Trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương từng được C50 gợi ý tuyển vào ngành

19/11/2018 - 11:28

PNO - Sau Phan Sào Nam, bị cáo được chú ý nhất trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ là Nguyễn Văn Dương, được yêu cầu lên bục xét hỏi để trả lời về việc thành lập Công ty CNC và quá trình xây dựng game bài online.

Sáng 19/11, bắt đầu ngày thứ 7 của phiên tòa sơ thẩm xét xử 92 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Đặc biệt trong số 92 bị cáo, có hai cựu tướng của Bộ Công an là Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục trưởng cục C50).

Sau phần xét hỏi Phan Sào Nam và các bị cáo liên quan, HĐXX đã yêu cầu Nguyễn Văn Dương (SN 1975, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội), bị khởi tố về tội "Tổ chức đánh bạc", "Mua bán trái phép hóa đơn", "Rửa tiền", lên bục xét hỏi. 

Trum co bac Nguyen Van Duong tung duoc C50 goi y tuyen vao nganh
Bị cáo Nguyễn Văn Dương

Theo cáo trạng của VKS, bị cáo Nguyễn Văn Dương là người sáng lập và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP đầu tư UDIC, được Phan Văn Vĩnh giới thiệu gặp Nguyễn Thanh Hóa, để bàn việc thành lập bình phong cho Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Sau khi thống nhất, Nguyễn Văn Dương sáng lập thêm Công ty CNC.

Trong quá trình vận hành đường dây Rikvip/Tip.Club, Nguyễn Văn Dương được hưởng lợi bất chính khoản tiền 1.655 tỷ đồng. Ngoài các khoản tiền đã khắc phục, Nguyễn Văn Dương đề nghị HĐXX tạo điều kiện để bị cáo thu hồi thêm nhiều khoản nợ do chuyển nhượng cổ phần các doanh nghiệp của bị cáo, để tiếp tục khắc phục hậu quả.

Trả lời HĐXX về mối quan hệ với Phan Sào Nam, cũng giống như Nam khai trước đó, Dương cho biết cả hai quen nhau từ năm 2015, do Nam chủ động liên hệ. Dương thừa nhận những lời Phan Sào Nam đã khai là hoàn toàn chính xác, không bổ sung gì thêm.

HĐXX  hỏi: "Ai là người giới thiệu cho bị cáo biết C50 để thành lập CNC?".

Dương khai nhận: "Thời điểm đó tôi đang làm doanh nghiệp, trong một số lần trao đổi, anh Nguyễn Thanh Hóa có nói với tôi C50 thành lập công ty về công nghệ cao. Lúc đó tôi đồng ý và anh Hóa giới thiệu tôi thành lập công ty bình phong. Mục đích là để thực hiện hoạt động kinh tế nghiệp vụ, phục vụ cho cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao".

Trum co bac Nguyen Van Duong tung duoc C50 goi y tuyen vao nganh
Các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Trả lời về hợp đồng hợp tác giữa CNC và C50, Dương cho biết do thời gian đã lâu nên không nhớ hết, nội dung chính là hợp đồng kinh tế thông thường phục vụ hoạt động kinh doanh; thứ hai là hoạt động trinh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là người đại diện cho cục C50 ký hợp đồng này với công ty CNC. Theo đề án thành lập, C50 có góp 20% vốn, có tham gia về con người.

Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi: "Trên thực tế C50 có đóng góp không?", Dương khai nhận: "Sau khi ký hợp tác, Nguyễn Thanh Hóa có góp vốn nhưng không đảm bảo theo thỏa thuận trong hợp tác. Còn phía CNC nỗ lực tham gia hợp tác hoạt động, xem xét tìm hiểu loại hình tội phạm công nghệ cao. Thực tế cho thấy, có rất nhiều báo cáo trong hồ sơ vụ án về phạm tội công nghệ cao".

HĐXX tiếp tục hỏi: "C50 và Nguyễn Thanh Hóa đã giúp đỡ công ty của bị cáo như thế nào?". Dương trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi rằng: "Nhận thức của tôi chỉ là các anh muốn có các hoạt động kinh doanh trên mạng internet để tham gia vào các cộng đồng người sử dụng mạng nắm bắt tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tôi nhận thấy đó là việc làm cần thiết".

Tại phần xét hỏi này, đại điện Viện KSND tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa ra một văn bản báo cáo với Nguyễn Thanh Hóa, trong đó có nội dung thể hiện CNC có mục tiêu xây dựng một cổng thanh toán lớn nhất trong cộng động game online, đặc biệt là game bất hợp pháp.

"Nội dung trong công văn này thể hiện công ty của bị cáo dựa vào thế lực của C50 để thâu tóm toàn bộ game hợp pháp", đại diện VKS nói.

"Tôi cho rằng đại diện VKSND nói hơi quá, bởi càng nắm được thông tin người sử dụng thì càng phục vụ tốt cho hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an", Dương trả lời.

Trum co bac Nguyen Van Duong tung duoc C50 goi y tuyen vao nganh
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa là người đại diện C50 ký hợp đồng với công ty CNC

HĐXX hỏi tiếp: "Phía Bộ Công an ai là người có chức năng giám sát công ty của bị cáo?".

Dương trả lời: "Giám sát thời điểm đó với công ty tôi là anh Nguyễn Thanh Hóa. Hàng tháng, quý, năm tôi đều báo cáo với anh Hóa. Phía C50 cũng có xuống kiểm tra hoạt động của công ty".

Thời điểm ban đầu thành lập công ty, Dương thuê trụ sở bên ngoài và sau đó thuê ở ngay số 10 Hồ Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Đây là văn phòng thuộc Bộ Công an, sau đó bàn giao cho Tổng cục Cảnh sát quản lý.

"Người ký hợp đồng cho thuê là anh Dũng, Cục phó Cục Chính trị hậu cần", Dương nói.

Về việc thuê nhà, Nguyễn Văn Dương đã báo lại Nguyễn Thanh Hóa. Dương cho biết việc thuê nhà khi đó không có khó khăn gì, căn nhà này bỏ không, lại không có người bảo quản. Thời điểm mới chuyển về địa điểm này, Nguyễn Thanh Hóa có đề nghị Cục Chính trị hậu cần bố trí phòng làm việc của C50.

Nguyễn Văn Dương khai nhận: "Ban đầu là có, sau thì không sử dụng. Anh Hóa có một phòng làm việc ở tầng 2, thời gian ngắn khoảng một tháng. Sau đó không sử dụng nên thôi".

Khi HĐXX hỏi về nội dung trong bản cáo trạng, hành vi của bị cáo như thế có đúng không, Nguyễn Văn Dương đã xác nhận đúng.

Trong phần trả lời luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Dương cũng thừa nhận, thời điểm thành lập CNC, C50 từng có ý định tuyển dụng bị cáo vào ngành công an, do lãnh đạo Bộ Công an thời điểm đó có chủ trương tuyển người.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI