Tranh chấp 'ly kỳ' nền thành hẻm hay hẻm thành nền?

21/06/2017 - 12:21

PNO - Trớ trêu khi phần đất được người dân xưa nay xem là con hẻm chung thì hiện đã được phân lô, biến thành nền đất bán cho người mua từ 10 năm trước.

Thời gian vừa qua, các hộ dân ngụ khu phố 5, P.An Lạc A, Q.Bình Tân (TP.HCM) khá bức xúc khi cho rằng lối đi chung thông ra đường Số 7 của họ đang bị chiếm dụng, xây dựng trái phép.

Tranh chap 'ly ky' nen thanh hem hay hem thanh nen?
Quán cà phê chiếm hẻm của dân, nhưng theo chính quyền đó là đất ở

Dân nói hẻm, chính quyền bảo nền

Theo đại diện các hộ dân - bà Ngô Thị Kim Thu (số nhà 7/11 đường số 7), con hẻm thông ra đường số 7 là lối đi chung của khu dân cư từ trước đến nay. Từ lâu, ngay trước đầu hẻm đã bị chiếm dụng làm hàng quán. Khoảng từ sau tết đến nay, tại đây “chính thức” mọc lên quán cà phê với các phần xây dựng không phép.

“Việc buôn bán, kinh doanh của quán này gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, không đảm bảo quy hoạch. Vừa qua, họ tiến hành xây dựng kiên cố, chúng tôi không đồng ý và trình báo sự việc đến UBND P.Bình Trị Đông B (phần đầu hẻm thuộc địa bàn phường này). Tư pháp phường có ghi nhận ý kiến”, bà Thu nói.

Ngày 27/4, người dân tiếp tục làm đơn gửi chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông B đề nghị xem xét giải quyết phản ánh của họ, tuy nhiên đến nay, công trình lấn hẻm vẫn ngang nhiên tồn tại dưới hình thức nhà cấp 4, cột gỗ, mái tôn mà không có cơ quan nào xử lý vi phạm.

“Mới đây, ngày 2/6, đại diện của chúng tôi lại đến UBND P.Bình Trị Đông B để hỏi tình hình giải quyết đơn. Tư pháp phường nói rằng đang xem xét, chưa biết khi nào giải quyết. Nếu chúng tôi có gửi đơn khiếu nại việc này lên cấp trên thì cũng phải chờ, không biết đến khi nào. Chúng tôi vô cùng thất vọng”, bà Thu bức xúc.

Yêu cầu của người dân là chính quyền phải ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm xây dựng trái phép; buộc người vi phạm tháo dỡ công trình, trả lại đất công là hẻm chung cho khu phố.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, UBND P.Bình Trị Đông B lại cho biết sự thật “bất ngờ”: con hẻm bấy lâu nay người dân vẫn đi hiện đã “thành” đất nền có chủ quyền hợp pháp (?).

Qua rà soát hồ sơ, lô đất BN 39 (thửa số 334-222 tờ bản đồ số 10) thuộc dự án khu dân cư An Lạc - Bình Trị Đông (khu B) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư, đã được duyệt quy hoạch từ năm 2000. Năm 2007, UBND Q.Bình Tân đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Thái Thị Xuân Đông. Năm 2015, quận chấp thuận cho bà Đông xây dựng nhà trên nền đất nói trên.

Lối đi có nguồn gốc đường đê

Theo tìm hiểu của chúng tôi, về quy hoạch công trình lộ giới, từ năm 2010 con hẻm của người dân khu phố 5 (P.An Lạc A) đã được chính UBND Q.Bình Tân xác định rõ ràng là hẻm 69 đường số 7 (số mới là hẻm 17). Hẻm có lộ giới 6m, chiều dài 75m với hai hướng lưu thông, một hướng thông ra đường số 7, hướng còn lại đi vòng ra hẻm 36 đường số 4.

Ngoài ra, người dân không thể chấp nhận việc con hẻm của họ “bỗng dưng” biến thành đất ở. Bởi trên các giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, cũng như các quyết định cấp đổi số nhà của UBND quận, đều công nhận con hẻm với hướng đi ra đường số 7.

Về vấn đề này, UBND P.Bình Trị Đông B xác nhận đã có sai sót trong công tác cấp các giấy tờ trên. Cụ thể, theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của ông Nguyễn Văn Nhan (số 69/4), nhà ông Ngô Thanh Hùng (69/16) có hướng đi ra đường số 7. Quyết định đổi số nhà các hộ 69/4 đến 69/20 đều được cấp theo hẻm 69 đường số 7.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Q.Bình Tân, ngày 16/6 vừa qua, UBND P.Bình Trị Đông B đã phối hợp với UBND P.An Lạc A và các phòng ban liên quan tổ chức đối thoại với các hộ dân nhằm vận động, thuyết phục, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định pháp luật về trường hợp xây dựng nhà của bà Thái Thị Xuân Đông. 

Tại cuộc đối thoại, ngoài các vấn đề pháp lý như đã nêu trên, đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường quận cho rằng, hiện nay các hộ dân đang đi qua phần đất của bà Đông. Và nếu không đi qua phần đất này thì vẫn còn lối đi khác là hẻm 36 đường số 4. Khu vực thuộc thửa 334-222 tờ bản đồ số 10 không ghi nhận đường đi chung ra đường số 7.

Phản đối lập luận này, một người dân sinh sống lâu năm tại đây cho biết, trước khi có dự án của BCCI, toàn bộ khu vực là ruộng lúa, có bờ đê. Đường hẻm ra đường số 7 là con đường trước đây người dân dùng đi ra bờ đê và khu nghĩa trang. “Dự án phân lô bán nền của BCCI đã làm mất luôn bờ đê của chúng tôi. Tôi yêu cầu quý cơ quan chính quyền làm rõ trả lại con đường bờ đê của chúng tôi”, người này nói.

Ông Lê Thanh Liêm, trưởng khu phố 5, P.An Lạc A cũng đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường, đại diện BCCI phải làm rõ việc đã bồi thường bờ đê cho dân hay chưa? Người dân cũng tiếp tục yêu cầu phải giải tỏa quán cà phê đang án ngữ hẻm.

Theo người dân khu phố 5, họ sẽ đi đến cùng sự việc để bảo vệ lối đi chung. Và về mặt địa thế, hẻm 69 thông ra đường số 7 mới có thể bảo đảm về an toàn cho người dân khi xảy ra cháy nổ trong khu vực. 

UBND P.Bình Trị Đông B sẽ báo cáo quận xem xét

Tại buổi làm việc ngày 16/6, sau khi nghe ý kiến người dân, bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND P.Bình Trị Đông B đề nghị BCCI chuẩn bị hồ sơ cung cấp cho UBND phường, quận và các phòng ban chuyên môn về việc đền bù tại khu vực. Cụ thể đã đền bù cho những ai, làm rõ việc trước đây có tồn tại bờ đê công cộng hay không? Tổng diện tích đền bù là bao nhiêu? 

Đồng thời, đề nghị UBND P.An Lạc A làm rõ nội dung liên quan đến việc cấp số nhà và việc đóng thuế, cung cấp cho UBND quận. UBND P.Bình Trị Đông B sẽ có báo cáo quận xem xét, chỉ đạo vụ việc. Bà Tín cũng giao ông Nguyễn Quang Minh, Phó chủ tịch P.Bình Trị Đông B xem lại việc tháo dỡ quán.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI