TP.HCM: Dân rạch Lăng lại lo ăn tết chung với... muỗi

03/01/2018 - 07:56

PNO - Khoảng một tuần nay, người dân cư ngụ ven rạch Lăng (P.13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu vào “chu kỳ” khổ sở khi "dịch muỗi" tiếp tục bùng phát.

Khoảng một tuần nay, người dân cư ngụ ven rạch Lăng (P.13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu vào “chu kỳ” khổ sở khi "dịch muỗi" tiếp tục bùng phát.

Sáng 2/1, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có mặt tại tổ dân phố 1của phường này, nơi có đàn muỗi ken dày.

TP.HCM: Dan rach Lang lai lo an tet chung voi... muoi
Người dân sống dưới chân cầu Băng Ky bức xúc với câu chuyện “dài tập” về muỗi - Ảnh: Hoài An

Ăn cơm chung với... nhang muỗi

Ông Nguyễn Văn Tuấn (46 tuổi) cho biết, cách đây hơn một tuần, muỗi bắt đầu hoành hành khu vực này. “Muỗi tấn công người mọi lúc mọi nơi, bay nhiều như vãi trấu. Mọi sinh hoạt, nhất là khi ăn cơm, đều phải đốt nhang trừ muỗi kế bên. Tối phải xịt thuốc, bôi kem chống muỗi để cho con cái ngủ. Cứ vài ba ngày, tụi tôi lại phải bỏ ra gần năm chục ngàn đồng để mua chai xịt muỗi” - ông Tuấn bức xúc.

Video: Muỗi 'tấn công' rạch Lăng

Bà Phạm Thị Thu Dung - 58 tuổi, nhà ở sát dòng rạch Lăng - dẫn chúng tôi ra phía sau nhà. Con rạch đã đổi màu đen kịt, bề mặt phủ đầy cỏ dại, lục bình, rác thải sinh hoạt. “Buổi sáng, muốn mở cửa, phải thả màn mới mở được; nếu không, muỗi sẽ ào ào bay vô nhà. Còn chập tối, khoảng 18g, muỗi tấn công tới tấp. Đốt nhang, xịt thuốc vẫn không ăn thua. Tình trạng này cứ kéo dài, dân sẽ ăn tết với… muỗi” - bà Dung 
ngao ngán.

Ở cách nhà bà Dung vài bước chân, bà Đặng Mỹ Liên (64 tuổi) cho biết, trước đây cũng có muỗi, nhưng lần này nhiều hơn. Bà cho chúng tôi xem muỗi đóng thành ổ, bâu đen quần áo, khăn màn trong nhà. Vạch đôi chân chi chít những vết đỏ do muỗi đốt suốt mấy ngày nay, bà Liên bất bình: “Chỉ ngủ một đêm, sáng dậy mà cả đôi bàn chân đỏ tấy lên như vầy”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dòng nước rạch Lăng đã hoàn toàn tắc nghẽn do rác thải ứ đọng, chen lẫn từng mảng lục bình lớn bất động. Bên dưới dòng nước đen, có thể dễ dàng nhìn thấy từng mảng lăng quăng và những ấu trùng đã phát triển thành muỗi bay là đà trên mặt nước. Người dân cho biết, khu vực này có con đập để ngăn triều cường phía Bình Lợi, nhưng đã bị đóng bít mấy tháng nay; phía cuối con rạch này bị công trình thi công cống hộp chắn kín.

Việc "dịch muỗi" cứ bùng phát khiến người dân không chỉ khổ sở do các sinh hoạt bị đảo lộn, mà còn khổ vì lo dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết. “Trước đây, cứ mỗi tháng, chính quyền cho người xuống phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng, nhưng hai tháng nay không thấy xuống nữa” - bà Dung phản ánh.

Người dân mong chính quyền quan tâm, mở đập để nước được lưu thông, nạo vét, phát quang cỏ dại, lục bình, phun thuốc diệt ổ muỗi và có những giải pháp cải tạo 
môi trường.

Hàng chục năm “sống chung với muỗi”

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Như Ngọc - Phó chủ tịch UBND P.13, Q. Bình Thạnh - cho hay, địa phương đã phối hợp với ngành y tế tổ chức khảo sát mật độ muỗi tại tổ dân phố 1, 2, 3, 15 và 16, thuộc khu vực cầu Băng Ky. Kết quả cho thấy, muỗi ở đây phần lớn là muỗi cỏ (muỗi cánh dài), chỉ gây ngứa, không truyền bệnh sốt xuất huyết.

TP.HCM: Dan rach Lang lai lo an tet chung voi... muoi
Dòng nước rạch Lăng đã hoàn toàn tắc nghẽn do rác thải ứ đọng, chen lẫn từng mảng lục bình lớn bất động

Nhiều chục năm trước, đã có bài báo trào phúng viết về vấn đề này.

Với tưởng tượng tay vợt nữ Maria Sharapova đi ngang qua cầu Băng Ky, bài viết mô tả cô nàng vô cùng thú vị khi thấy người dân ở đây rất yêu quần vợt. Ai ai cũng cầm vợt (đuổi muỗi) tập dượt.

Bài báo trên “nổi tiếng thế giới” vì sau đó có báo nước ngoài dịch và đăng, và một số tờ báo ngoại quốc bị “hố hàng” khi giật tít “Sharapova đến Việt Nam” vì không biết đó là một bài báo châm biếm vụ muỗi ở cầu Băng Ky.

Trong năm 2017, phường đã tám lần phun thuốc diệt lăng quăng, muỗi tại đây và sắp tới sẽ tiếp tục các đợt phun xịt trên diện rộng; ngoài ra, còn có tổ diệt lăng quăng khu phố tổng vệ sinh định kỳ vào cuối tuần. “Tuy nhiên, điều quan trọng là tuyên truyền nâng cao ý thức để chính người dân hiểu việc phòng chống sốt xuất huyết là phải giữ vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh thật tốt, tránh nước tù đọng, không xả rác ra kênh rạch. Phun thuốc chỉ là biện pháp cuối cùng” - bà Ngọc nói.

Bà Ngọc cũng cho biết, biện pháp giải quyết dứt điểm muỗi ở khu vực cầu Băng Ky là nạo vét, khơi thông dòng chảy tuyến rạch Lăng. Việc này phụ thuộc vào dự án nạo vét rạch Lăng 1, đoạn từ cầu Băng Ky đến rạch Vàm Tắc.

Dự án do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình Q. Bình Thạnh (thuộc UBND Q. Bình Thạnh) làm chủ đầu tư, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị… đấu thầu, dự kiến sẽ diễn ra trong quý I/2018.

Chuyện muỗi dày đặc dưới chân cầu Băng Ky đã kéo dài hàng chục năm, song song với những hứa hẹn của chính quyền địa phương.

Khi nghe dân quanh cầu Băng Ky vẫn sống chung với muỗi và phải thường xuyên sử dụng bình xịt, nhang muỗi, kem chống muỗi, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cảnh báo nguy cơ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Theo vị bác sĩ này, chưa xét tới các yếu tố về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và các triệu chứng dị ứng, mẫn cảm thường gặp ở một số người, việc sử dụng bất cứ sản phẩm nào trên cơ thể, hoặc hít phải một cách thường xuyên, đều không có lợi cho sức khỏe. 

Quốc Ngọc - Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI