Trung Quốc đã chớp 'sơ hở' của chúng ta để triển khai 'xâm lăng văn hóa' qua chiếc áo dài

22/11/2019 - 06:36

PNO - Nhà thiết kế Trung Quốc ra mắt bộ sưu tập tại tuần lễ thời trang lớn, họ gọi đó là “sự sáng tạo mới”, “phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”, nhưng lại giống hệt các mẫu áo dài của Việt Nam.

Tuy nhiên, chiếc áo dài lâu nay được tụng ca là một phần quốc hồn, quốc túy của dân tộc, được bạn bè quốc tế nhớ đến, tới nay, vẫn chưa chính thức được công nhận là quốc phục của Việt Nam. Hành trình quốc phục mang khát vọng Việt, kể ra, cũng lắm gian truân qua câu chuyện của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. 

Năm 2008, nhân kỷ niệm 35 năm ngoại giao Việt  Nam - Nhật Bản tại Tokyo (Nhật Bản), tôi vinh dự đi cùng đoàn nghệ thuật của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen trong vai trò trình diễn giới thiệu áo dài. Sau khi việc chính đã xong, tôi và trưởng đoàn lúc đó là bà Nguyễn Thế Thanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin TP.HCM đi tham quan Bảo tàng Kimono, vô tình biết được, ở đó có triển lãm chuyên đề “Lịch sử trang phục 5.000 năm“ của Trung Quốc.

Khi ấy, Bảo tàng Áo dài đang được xây dựng và hoàn thiện. Những tưởng là may mắn khi có dịp được tham khảo, học hỏi ở khía cạnh hệ thống trưng bày hiện vật trang phục ở hai nền văn hóa lớn là Nhật bản và Trung Quốc. Nhưng thật bất ngờ, lo lắng và phẫn nộ - khi tủ kính trưng bày hiện vật cuối cùng của triển lãm lại là hiện vật nguyên bản một bộ áo dài lụa màu xanh ngọc, nón lá và đôi guốc mộc. Phía dưới là bảng chú thích có ghi hàng chữ: Trang phục hiện đại Trung Quốc.

Thời đó, chưa có điện thoại di động và máy ảnh để chụp lại. Nếu có, cũng không được phép chụp, vì quy định trong bảo tàng không được chụp hình! Lúc ấy, tôi chỉ biết thề với mình rằng, dù phải vay mượn tiền để hoàn thành sớm Bảo tàng áo dài cũng phải làm. Thực tế là, tôi đã nợ đến con số gần 40 tỷ mà nhiều năm sau trong nỗi nhọc nhằn vẫn chưa trả hết…

Bởi thời điểm cả Việt Nam có hàng trăm bảo tàng, nhưng chưa có bảo tàng áo dài, với tiềm lực trong tay, họ (tức Trung Quốc) hoàn toàn có thể có và khánh thành trước chúng ta một bảo tàng áo dài.

Bởi lúc đó, khi chưa xảy ra những căng thẳng trên biển Đông, họ đã mạo nhận chiếm đoạt “áo dài” trong cuộc triển lãm tại Nhật Bản!

Bởi Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có dân tộc Hoa. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Việt. Họ hoàn toàn có thể đánh tráo, biến báo, lập lờ, để công bố với thế giới, áo dài là của người Trung Quốc.

Ngày 22/1/2012, trong buổi lễ khánh thành Bảo tàng áo dài sau 12 năm xây dựng, phát biểu được vài câu, tôi đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách tham dự.

Trung Quoc da chop 'so ho' cua chung ta de trien khai 'xam lang van hoa' qua chiec ao dai
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng (ngoài cùng bên phải) nói chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội để khẳng định áo dài là quốc phục của Việt Nam

Đó là giọt nước mắt của một người vượt qua nhiều giới hạn của bản thân để kịp "khai sinh" một Bảo tàng áo dài cho người Việt. Dù không ai bảo tôi làm điều đó. Dù phải trả lãi hằng tháng. Dù được nhận email khuyên: “Sao không dùng tiền ấy mà xây bệnh viện, nhanh thu hồi vốn, lại lời to?”.

Suốt từ năm 2012 đến nay, rất nhiều lần được phỏng vấn về chiếc áo dài, tôi đều nhắc lại câu chuyện “tranh chiếm” áo dài tại cuộc triển lãm đó, không hiểu tại sao khi xuất bản, đều bị cắt bỏ?

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2015), có rất nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, trong đó có cuộc thi thiết kế áo dài làm quốc phục phát động trên toàn quốc. Lúc đó, Bộ Ngoại giao đề xuất một bộ quốc phục cho các đại sứ khi trình quốc thư lúc nhận nhiệm sở tại các nước, nên đề án công nhận áo dài là quốc phục cũng được đưa ra luôn. 

Tôi, nhà thiết kế Minh Hạnh và nhà thiết kế Lan Hương - đại diện cho ba miền, vào vòng cuối cùng. Áo dài đã may xong, người mẫu đã mặc vào, chỉ cần Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch duyệt, đề án đề nghị công nhận áo dài nữ là quốc phục sẽ được trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, đề án cuối cùng bị cái lắc đầu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thời đó là ông Hoàng Tuấn Anh làm cho sụp đổ hoàn toàn. Chúng tôi chỉ còn biết ôm đồ đi về. 

Trung Quoc da chop 'so ho' cua chung ta de trien khai 'xam lang van hoa' qua chiec ao dai
Một trong những thiết kế mà báo Hoa ngữ gọi là có “phong cách Trung Quốc”

Gần đây nhất là năm 2017, nhiều nhà thiết kế được mời để thiết kế trang phục cho các nguyên thủ quốc gia dự Hội nghị APEC được tổ chức tại TP.Đà Nẵng. Trong thông báo, ghi rõ là thiết kế áo dài. Nhưng đến vòng duyệt chọn cuối cùng, các mẫu áo dài lại bị “bác” hết, thay vào đó là áo ngắn, chẳng hiểu vì sao. 

Có nhiều cơ hội để chiếc áo dài trở thành quốc phục của Việt Nam một cách danh chính ngôn thuận, nhưng chúng ta đều đã bỏ qua. Chúng ta có cơ hội, có điều kiện để biến khát vọng văn hóa Việt thành hiện thực, nhưng chúng ta đã không đoái hoài. Tôi hoàn toàn không hiểu vì lý do gì mà đến nay, chưa có bất kỳ một văn bản chính thức nào từ phía chính phủ công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam. 5 năm trước không hiểu và cho đến bây giờ vẫn không hiểu.  

Suốt bao năm qua, có dịp giao lưu với học sinh, sinh viên các trường, khi đưa ra câu hỏi, ngoài đồng phục áo dài mà một số trường còn duy trì cho học sinh nữ mặc vào lễ chào cờ sáng thứ Hai, bạn nào có riêng mình một bộ áo dài? Rất ít cánh tay đưa lên! Tôi đã chia sẻ với các bạn trẻ ấy: "Áo dài các bạn mặc không chỉ đẹp, mà còn là trách nhiệm công dân khi thế hệ trẻ phải tiếp nối giữ gìn văn hóa. Biên giới hải đảo một khi bị xâm phạm, ta còn có thể cậy nhờ quốc tế can thiệp. Nhưng văn hóa mất rồi thì ai “lấy” lại giúp cho ta - người Việt?”. 

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm:

“Chúng ta thiếu người dám quyết áo dài là quốc phục”

Phóng viên: Là đơn vị có nhiệm vụ trình bộ trưởng các dự thảo văn bản pháp quy pháp luật về mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; cũng như thực hiện quản lý nhà nước về biểu tượng văn hóa quốc gia theo quy định của pháp luật, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tiếp nhận câu chuyện áo dài là quốc phục Việt Nam ra sao, thưa ông? 

Ông Vi Kiến Thành: Việc công nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam đã được đặt ra cách đây 5 năm. Nói đi nói lại hàng chục lần, không có gì mới cả. Không chỉ quốc phục cho nữ mà còn cả quốc phục cho nam nữa. Lúc đó, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã làm một nghiên cứu, đề án rất công phu để trình các cấp lãnh đạo công nhận áo dài nữ là quốc phục. Nhưng kết quả, không đi đến đâu. Không có cấp nào ra quyết định hoặc có văn bản giấy trắng mực đen nào công nhận điều đó.

Từ trước đến nay, ta tự suy tôn với nhau, qua truyền thông, qua báo chí, dư luận… rằng áo dài nữ là quốc phục của Việt Nam, nhưng dưới một văn bản pháp quy, một văn bản chính thức về mặt văn hóa thì chúng ta chưa có. Tôi cho rằng, Trung Quốc chớp được “sơ hở” này để triển khai “xâm lăng văn hóa”, thông qua chiếc áo dài.
* Chẳng lẽ việc công nhận áo dài nữ là quốc phục của Việt Nam lại khó đến vậy?
- Nói trắng ra, chúng ta thiếu người dám quyết về vấn đề này!

Du Nguyên (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI