TP.HCM: 10 năm xảy ra hơn 1.000 vụ đình công với gần 400.000 người tham gia

13/11/2019 - 11:30

PNO - Các cuộc đình công chủ yếu để đòi nợ lương, đề nghị công khai lương, thưởng thời điểm cận tết, thanh toán tiền phép năm và trả tiền làm thêm giờ.

Sáng 13/11, Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp tại TP.HCM và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Theo báo cáo của Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM tại hội nghị, từ năm 2008-2018, tại TP.HCM, đã xảy ra 1.022 vụ đình công với 391.071 người tham gia.

Trong đó, giai đoạn 2008-2013 có 737 vụ (chiếm 72,11% tổng số vụ đình công) với 289.260 người tham gia (74% tổng số người tham gia). Từ 2014-2018, xảy ra 285 vụ (chiếm 27,9% tổng số vụ) với 101.811 người tham gia (chiếm 26% tổng số người tham gia).

TP.HCM: 10 nam xay ra hon 1.000 vu dinh cong voi gan 400.000 nguoi tham gia
Tài xế GoViet đình công hồi tháng 7/2019 tại TP.HCM

Phần lớn các vụ đình công xảy ra tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó, gần 70% số vụ xảy ra tại các công ty của Hàn Quốc và Đài Loan. Ngành dệt may, da giày là 2 ngành có tỷ lệ đình công cao nhất, khoảng trên 85%.

Nguyên nhân các cuộc đình công tập trung vào việc đòi nợ lương, đề nghị công khai chi trả lương, thưởng trước tết Nguyên đán, thanh toán tiền phép năm, trả tiền lương làm thêm giờ.

Ngoài ra, do một số doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ dẫn đến nợ lương, nợ BHXH, chủ bỏ trốn về nước, không thực hiện nghĩa vụ với người lao động.

Thành phần tham gia các cuộc đình công là tập thể người lao động bị vi phạm quyền và lợi ích chính đáng. Đại diện cho tập thể người lao động này là nhóm người làm việc chung trong một chuyền, tổ sản xuất, không có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn và đa số ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ biết sự việc sau khi tập thể người lao động đình công.

Nguyên nhân nữa dẫn đến đình công là do công đoàn cơ sở chưa đóng vai trò đại diện tập thể người lao động do chưa đủ năng lực, ngại va chạm với người sử dụng lao động.

TP.HCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 1.226 dự án, tổng số 288.529 lao động, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ 59,35%. Tại Khu Công nghệ cao, có 38.220 người lao động, trong đó có 449 lao động người nước ngoài.

Lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư Việt Nam là 84.163 người (tỷ lệ 29,17%), trong doanh nghiệp FDI là 204.365 người (70,83%).

Tổng số lao động người nước ngoài tại TP.HCM hiện là 2.505 người. Có 2.278 người đã được cấp giấy phép lao động và 227 người không thuộc diện cấp phép.

Quốc Ngọc

 
TIN MỚI