám thị “tài thánh” cũng không thể phát hiện. Để lấy thiết bị này ra khỏi tai phải dùng nam châm”. Thấy chúng tôi có vẻ thích thú, Sơn hét giá bốn triệu đồng/cái và cho biết: “Phải lấy ngay, chậm thì không còn hàng đâu”.

Một “đầu nậu” khác chuyên cung cấp tai nghe là Trường (khoảng 30 tuổi, ngụ Q.11). Trường cho biết: “Chỗ tôi chỉ có bán duy nhất một loại tai nghe từ trường siêu nhỏ. Tuy nhiên, muốn mua thì phải đặt hàng trước vài ngày, dạo này hàng khan hiếm. Lấy hàng về bao nhiêu đều bán hết”.

Trước kỳ thi THPT quốc gia 2017, thị trường thiết bị gian lận thi cử khá sôi động. Chỉ cần lên mạng xã hội tìm kiếm với từ khóa “tai nghe gian lận thi cử” sẽ thấy hàng loạt trang web rao bán. Nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc, không biết công năng sử dụng thế nào, nhưng trước những lời quảng cáo có cánh của các “đầu nậu”, nhiều người vẫn chấp nhận bỏ ra hàng triệu đồng để “săn” hàng.

Nở rộ dịch vụ “giải đề trực tuyến”

Những ngày gần đây trên mạng xã hội còn có dịch vụ “giải đề trực tuyến”, thực chất là ngồi trực bên ngoài khu vực thi, chờ thí sinh đọc đề thi ra ngoài, giải đề và đọc đáp án trở lại vào trong phòng thi.

Từ thông tin trên một trang mạng, chúng tôi liên hệ với số điện thoại 0909xxxx477, gặp một phụ nữ tên Nhung. Qua điện thoại, bà Nhung cho biết, mình hoạt động trong ngành y nên “đáp ứng tốt” cho thí sinh thi ngành y. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề thuê bà Nhung “giải đề trực tuyến” cho một người em thi tốt nghiệp THPT thì bà Nhung cho hay: “Thi THPT thì khó lọt hơn thi các lớp tại chức ngành y nên giá phải cao hơn. Các lớp chuyên ngành thì chị lấy năm triệu đồng/môn, nhưng thi THPT thì phải 10 triệu đồng/môn”.

Thỏa thuận là vậy, nhưng khi chúng tôi đề nghị gặp trực tiếp để trao đổi thì bà Nhung có vẻ cảnh giác: “Ai giới thiệu chị cho em vậy? Không có người quen giới thiệu thì chị không nhận đâu. Thi THPT công an họ làm dữ lắm, em kêu người quen chị đã từng giúp gọi điện cho chị thì chị mới đến điểm hẹn được”.

Thông tin từ một diễn đàn trên facebook có tên “học hộ & thi hộ” cho thấy, việc nhận “giải đề trực tuyến” trong kỳ thi THPT diễn ra rầm rộ. Những ngày qua, lời rao nhận “giải đề trực tuyến” xuất hiện trên trang mạng này dày đặc, những ai có nhu cầu thuê người giải đề có thể liên lạc bất cứ lúc nào.

Chiều 5/6, chúng tôi liên lạc với N.A.K. tự xưng là sinh viên một trường đại học ở Q.7. K. cho biết, hiện đang là sinh viên năm 3 nên có thể giải “răm rắp” các đề thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc “giải đề trực tuyến” khi bị phát hiện có thể bị buộc thôi học và xử phạt nên K. hét giá rất cao.

“Để giải được tất cả các môn thi tốt nghiệp em phải huy động nhóm từ ba-bốn người nên giá hơi cao. Em chốt “trọn gói” luôn là 15 triệu. Anh phải đưa thiết bị và ứng trước cho tụi em năm triệu. Đến ngày thi cuối cùng anh đưa đủ số tiền cho tụi em”, K. ra giá.

Không chỉ vậy, trên diễn đàn “học hộ & thi hộ” nhiều người còn quảng cáo cho thuê thiết bị và nhận làm “trọn gói” trong việc gian lận thi cử cho thí sinh với giá từ 15-20 triệu đồng. 

Đặt vấn đề về những thiết bị công nghệ tinh vi có thể được thí sinh áp dụng để gian lận trong kỳ thi THPT, TS Nguyễn Viết Dũng, Phó giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cho biết: “Theo tìm hiểu của tôi, ở Mỹ đã có học sinh sử dụng thiết bị loại này để gian lận trong thi cử. Camera giám sát phòng thi nhanh chóng phát hiện ra những trường hợp gian lận này. Riêng tại Việt Nam thì tôi chưa thấy. Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, mỗi phòng thi chỉ có 24 em ngồi cách xa nhau ở mỗi đầu bàn. Có hai giám thị trong phòng thi và một giám sát vòng ngoài.

Giám thị dễ dàng phát hiện ra những em có thái độ bất thường, ngồi không yên, ngọ nguậy tay chân, miệng lẩm bẩm (đọc đề). Khi nghi ngờ, giám thị có thể kiểm tra. Nếu phát hiện sẽ bị lập biên bản, đình chỉ thi ngay và hủy kết quả thi. Những năm trước, thí sinh mang các thiết bị dạng tương tự vào đều bị phát hiện”.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi THPT tại TP.HCM cho biết: “Trước thông tin về thiết bị gian lận thi cử mà báo Phụ Nữ phản ánh, chúng tôi sẽ đưa vào đợt tập huấn sắp tới để cán bộ coi thi được biết. Ngoài ra, khi đến kỳ thi, chúng tôi cũng sẽ lưu ý các cán bộ coi thi đặc biệt chú ý đến các thiết bị này”.

Chúng tôi đem thiết bị có gắn tai nghe “siêu nhỏ” đến gặp một giám thị là cán bộ trường đại học, vị này lắc đầu cho biết: “Trên thực tế giám thị chỉ dùng kinh nghiệm để quan sát thí sinh gian lận. Với những thiết bị nhỏ chỉ bằng đầu bút bi và bỏ lọt hẳn vào trong tai như thế này thì chúng tôi khó phát hiện được”. 

Truyền đề thi ra ngoài bị xử lý như thế nào?

Thí sinh truyền phát đề thi ra ngoài có thể bị đình chỉ thi và các hình thức xử phạt như: trừ điểm, buộc thôi học, cấm thi... theo khoản 3, điều 48 của Thông tư ban hành quy chế thi trung học phổ thông (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT). Đối với những người bên ngoài giúp sức cho thí sinh trong việc truyền phát đề thi, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính, nếu là công chức có thể bị xử phạt theo Luật Lao động. 

Nếu là học sinh, sinh viên thì có thể bị đình chỉ, buộc thôi học theo quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 điều 48. Ngoài ra, với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Nhập viện vì sử dụng tai nghe siêu nhỏ

Tại kỳ thi liên thông dành cho hệ vừa học vừa làm vào tháng 7/2016 của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, giám thị phát hiện ba trường hợp sử dụng thiết bị thu phát âm thanh với tai nghe siêu nhỏ. Trong đó, có hai trường hợp thiết bị tai nghe siêu nhỏ nằm sâu bên trong tai, phải nội soi gắp ra. 

Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khuyến cáo, những trường hợp cố tình gắn thiết bị nghe siêu nhỏ vào sâu bên trong tai rất nguy hiểm. Thiết bị sẽ làm tổn thương thính giác và có thể bị kẹt bên trong.

Sơn Vinh - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI