TP.HCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích do biến đổi khí hậu

11/05/2017 - 15:14

PNO - Sáng 11/5, tại TP.HCM diễn ra hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á – Thái Bình Dương về “ứng phó với biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”.

Dự hội nghị có ông Saber Chowdhury - Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới, ông Martin Chungong - Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới. Phía chủ nhà Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành.

Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết rất vui mừng khi Việt Nam là quốc gia được đăng cai tổ chức hội nghị nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

TP.HCM se bi ngap tren 20% dien tich do bien doi khi hau
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị IPU.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỉ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Đặc biệt TP.HCM là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của TP.

“Trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta nên chúng ta cần phải tăng cường sự đoàn kết và phối hợp hành động một cách có trách nhiệm để giữ gìn hành tinh xanh cho thế hệ tương lai. Đó chính là mục tiêu phát triển bền vững mà các quốc gia đã thống nhất qua tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2015”, bà Ngân nói.

Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới Saber Chowdhury cho rằng nếu không có mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai thì toàn bộ người dân thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Vừa qua thế giới thực hiện việc thúc đẩy mục tiêu thiên niên kỷ trong đó có giảm thiểu biến đổi khí hậu nhưng thiên tai vẫn diễn ra ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

“Thống kê 48 năm qua, 88% người dân trên thế giới ảnh hưởng bởi thiên tai nằm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hơn 2 triệu người chết vì thiên tai cũng nằm ở khu vực này”, ông Saber Chowdhury nói.

TP.HCM se bi ngap tren 20% dien tich do bien doi khi hau
Đại biểu tha gia hội nghị IPU tại TP.HCM.

Theo ông Saber Chowdhury, mối quan tâm hàng đầu trong lúc này của thế giới là việc khắc phục thiên tai, trong đó có chiến lược tập trung cho phụ nữ, trẻ em có thể khắc phục, vượt qua thiên tai. Nếu thực hiện tốt cho hai đối tượng này có thể triển khai rộng rãi việc khắc phục, phòng chống thiên tai cho mọi đối tượng.

Ông Saber Chowdhury khẳng định hội nghị này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà rất quan trọng đối với thế giới.

Chất thải sinh hoạt, mật độ giao thông là thách thức lớn của TP

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM là đô thị đặc biệt với hơn 10 triệu người, có vị trị và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, bình quân 5 năm 2011-2015 đạt 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với cả nước.

TP.HCM se bi ngap tren 20% dien tich do bien doi khi hau
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tham gia hội nghị.

Tuy nhiên, ông Nhân cũng nhìn nhận chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mặt độ giao thông trên 1km2 ở TP.HCM gấp 17 lần cả nước là những thách thức rất lớn cho việc đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân và làm cho TP nhạy cảm hơn với tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Nhân cũng cho biết, qua đánh giá các yếu tố gây ra biến đổi khí hậu, các nhà khoa học nhận định các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TP.HCM là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Trong những năm qua, tình trạng nước biển dâng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân TP.HCM.

Ông Nhân cho biết TP.HCM đã có chủ trương và chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải...

"Chúng tôi đã quyết định chủ trương xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh của Việt Nam, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của mọi người dân được triển khai mọi nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân"- ông Nhân nói.

Ông Nhân cho rằng, hội nghị IPU là cơ hội để TP.HCM mở rộng hợp tác với các nước cũng đang đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu; trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích ghi với biến đổi khí hậu.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI