TP.Huế: dự án 5.000 tỷ đồng triển khai ì ạch

25/07/2018 - 08:01

PNO - Dự án cải thiện môi trường nước TP.Huế có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến gần 20.000 hộ dân tại 12 phường phía nam TP.Huế nhưng triển khai chậm tiến độ, nhếch nhác khiến người dân buôn bán, đi lại rất...

TP.Hue: du an 5.000 ty dong trien khai i ach
Khu vực thi công dự án đoạn qua đường Dương Văn An, TP.Huế thi công ì ạch hơn một năm nay

Ngao ngán với dự án “rùa bò”

Theo cam kết trong hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản, dự án cải thiện môi trường nước (CTMTN) TP.Huế được thực hiện trong 10 năm, từ 2008-2018. Trong đó, mất 8 năm thực hiện các thủ tục, 2 năm triển khai trên thực địa. Đến nay, sau gần 2 năm thi công thực địa, dự án vẫn còn ngổn ngang như lúc mới bắt đầu.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh -  Giám đốc Ban quản lý dự án - cho rằng, theo tiến độ cam kết, dự án phải hoàn thành vào tháng 7/2018 nhưng xét thực tế, dự án không thể hoàn thành đúng thời hạn như đã cam kết. 

Trong khi đó, hàng vạn người dân TP.Huế đi lại rất khó khăn, việc bán buôn, kinh doanh ngưng trệ, nhất là người dân sinh sống, làm ăn tại các phường Xuân Phú, Vỹ Dạ, Phú Hội, Vĩnh Ninh, Phường Đúc và An Cựu. Ông Nguyễn Văn Nam - ngụ tại đường Bà Triệu, P.Xuân Phú - cho biết, vì đây là dự án quan trọng của tỉnh nên người dân đã tạo điều kiện tối đa để các nhà thầu triển khai.

Thế nhưng, trong quá trình triển khai, các đơn vị thi công không hề phun nước chống bụi, không có gác chắn, thời gian thi công kéo dài, cứ đào lên, lấp xuống rồi để đó, sau cả tháng trời mới thi công lại nên không ai buôn bán gì được, trong khi đây là tuyến phố mua bán sầm uất bậc nhất TP.Huế. 

Tương tự, tại tuyến đường nối ngã sáu TP.Huế với Quốc lộ 1, ngang qua Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, rào chắn chiếm một khoảng lớn khiến các phương tiện thường xuyên ùn tắc khi lưu thông qua đây vào giờ cao điểm.

Theo Chi cục Thuế TP.Huế, có gần 500 hộ kinh doanh các lĩnh vực nhà hàng, quán ăn, khách sạn, shop áo quần, tạp hóa… tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dự án CTMTN TP.Huế. Trong đó, các hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất nằm ở các tuyến đường chính như Nguyễn Trường Tộ, Phan Đình Phùng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Phan Châu Trinh, Đống Đa… 

Chị Nguyễn Thùy Ánh - chủ cửa hàng bán đồ đồng trên đường Bùi Thị Xuân - bức xúc: “Hơn 4 tháng nay, khu vực này lúc nào cũng mịt mù bụi bẩn, hàng hóa dọn ra không bán được vì khách không dám ghé”. 

Ô tô lưu thông qua các đoạn đường vừa được dự án hoàn trả mặt bằng liên tiếp sụp “hố tử thần”. Mới đây nhất, chiều 12/6, xe tải biển số 75C-01982 lưu thông từ hướng Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh đến cầu Trường Tiền, khi đến gần nút giao đường Trương Định - Hùng Vương, đã bị sụp hố. Trước đó khoảng một tuần, cách vị trí này vài mét, một xe chở khách du lịch cũng bị sụp hố khiến hàng chục hành khách bị một phen thót tim. Trên đường Phạm Hồng Thái, một “siêu xe” đang lưu thông cũng bị sụp hố.

Trên các con đường Nguyễn Lộ Trạch, Dương Văn An, Hải Triều, Phan Châu Trinh, ổ voi, ổ gà chi chít sau khi các đơn vị thi công lắp cống thoát nước. Những chỗ lõm sâu và rộng được trải tấm sắt tạm bợ để các phương tiện đi qua, trong khi việc lắp đặt cống thoát nước đã xong hơn một tháng nay. Đã có ba vụ tai nạn xảy ra, trong đó có hai trường hợp phải vào bệnh viện do chạy trên các đoạn đường trải sắt. Người dân lo rằng, những trận mưa dầm sẽ khiến các đoạn đường thi công tạm bợ kiểu này biến thành những chiếc bẫy gây tai nạn.

Mỗi tháng, 100 văn bản điều hành 

Vào giữa tháng 7/2018, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nêu những bất cập tại dự án CTMTN TP.Huế: ở nhiều tuyến đường, nhà thầu chưa chấp hành nghiêm quy định về rào chắn bảo vệ, biển báo; công tác hoàn trả mặt đường chậm; chất lượng mặt đường sau hoàn trả tại một số tuyến đường chưa đảm bảo; một số tuyến thoát nước có nắp hố ga và họng thu cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt đường, ảnh hưởng đến khả năng thu nước, gây mất an toàn giao thông. 

Qua gần 2 năm thi công đồng loạt tại 65 tuyến đường chính và 241 tuyến đường kiệt, dự án cho thấy sự yếu kém của ban quản lý, các nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát. Ông Cái Vĩnh Tuấn - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế - nhận định, hầu hết các nhà thầu hạn chế về tiền mặt, nhân lực; phương tiện thi công không đảm bảo; thiếu kinh nghiệm thi công. 

Trong khi đó, ban quản lý dự án cho biết, trung bình mỗi tháng, đã ban hành gần 100 văn bản điều hành, nhằm đôn đốc nhà thầu cải thiện chất lượng thi công, bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, dự án vẫn ì ạch. Điển hình là gói thầu cống chung lưu vực 8, một trong những gói thầu có giá trị hợp đồng gần 500 tỷ đồng do liên danh Bạch Đằng - Thế Thịnh - Hà Mỹ Hưng thi công, tỷ lệ hoàn thành chỉ đạt 4%. 

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ông Nguyễn Bình Minh - Phó chỉ huy trưởng công trình của nhà thầu UDIC - cho rằng, hầu hết các tuyến cống nằm trên đường có mặt cắt ngang hẹp, trong khi địa chất phức tạp, độ sâu chôn ống lớn. Mặt khác, tuyến ống chồng chéo với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường cáp quang, điện lực, cấp nước nên khó tổ chức thi công đồng loạt.

Ông Hoàng Việt Trung - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  tỉnh Thừa Thiên - Huế - khẳng định: dự án CTMTN TP.Huế có quá nhiều vấn đề bất cập, trong đó, công tác thi công và giám sát quá yếu kém.

“Thời gian tới, nếu nhà thầu nào không đủ năng lực, sẽ bị chấm dứt hợp đồng; nhà thầu nào triển khai chậm tiến độ, sẽ bị xử phạt, đồng thời sẽ bổ sung nhà thầu mới” - ông Trung nói. 

Lùi thời điểm hoàn thành dự án thêm gần 2 năm rưỡi

Dự án CTMTN TP.Huế có tổng mức đầu tư 24.008 triệu yên Nhật (trên 5.000 tỷ đồng), trong đó vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) 20.883 triệu yên và vốn đối ứng của phía Việt Nam là 3.125 triệu yên. Dự án nhằm cải tạo nguồn nước trên toàn TP.Huế, chống nguy cơ ô nhiễm, tránh ngập úng cục bộ, tăng chất lượng nước của sông Hương. 

Ngày 18/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý kiến nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc gia hạn thời gian hoàn thành của dự án đến hết ngày 31/12/2020, thay vì ngày 18/7/2018.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI