TP.HCM: chậm cấp sở hữu nhà chung cư thường do chủ đầu tư vi phạm

09/12/2019 - 11:09

PNO - Sáng 9/12, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - đã mở đầu trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX về tình hình quản lý đất đai, môi trường trên địa bàn.

Trả lời đại biểu Lê Minh Đức đặt vấn đề thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà chung cư đang rất chậm, ông Thắng cho hay, trong giai đoạn 2016-2018, HĐND thành phố đã tiến hành giám sát UBND thành phố về tiến độ cấp giấy chứng nhận nhà ở nói chung và chung cư nói riêng, đến nay đã thực hiện cấp trên 1,6 triệu giấy chứng nhận sở hữu nhà, tăng 27.000 căn so với trước đó.

TP.HCM: cham cap so huu nha chung cu thuong do chu dau tu vi pham
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM IX. Ảnh: Tuyết Dân

Còn lại hơn 17.000 trường hợp chưa cấp vì nhiều lý do như vi phạm xây dựng, tranh chấp, khiếu nại… Từ tháng 6/2018 đến nay, tiếp tục giải quyết được 2.000 trường hợp.

Như thế còn 15.000 trường hợp đang tiếp tục phân loại giải quyết. Phần lớn trong số này còn vướng do xây dựng sai giấy phép, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích đất mà đã xây, có tranh chấp khiếu nại ranh đất giữa các hộ dân, hoặc đang chờ phán quyết của tòa án cũng như những trường hợp mua bán bằng giấy tay.

Riêng chung cư, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và việc buộc phải tuân thủ quy định pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện có 62.000 căn hộ thuộc 194 dự án còn vướng chưa thể cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, theo ông Thắng, do tồn tại 3 nhóm vấn đề sau.

Thứ nhất, trước khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư được cấp phép nhưng đã thế chấp giấy phép này cho ngân hàng. Trên nguyên tắc, khi xây dựng xong, chủ đầu tư phải nộp tiền để giải chấp và nộp lại cho cơ quan quản lý nhà nước để tiến hành cấp giấy chứng nhận cho dân. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư không thực hiện việc này khiến việc cấp giấy chứng nhận cho dân bị ách tắc.

Sở đã đề xuất giải pháp cho phép ngân hàng giữ lại phần khai thác thương mại trong các dự án để làm cơ sở giải quyết cấp giấy cho người dân trước, đồng thời, cảnh báo người dân khi mua cần nghiên cứu kỹ những vấn đề này.

Thứ hai, trường hợp chủ đầu tư xây dựng sai so với giấy phép khiến công trình không thể nghiệm thu, ảnh hưởng việc cấp giấy chứng nhận cho dân. Đối với vi phạm này, buộc chủ đầu tư phải xử lý về mặt xây dựng.

Giải pháp theo ông Thắng, phải có sự phối hợp giữa ngành xây dựng, tài nguyên môi trường và địa phương nhằm kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra sai phạm trong xây cất.

Thứ ba, nhiều chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng không đồng bộ và tuân theo thiết kế ban đầu của hệ thống chung cư. Điều này cũng gây ảnh hưởng việc cấp giấy.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu băn khoăn về các phương án hỗ trợ cơ sở thu gom rác dân lập chuyển lên doanh nghiệp, lộ trình giảm và tiến tới không khai thác nước ngầm nữa và việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

Đưa ra một nhận định chủ quan, đại biểu Nguyễn Mạnh Trí, cho rằng phải chăng TP.HCM hiện là một trong những thành phố ô nhiễm nhất nước và khu vực. “Vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có thể cung cấp thông tin để người dân biết giải pháp bảo vệ sức khỏe trước việc ô nhiễm môi trường, không khí, bụi mịn, chất lượng nguồn nước…”, ông Trí nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng nêu quan điểm rằng vấn đề môi trường cần được đánh giá chính xác. Hiện phần lớn các điểm quan trắc của thành phố làm theo phương pháp thủ công. Cụ thể, có đến 327 điểm quan trắc thủ công và thành phố mới chỉ vận hành thử 6 trạm quan trắc tự động.

“Toàn thành phố hiện có 48 bảng thông tin giao thông, đồng thời cũng chuyển tải các thông tin về môi trường để người dân giám sát và phản ánh. Trang web của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cập nhật thông tin thường xuyên… Sắp tới, thành phố sẽ đầu tư bổ sung 48 trạm quan trắc tự động giúp đưa ra các thông số chính xác hơn”, ông Thắng nói.

Về ô nhiễm khí thải từ giao thông, ngành công nghiệp và hoạt động xây dựng, ảnh hưởng bởi bụi mịn, sở đã đưa ra cảnh báo và phối hợp Sở Giao thông vận tải đưa ra giải pháp kiểm soát ngưỡng xả thải của xe tải, ô tô, cũng như khoảng 6 triệu xe gắn máy trên địa bàn thành phố nhằm kiểm soát tình hình.

Liên quan đến việc di dời cơ sở ô nhiễm, ông Thắng nhấn mạnh, TP.HCM không chỉ dừng lại ở việc di dời mà còn xác lập luôn việc di dời những cơ sở có khả năng gây ô nhiễm trong tương lai gần không còn phụ hợp quy hoạch. Hiện có 114 cơ sở phải thực hiện di dời và xử lý ô nhiễm.

Riêng 5 cở sở ở Q.12 đã buộc chuyển vào khu công nghiệp. Đồng thời, có 56 cơ sở khác trên toàn thành phố hoạt động không có hệ thống xử lý khí và nước thải, sở đã yêu cầu lắp đặt, đồng thời, tăng cường tiến hành hậu kiểm.

“Vừa qua, khi kiểm tra 190 cơ sở thì đã có 70 trường hợp vi phạm về nước và khí thải. Sở đã cương quyết xử lý với 15 tỷ đồng tiền phạt cũng như tái kiểm tra và đề nghị hình thức buộc ngưng hoạt động. Sắp tới sở phải khảo sát 800 cơ sở có thải khí và 4.000 cơ sở có nước thải công nghiệp cần phải kiểm soát”, ông Thắng cho hay.

Vấn đề nước ngầm, ông Thắng cho biết đang thực hiện theo phê duyệt của Chính phủ. Theo đó, hiện mỗi ngày, TP.HCM đang khai thác đến 700.000m3 nước ngầm. Đến năm 2025, thành phố phải kéo giảm xuống dưới 100.000m3/ngày. “Lộ trình giảm việc khai thác nước ngầm được thực hiện tốt hơn tại khu chế xuất, khu công nghiệp so với ở các hộ dân. Do ở khu dân cư chưa có chế tài mà chủ yếu chỉ vận động”, ông Thắng nói và kiến nghị nên có giải pháp chế tài.

Qua thực tế, ông Thắng cho hay việc phân loại rác thành 3 loại hữu cơ, rác tái chế và chất thải còn lại trên thực tế bộc lộ nhiều hạn chế. Kinh nghiệp của các nước thường áp dụng phương thức phân thành 2 loại mà thôi. Đối với rác có thể tái chế nên thu hồi vào cuối tuần và trả cho dân một mức phí phù hợp. Rác thải còn lại thu gom xử lý hàng ngày.

Làm theo cách thức trên sẽ giúp thuận lợi hơn trong triển khai phương tiện thu gom. Song song đó cũng giúp cho nhóm giải pháp chuyển đổi phương tiện và pháp nhân đối với các đơn vị thu gom dân lập có thể chuyển đổi dễ dàng hơn thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Hiện TP.HCM có trên 1.100 đơn vị cần chuyển đổi. Thành phố cũng đã có 8 chính sách hỗ trợ về kinh phí, thuế mà, phương tiện…

Quốc Ngọc - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI