TP.HCM quyết tâm đẩy lùi vi phạm xây dựng

13/12/2019 - 06:39

PNO - Cắt điện, nước đối với các đầu nậu, chủ đầu tư dự án sai phạm là một trong nhiều biện pháp mà UBND TP.HCM sẽ áp dụng để lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng.

“Vấn đề là có trách nhiệm hay không”

“Chẳng có gì mới, vấn đề là có trách nhiệm hay không” là khẳng định của ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - sáng 12/12 tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện chỉ thị số 23, do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành ngày 25/7/2019 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ở TP.HCM. 

TP.HCM quyet tam day lui vi pham xay dung
Một công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân Q.Thủ Đức

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố có 1.550 vụ vi phạm, giảm còn 804 vụ trong 4 tháng vừa qua. Phải đợi đến chỉ thị, các địa phương mới quyết liệt với vi phạm trật tự xây dựng, trong khi theo ông Hoan, đó là trách nhiệm.

Tại hội nghị, ông Châu Văn La - Chủ tịch UBND Q.Tân Bình - nhận định, sai phạm trật tự xây dựng ở quận này giảm đến 71% sau khi thực hiện chỉ thị. Ông chỉ ra một số khó khăn: công tác tuyên truyền không đến được các nhà thầu, chủ đầu tư dự án; công tác tháo dỡ gặp trục trặc vì khi tháo dỡ phần sai phạm, công trình có nguy cơ đổ sập…

Chủ tịch UBND Q.4 - Trần Hoàng Quân - cho rằng, tuy địa phương không có đất nông nghiệp, không diễn ra tình trạng phân lô bán nền, phá vỡ quy hoạch nhưng lại có đến 71% nhà cửa có diện tích dưới 21m2. Sai phạm cũng chủ yếu diễn ra ở nhóm này. Diện tích nhà nhỏ nhưng mỗi hộ lại có nhân khẩu đông, nhu cầu về diện tích nhà ở rất lớn, nên phải nâng số tầng xây dựng, dẫn đến vi phạm. Không ít người dân nghĩ rằng “xử phạt xong là thôi, công trình vẫn tồn tại”. 

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND H.Nhà Bè - nêu thực tế, người dân không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất do vướng phải kế hoạch sử dụng đất hằng năm, nên xảy ra vi phạm. Mới đây, UBND H.Nhà Bè thông báo kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không phải người dân nào cũng tiếp cận được thông tin. Ông Tùng kiến nghị, UBND TP.HCM nên tổ chức ban hành kế hoạch sử dụng đất hai lần/năm thay vì mỗi năm một lần. 

Đáp lại, ông Võ Văn Hoan cho rằng, việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm vốn không dễ dàng; nếu làm theo kiến nghị của ông Tùng, bộ máy chính quyền sẽ trở thành một cơ quan suốt ngày lo quy hoạch.

Theo ông Hoan, hằng năm, ngay từ tháng Một đến tháng Ba, chính quyền phải thông báo cho người dân, chủ đầu tư về kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo, nên nếu người dân, chủ đầu tư không nắm được thông tin để đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi có nhu cầu thì đây là lỗi của chính quyền. 

Nhắc đến quy hoạch, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM nêu thực trạng, nhiều hộ dân sở hữu đất mênh mông, nhưng sống trong nghèo khó và khi cần tiền, muốn bán đất, lại vướng quy hoạch: “Mua bán không được, thế chấp cũng không xong trong khi quy hoạch thì để đó”.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra sự phối hợp lỏng lẻo trong ngăn chặn sai phạm trật tự xây dựng. Đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho hay, việc cấp phép xây dựng đôi khi không quan tâm đến kết nối giao thông, dẫn đến sự hỗn tạp, gãy khúc khi kết nối các công trình giao thông. Có trường hợp cấp phép sai quy hoạch về giao thông khiến quá trình hoàn công gặp rắc rối.

Đồng tình, ông Võ Văn Hoan thừa nhận, có tình trạng “ăn cùng mâm nhưng mạnh ai nấy ăn”. Ông Hoan kể, vừa qua, đi kiểm tra các công trình sai phạm, Sở Xây dựng TP.HCM cũng chỉ kiểm tra phần xây dựng, còn những vấn đề pháp lý liên quan lại hoàn toàn không biết.

Kiên quyết “đánh” các sai phạm có tổ chức

Cắt điện, nước ở các công trình vi phạm là nội dung nổi bật được bàn thảo trong việc lập lại trật tự xây dựng. Ủng hộ cho quy định này, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM đề nghị, trong hợp đồng cung cấp điện, nước, đơn vị cung cấp phải rà soát, xem mục đích sử dụng đã đúng chưa, người dân có tiếp tay cho công trình vi phạm bằng cách cho câu nhờ điện, nước?

Tuy nhiên, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM thông tin, khi đề xuất ý kiến này với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ này đã không cho phép cắt điện tại công trình vi phạm. Ngành cấp nước cũng vậy.

Trước đây, Nghị định 80 quy định về đình chỉ thi công có nêu biện pháp “không cung cấp điện, nước” nhưng sau đó, Nghị định 139 thay thế Nghị định 80 đã không đề cập biện pháp này.

TP.HCM quyet tam day lui vi pham xay dung
Một công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân Q.Thủ Đức

Cho rằng một số đầu nậu, nhà đầu tư vừa qua có dấu hiệu bất chấp pháp luật, theo ông Hoan, tới đây, UBND TP.HCM dứt khoát áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với các đầu nậu, chủ đầu tư dự án sai phạm, không áp dụng với người dân sửa chữa nhà.

Thậm chí, ông Hoan còn khẳng định, chính quyền sẽ tước giấy phép hành nghề của tư vấn viên, giám sát viên liên quan đến công trình sai phạm. Nói về sự quyết tâm này, ông Hoan bức xúc: “Một số nhà đầu tư chẳng những không tuân thủ pháp luật mà còn bất chấp, sống trên pháp luật. Họ thậm chí tiếp tục gian dối ngay sau khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế”.

Ông Hoan cho rằng, chính các đầu nậu, chủ đầu tư dự án này là những tổ chức gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Sai phạm của họ tạo tâm lý lây lan, nếu chính quyền không quyết liệt, sẽ tạo bức xúc trong dân. 

Dẫn lại việc sai phạm xây dựng của một số cán bộ, lãnh đạo được báo chí phanh phui vừa qua, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - nhấn mạnh vai trò gương mẫu của cấp ủy: “Cán bộ, đảng viên phải biết bức xúc với bức xúc của người dân”.

Trên thực tế, còn có một nguyên nhân quan trọng khiến sai phạm vẫn tiếp diễn là tiếng nói của người dân không được chính quyền ghi nhận. Mới đây, tại cuộc tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội, chị Phạm Thế Hùng - ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh - bức xúc: “Cạnh nhà tôi có một người cất nhà sai phép, lấn chiếm nhưng khi tôi đi phản ánh khắp nơi, không được ai trả lời. Tôi càng đi thưa, người đó càng ngang nhiên xây dựng”.

Còn ông Cao Văn Tân - ở xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh - cay đắng: “Tôi đi tố cáo hành vi xây dựng sai phép nhưng chính quyền địa phương nói lên thành phố mà thưa chứ ở đây không ai giải quyết. Tôi quá đau lòng vì tự dưng mình gây thù hằn với địa phương và với những người sai phạm”. 

Q.Thủ Đức dẫn đầu sai phạm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, sau 4 tháng thực hiện chỉ thị 23, vẫn còn nhiều quận, huyện có số vụ vi phạm trật tự xây dựng tăng cao. Dẫn đầu trong danh sách này là Q.Thủ Đức với 144 vụ, Q.9 có 111 vụ, Q.12 có 100 vụ.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, để chấm dứt tình trạng sai phạm này, hằng tháng, các đơn vị phải tổ chức giao ban: “Các phường, xã nên chăng có báo cáo tuần về tình hình xây dựng trên địa bàn; hằng tháng, các quận, huyện báo cáo cho Sở Xây dựng TP.HCM và sở sẽ báo cáo UBND thành phố”.


Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI