Tranh luận nóng về Dự thảo luật báo chí

15/11/2015 - 08:05

PNO - Bộ trưởng TT-TT lý giải việc gọi Tổng giám đốc của báo chí, đại biểu Quốc hội yêu cầu giảm chi ngân sách và không quản lý các trang tin điện tử.

Trong phiên họp tổ Quốc hội chiều 14/11, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son giải đáp ý kiến đóng góp dự thảo Luật báo chí.

Theo đó, dự thảo luật quy định cơ quan báo chí có Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập. Trong đó Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm quản lý về mặt nội dung, còn Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc là người lãnh đạo cơ quan báo chí.

Bộ trưởng Son cho rằng, các đài, cơ quan báo chí lớn thì nên có Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, dưới đó là Tổng biên tập các kênh, tờ báo nhỏ bên trong. Còn các báo nhỏ, không phải báo chí đa phương tiện, thì chỉ nên có Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập như hiện nay, đỡ tốn kém, đỡ cồng kềnh bộ máy lãnh đạo.

Tranh luan nong ve Du thao luat bao chi
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Phạm Hải

“Ví dụ, tạp chí nhỏ lại cũng TGĐ, Phó TGĐ, dưới có TBT, Phó TBT thì quá cồng kềnh, không thực hiện được chỉ đạo về tinh giản biên chế", ông Nguyễn Bắc Son nói.

Trước nhiều ý kiến đại biểu cho rằng không có cơ sở và cần phải căn cứ đặc điểm từng cơ quan báo chí để quy định, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lập luận rằng, TBT là người "trưởng biên tập", chịu trách nhiệm về nội dung và thường áp dụng cho cơ quan báo in, báo viết. Còn TGĐ chịu trách nhiệm cả về nội dung, kỹ thuật, tài chính, nhân sự.

Sẽ giảm chi ngân sách cho báo chí

Cũng trong phiên họp chiều 14/11, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, có nhiều cơ quan báo chí do nhà nước thành lập, được bao cấp tài chính, dẫn đến gánh nặng về ngân sách.

“Nhiều báo nhà nước cấp tiền in báo rồi lại mua báo đó. Báo được chuyển đến cho các cơ quan, đơn vị để đọc, song có đọc hay không thì chúng ta chưa biết. Có đại biểu phản ánh, tờ báo được phát nhưng không đọc”, ông Son nêu.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Son cho rằng cần có quy hoạch báo chí để giảm chi ngân sách Nhà nước.

Bộ trưởng Son cho biết, theo quy hoạch mỗi tỉnh thành chỉ có một cơ quan báo chí và nhiều ấn phẩm. Như vậy sẽ nảy sinh vấn đề, có tờ báo trước đây cơ quan chủ quản chỉ tương đương cấp sở, nhưng có lượng độc giả lớn, tầm ảnh hưởng toàn quốc. Bên cạnh đó có tờ báo thuộc cơ quan chủ quản lớn hơn nhưng nhà nước phải bỏ tiền ra in, bỏ tiền ra mua và đi phát.

Tranh luan nong ve Du thao luat bao chi
Báo chí sẽ phải giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Lê Như Tiến cho hay, hiện có nhiều mô hình hoạt động của báo chí: có loại hình ngân sách bao cấp hoàn toàn, thậm chí bao cấp cả trụ sở, phương tiện đi lại; tự chủ một phần; tự chủ hoàn toàn, có lãi nộp ngân sách. Nhưng số lượng cơ quan báo chí được bao cấp chiếm đa số. Do đó,  đề án quy hoạch mạng lưới báo chí toàn quốc cần tổ chức theo hướng cơ quan báo chí tự chủ về tài chính.

 Luật không quản các trang tin điện tử?

Liên quan đến tình trạng nhiễu thông tin từ các trang thông tin điện tử tổng hợp, nhiều đại biểu lo ngại việc trích dẫn, giới thiệu “vô tội vạ” mà không có chế tài quản lý.

 Với quan điểm của thành viên thuộc ủy ban thẩm tra, đại biểu Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, không nên đưa việc quản lý các trang tin điện tử vào dự thảo luật.

Theo ông Thi, đây chỉ là các thông tin đơn thuần trên mạng internet, không phải báo chí và đã được quản lý ở tầm nghị định, nếu đưa vào dự thảo luật, vô hình chung lại thừa nhận các trang tin này là cơ quan báo chí.

“Bên cạnh đó, các trang tin này chỉ lấy tin của các báo để đăng, nếu quy định trong dự thảo luật thì khi làm vậy họ phải xin phép, nhưng trên thực tế lại không quản lý được. Đưa vào dự thảo, là hợp pháp hóa một “anh” chuyên đi lấy tin của người khác. Không quản lý ở luật này có nghĩa là không thừa nhận nó là cơ quan báo chí” – đại biểu Đào Trọng Thi phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, chỉ còn cách đưa thêm chế tài, đưa thêm các biện pháp cụ thể để kiểm tra thực hiện cho tốt.

“Quy định trong luật chỉ tạo điều kiện còn trên thực tế phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả thi hành của các cơ quan thực thi pháp luật như thanh tra, kiểm tra” – ông Thi nói.

Lê Na (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI