Tốn cả núi tiền, vẫn hoàn ô nhiễm - Bài 1: Công trình Ba Bò vận hành... cho có

10/12/2018 - 07:00

PNO - Từ sự bất thường của màu nước kênh Ba Bò dù đã qua hệ thống hồ xử lý, chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề bất thường ở công trình nổi tiếng này.

LTS: TP.HCM đã chi rất nhiều tiền cho chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó dành một khoản kinh phí lớn để cải thiện chất lượng nước, nhưng trên thực tế, chưa có dòng kênh ô nhiễm nào thực sự được hồi sinh. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, đã có sự lãng phí cực lớn phía sau những công trình tiền tỷ cải thiện chất lượng nước.

Vào mùa khô, lượng nước ở thượng nguồn kênh Ba Bò từ tỉnh Bình Dương đổ về TP.HCM đã giảm đáng kể so với mùa mưa. Thế nhưng, sau khi qua hệ thống hồ xử lý, dòng nước chảy ra kênh vẫn còn màu nâu sẫm và có khi còn sủi bọt trắng xóa. Từ sự bất thường của màu nước kênh, chúng tôi phát hiện nhiều vấn đề bất thường ở công trình nổi tiếng này.

Ton ca nui tien, van hoan o nhiem - Bai 1: Cong trinh Ba Bo van hanh... cho co
Màu nước kênh Ba Bò ở đầu vào và đầu ra sau khi đi qua hệ thống hồ xử lý vẫn không có gì khác biệt - Ảnh: Hoàng Nhiên

Bất lực trước rác và nước bẩn

Không cần đến chuyên gia về môi trường, ngay cả những người dân bình thường cũng có thể nhận thấy màu nước trên kênh Ba Bò vẫn chưa được cải thiện đáng kể sau khi dự án này hoàn thành. “Sau gần cả chục năm thi công ì ạch, khoảng cuối năm 2017, chúng tôi thấy họ đã xây xong hệ thống hồ xử lý nước thải và đưa vào vận hành. Thế nhưng, nước sau khi qua các hồ này chảy ra kênh vẫn có màu nâu, không thấy trong xanh” - một người dân sống sát bên công trình cải tạo kênh Ba Bò (Q.Thủ Đức, TP.HCM) nhận xét.

Theo nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM, trong mùa mưa 2018, việc vận hành hồ điều tiết của công trình cải tạo kênh Ba Bò liên tục bị gián đoạn; nhiều lúc, dòng nước ô nhiễm từ tỉnh Bình Dương đổ về không được đưa lên hồ để xử lý mà đổ trực tiếp xuống hạ nguồn.

Trong một báo cáo gửi các đơn vị liên quan vào cuối tháng 10/2018, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM (viết tắt là Công ty QLKTDVTL) - đơn vị đang vận hành tạm thời hồ điều tiết dự án cải tạo kênh Ba Bò - cho biết, nguyên nhân dừng hoạt động là do lượng rác từ tỉnh Bình Dương dồn về quá nhiều, gây tắc nghẽn khu vực hút nước nên máy bơm không thể bơm nước lên hồ. Dù vậy, Công ty QLKTDVTL cho rằng, trách nhiệm này không phải do công tác vận hành mà trong thiết kế không có hệ thống lưới chắn rác. 

Từ tháng 11 đến tháng 12/2018, nhiều lần có mặt tại công trình hồ điều tiết dự án cải tạo kênh Ba Bò, chúng tôi nhận thấy, hệ thống hồ này có dấu hiệu không hoạt động. Trong khi đó, màu nước kênh sau khi đi qua công trình này vẫn không có gì thay đổi.

Ton ca nui tien, van hoan o nhiem - Bai 1: Cong trinh Ba Bo van hanh... cho co
Màu nước kênh Ba Bò sau khi đi qua hệ thống hồ xử lý vẫn không thay đổi - Ảnh: Hoàng Nhiên

Một kỹ sư từng tham gia đoàn kiểm tra công trình cải tạo kênh Ba Bò cho biết: “Hệ thống hồ này sử dụng công nghệ sinh học với vi sinh vật hiếu khí và các thiết bị chính như máy bơm, máy khuấy, máy sục khí… nên chỉ xử lý được nước thải sinh hoạt, không xử lý được nguồn nước ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Nếu nguồn nước từ tỉnh Bình Dương đổ về vẫn còn các chỉ tiêu ô nhiễm do hoạt động công nghiệp thì hồ này không thể xử lý được”.

Sau khi phản ánh về tình trạng nghẹt rác không bơm nước được lên hồ, trong báo cáo gửi các đơn vị liên quan vào giữa tháng 11/2018, Công ty QLKTDVTL tiếp tục thừa nhận, với các hạng mục công trình đã xây dựng cũng như công nghệ xử lý hiện hữu, không thể vận hành để xử lý nước thải đạt quy chuẩn loại B như yêu cầu của thiết kế ban đầu. Theo đơn vị vận hành, nguyên nhân là do nước thải từ tỉnh Bình Dương đổ về có các chỉ số ô nhiễm cao hơn dự kiến, cần phải đầu tư thêm hệ thống và công nghệ thích hợp mới xử lý đạt quy chuẩn.

Nhiều sai lầm nối tiếp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình cải tạo kênh Ba Bò do Trung tâm Chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2009 và hoàn thành vào cuối năm 2017. Dự án có 7 gói thầu, trong đó gói thầu quan trọng nhất là xây hồ điều tiết và một đoạn của tuyến kênh chính (gói thầu xây lắp số 1). Đơn vị thực hiện gói thầu này là Liên danh Công ty QLKTDVTL và Công ty cổ phần Tàu Cuốc. Hiện, công tác vận hành hệ thống hồ điều tiết do Công ty QLKTDVTL tạm thực hiện. 

Tổng mức đầu tư dự án cải tạo kênh Ba Bò (phía TP.HCM) khoảng 750 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư đã thanh toán khối lượng thực hiện cho các nhà thầu và bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân với tổng số tiền hơn 462 tỷ đồng, trong đó, phần giá trị thanh toán khối lượng thực hiện gói thầu xây lắp 1 cho Công ty QLKTDVTL hơn 74 tỷ đồng. Gói thầu quan trọng này được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu. Do không tổ chức đấu thầu nên có ý kiến cho rằng, đơn vị được chỉ định thực hiện gói thầu này không đủ năng lực, dẫn đến phát sinh nhiều rắc rối.

Ton ca nui tien, van hoan o nhiem - Bai 1: Cong trinh Ba Bo van hanh... cho co
Hệ thống hồ sinh học của công trình cải tạo kênh Ba Bò có dấu hiệu không hoạt động - Ảnh: Hoàng Nhiên

Một trong những tình huống dở khóc dở cười từ gói thầu xây lắp số 1 là việc thiết kế đập tràn không hợp lý dẫn đến bị vỡ nhiều lần, phải “cầu cứu” chủ đầu tư công trình phía Bình Dương. Cụ thể, sau khi xảy ra vỡ đập, chủ đầu tư cho rằng, nguyên nhân là do lượng nước từ Bình Dương đổ về quá mạnh nên đề nghị chủ đầu tư công trình phía Bình Dương (Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường tỉnh Bình Dương) cần phải xây bể tiêu năng để giảm tốc độ dòng chảy.

Thế nhưng, sau khi phía Bình Dương xây xong bể tiêu năng, tình trạng vỡ đập vẫn tái diễn. Chủ đầu tư dự án cải tạo kênh Ba Bò lại đề nghị phía Bình Dương xây thành bể tiêu năng cao thêm 1m để giảm tốc độ dòng chảy. Mất cả năm trời, rắc rối này mới được giải quyết.

Những rắc rối phát sinh trong quá trình thi công khiến gói thầu xây đoạn kênh chính và hồ điều tiết dự án cải tạo kênh Ba Bò liên tục thay đổi thiết kế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công trình chậm tiến độ, thay vì hoàn thành trong 440 ngày theo kế hoạch phê duyệt, gói thầu này kéo dài hơn 7 năm. Đến khi công trình hoàn thành và đưa vào vận hành từ tháng 8/2017, lại phát sinh thêm tình huống nghẹt rác do lỗi thiết kế và hệ thống hồ vi sinh cũng không xử lý được nguồn nước thải ô nhiễm.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế và Tài nguyên môi trường TP.HCM - cho rằng, mục tiêu quan trọng của dự án cải tạo kênh Ba Bò là cải thiện chất lượng nước thải từ thượng nguồn đổ về hạ lưu. Do đó, khi chất lượng nước kênh đổ ra sông Sài Gòn không được cải thiện, cần phải truy trách nhiệm các đơn vị liên quan. “Đáng lẽ ngay từ đầu, khi thẩm định phê duyệt dự án, các đơn vị liên quan phải lường trước những tình huống có thể phát sinh, không thể để đến khi công trình hoàn thành mới đổ lỗi cho khâu thiết kế” - tiến sĩ Thuận nói.

Đơn vị trúng thầu ký 14 hợp đồng trái luật

Trong quá trình thực hiện gói thầu xây lắp số 1, Công ty QLKTDVTL đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu. Cụ thể, theo xác định của chủ đầu tư, có 14 hợp đồng được Công ty QLKTDVTL ký kết giao cho các đơn vị khác thực hiện sau khi trúng thầu trái với quy định của pháp luật. Về việc chỉ định, không tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật, Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho rằng, do công trình mang tính cấp bách nên vào thời điểm đó, việc chỉ định thầu được thực hiện theo chỉ đạo của nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín.

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI