Tiếng thở dài sau cuộc di dời!

12/11/2019 - 06:48

PNO - Nhiều năm qua, hàng ngàn căn hộ tái định cư được chính quyền TP.HCM rao bán nhưng người có nhu cầu chỗ ở cũng không mấy mặn mà.

Muốn bán chạy một món hàng, ít nhất, chất lượng phải bảo chứng bằng trải nghiệm và hài lòng của vài ba vị khách. Nhìn lại, những hộ đã từng nhận suất tái định cư, hiện còn mấy ai thủy chung, đang sống theo “quy hoạch” này?

Tieng tho dai sau cuoc di doi!
Khu tái định cư bến sông Phú Định hễ mưa xuống là ngập, và ngập do triều mỗi tháng 2 lần

Nhiều hộ dân lần lượt rao bán căn hộ

Chung cư Tín Phong nằm lọt thỏm giữa khu đất rộng thuộc P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM. Mới 18g, chốn này đã không bóng người qua lại. Trong căn hộ của mình, xong cơm tối, bà Dỏi (60 tuổi) bật ti vi lên… nghe.

Bà ngồi trên chiếc ghế xoay lưng với màn hình, mông lung nhìn khoảng không trước mặt. Hơn mười năm nay, bà Dỏi sống một mình, lủi thủi, lấy âm thanh trong ti vi làm bạn. “Chỗ này vậy đó, hơi buồn, cảm tưởng như cách biệt xã hội” - bà nói. 

Tôi hỏi, sao bà không về ở cùng với các con? Như gợi nhắc một niềm vui, đôi mắt của bà Dỏi sáng rỡ. Ngày đó, giữa năm 2007, khi chính quyền tổ chức bốc thăm để nhận suất tái định cư - là một căn hộ thuộc chung cư Tín Phong, chồng bà đã may mắn chọn trúng căn tầng trệt, góc, có khoảng sân rộng thoáng.

Bà kể rằng, ông mừng quá, đã tổ chức một bữa tiệc mừng. Nhận căn hộ vài tháng thì ông mất, nhưng trong bà, hình ảnh ông reo lên như đứa trẻ ấy không bao giờ phai nhạt. “Tôi không muốn dọn đi là vậy, chỉ chừng đó là vui” - bà Dỏi bỗng mông lung trở lại. 

Năm 2002, khu đất 38ha được UBND TP.HCM phê duyệt làm dự án tái định cư với hơn 700 nền và gần 3.000 căn hộ. Bà Dỏi là một trong 48 trên tổng số hàng trăm hộ dân phải di dời của vùng này nhận suất tái định cư ở chung cư Tín Phong.

Sự may mắn của chồng khi chọn được căn hộ đẹp nhất, bà Dỏi tin rằng, cũng bởi năm 2004, vợ chồng bà là một trong những người đầu tiên tự nguyện cầm búa đập vào tường nhà mình để giao đất cho Nhà nước - như một minh chứng cho sự đồng thuận với chủ trương của chính quyền.

Nhưng rồi, về sống ở Tín Phong không lâu, hơn 40 hộ lần lượt rao bán lại căn hộ. “Trước ở nhà đất, người ta có mặt bằng mở quán nước, bán tạp hóa cũng đủ sống qua ngày. Về đây, nghĩ xem lấy cái gì mưu sinh?” - bà Dỏi thở dài. Những căn hộ được bán rất rẻ, do không có sổ hồng.  

Chuyện sổ hồng khiến cư dân vô cùng bức xúc. Họ cho rằng, có thể sống nghèo, khó khăn trong công ăn việc làm; nhưng không giấy tờ sở hữu, không làm được hộ khẩu, trẻ con không đi học được. Chính quyền sẻ chia, hứa hẹn, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện.

Hai năm đầu, các con của bà Dỏi cũng về sống với mẹ, rồi những đứa trẻ - cháu của bà - không nhập học được, con cháu đành đùm túm nhau đi. Bà Dỏi cũng thôi luôn nghề bán buôn ở Chợ Lớn (Q.6). Cũng thuộc P.Tân Thới Nhất, nhưng chỗ ở mới lùi vô vài ki-lô-mét, đường sá ngoằn ngoèo, đi lại khó khăn, ngập nặng khi mưa xuống, bà bảo mỗi ngày đi Chợ Lớn giống… đi phượt, mệt mỏi quá nên thôi. 

Có 5/48 hộ dân tái định cư ngày ấy đang sống trong chung cư này. Họ tâm tư, cảm giác như ở trọ ngay trong chính nhà mình; lửng lơ như khu 38ha vẫn đang là đất trống. Hơn 10 năm ròng, hàng trăm hộ dân dời đi, tản mác khắp nơi để nhường đất cho Nhà nước; nhưng khu đất đó, Nhà nước hiện… để chơi!

Tieng tho dai sau cuoc di doi!

Kêu dân nhường đất rồi đất để đó..."để chơi"

Kêu gọi dân nhường đất, rồi ngày dài tháng rộng, đất đó… “để chơi” cũng là chuyện thường tình. Đủ lý do để dự án giậm chân; nhưng rõ ràng, thực trạng ấy sẽ làm tăng nỗi bất bình cho những người từng buộc phải di dời.

Những năm 2000, ông bà Hai cùng hàng trăm hộ dân theo tiếng gọi chỉnh trang đô thị, nhận đền bù, giao lại đất cho chính quyền làm dự án Cảng sông Phú Định (Q.8) - một trong ba dự án trọng điểm tại TP.HCM về phát triển đường thủy.

Trừ một phần đất dành cho việc làm cảng (nay cảng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; được đánh giá không hiệu quả); phần đất còn lại vẫn chưa biết làm gì.

Theo ông Hai, cuối năm 2018, cư dân nào bị giải tỏa, di dời đều được chính quyền mời họp, lấy ý kiến về việc cho một tập đoàn xây dựng khu đô thị hạng sang ngay trên phần đất giải tỏa. Ai nấy… bỏ về, không chấp nhận. 

Ông Hai bức xúc, ngày đó, hộ ông có 7.000m2 ruộng và hơn 1.600m2 đất thổ cư. Gia đình gần chục thành viên sống khỏe bằng nghề nông, canh tác từ lúa đến mãng cầu, dừa, dứa…

Năm 2011, cả nhà đùm túm về khu tái định cư bến sông Phú Định, tất cả rơi vào thất nghiệp. Lời hứa di dời rồi sẽ tạo việc làm ngay trong bến cảng của chính quyền theo ngày tháng gió bay.

Các con ông chờ không nổi, xin đi làm công nhân, chuyển ra thuê trọ gần chỗ làm. Khoảng 100 hộ dân đi cùng hộ ông Hai về nhận nền ở khu tái định cư trong chuyến di dời ấy cũng không ngoại lệ, lũ lượt bỏ đi.

Nhà cửa phải là nơi gắn với cuộc đói no, tiện làm ăn sinh kế. Họ nhận mình là nhà nông, nay không còn đất canh tác, buộc phải bán đổ bán tháo căn nhà vừa nhận.

Ông Hai kể, không ít gia đình từ dân Sài Gòn chính hiệu, đành phải bán rẻ lại nền tái định cư, về miền Tây mua đất để tiếp tục được sống đời làm nông. Sau đó, con cái họ về thành phố học hành, thành… dân nhập cư. 

Tieng tho dai sau cuoc di doi!
Tiền rác vẫn đóng, nhưng tình trạng nghẹt ống rác, mùi hôi thối nồng nặc không ai dọn khiến cư dân chung cư Tân Mỹ khóa cửa hố rác

Hôm tôi đến, khu tái định cư bến sông Phú Định ngập trong nước, trong rác, chỉ sau một cơn mưa không lớn.

Dẫn tôi đi xem một… tường rác dài cả chục mét, ông Hai nhăn mặt: “Nhiều hồi canh, phát hiện dân ở đâu cứ đem rác vứt đây. Khó chịu vô cùng”. Tôi hỏi: “Không ai giải quyết cho mình sao?”. Ông Hai gọn lỏn: “Đem dân ra đây rồi… vứt đó, có thấy đoái hoài gì đâu”.

Giữa Sài Gòn, hòa trong nhịp đời đô thị mà chốn này gần 10 năm qua không tổ trưởng tổ dân phố; tồn tại bức xúc nào, dân cứ thế ngậm đắng. Có lần, bà Hai buồn quá, định xin làm tổ trưởng để thay dân nói lên những tiếng lòng, chợt nhớ ra mình không biết chữ, nên bà thôi.

Hơn 100 hộ dân ở khu này, cách khu dân cư Ehome 3 đầy tiện nghi chỉ chừng vài bước chân, mà mới năm ngoái, dân xin mãi mới được lắp wifi, bởi việc “trồng” trụ phát sóng chưa có trong quy hoạch.

Những khó khăn đó của cuộc sống tái định cư buộc người ta phải đắn đo, khó lòng chấp nhận chủ trương đất nhường cho Nhà nước, nay chính quyền đem giao lại cho doanh nghiệp.

Dân nơi này bơ vơ lắm!

Hàng ngàn căn hộ tái định cư đang được UBND TP.HCM rao bán, không mấy ai mặn mà diễn ra đã nhiều năm. E rằng, chuyện mua bán này khó khả quan khi căn hộ tái định cư chưa cởi được chiếc áo của tư duy nhà đổi nhà, lấy đi một chỗ ở để trả lại một chỗ ở. Chấm hết.

Như, chung cư Tân Mỹ (Q.7) mới hơn mười năm mà như thể một tòa nhà đã kinh qua cả trăm mùa gió sương. Chốn này, năm 2010 đón hơn 300 hộ dân thuộc diện tái định cư từ các dự án mở rộng kênh của Q.8. Con số này, hiện chỉ còn chưa đến mười gia đình.

Tieng tho dai sau cuoc di doi!
Thang máy của chung cư Tân Mỹ hư hỏng nặng, không được quan tâm sửa chữa

Ông Nam, một người có suất tái định cư trong chung cư này, khẳng định: “Chưa nói đến mưu sinh khó khăn, chỗ này giờ đã tan nát hết. Chẳng cái gì xài được. Dân sống trong run rẩy. Hàng trăm lá đơn chồng chất gửi đi khắp nơi cầu xin sự quan tâm nhưng tất cả chìm trong im lặng. Dân nơi này bơ vơ lắm!”. 

Chung cư Tân Mỹ gồm hai block, tổng cộng 600 căn hộ. Một block hiện chỉ có 52 hộ sống. Hơn 200 căn hộ ở chung cư này được rao bán ngay từ ngày khánh thành, giờ vẫn còn bỏ trống.

Bốn năm trước, thang máy của block B bị hỏng nặng, ban quản lý sang… mượn ruột thang máy block A về lắp, đến nay chưa mua trả lại. Khu vực thang máy bị lấy đi đó, trở thành nơi phóng uế của người lạ. “Đã vậy, thang máy gì mà bấm nửa tiếng cửa không mở, có khi đang đi rơi tự do.

Tieng tho dai sau cuoc di doi!
Ông Hai ngao ngán với tường rác tồn tại quanh năm trong khu tái định cư và không ai giải quyết

Nhà tôi tầng 11, cao nhất, mỗi lần đi thang máy hồi hộp muốn nghẹt thở” - ông Nam nói. Tôi len theo thang bộ của chung cư, mỗi bước chân đều đạp trên rác để lên tầng cao nhất, mục sở thị từng chiếc thau, xoong được cư dân xếp từ nhà ra hành lang, hứng nước mưa thấm dột từ trần nhà.

Trên sân thượng, tôi bước đi rón rén để tránh làm thủng mái, dù đã rất nhiều chỗ thủng, khiến người dân phải mua keo về chống thấm.

“Đời tôi thê thảm quá! Ngờ đâu mắc kẹt ở đây. Hóa ra, tái định cư là đem con bỏ chợ” - ông Nam chùng giọng.

Ông tiếc nhớ căn nhà năm xưa trên bờ kênh. Vợ bán tạp hóa, ông chạy xe ba gác. Đời trôi theo cuộc tái định cư, về chung cư Tân Mỹ, vợ mở quán nước ngay dưới sân nhưng chính quyền bắt dẹp, thất nghiệp. Còn ông, chiếc ba gác gửi lại cho quá khứ trong một cuộc “khai tử” chung của thành phố đối với loại xe này, ông chạy Grab kiếm ăn.

“Thi thoảng, chúng tôi thấy đói, hoang mang không biết làm gì để sống. Từ nhà ven kênh lên chung cư, tôi còn nợ Nhà nước rất nhiều tiền” - ông Nam rớm nước mắt.

Ngày đó, nhận bồi thường 180 triệu đồng và đổi lấy căn hộ này, ông Nam vẫn còn thiếu một khoản hơn 200 triệu đồng. Tương lai, ông chưa biết trả được không.

***

Tôi không đủ sức để thống kê có bao nhiêu hộ dân tái định cư hiện đang còn sống theo “quy hoạch”. Nhưng những người tôi gặp, không ai yêu căn nhà - nơi lẽ ra, bình yên nhất để trở về sau ngày dài tất bật. Con số ấy, thiết nghĩ, cũng cần được công bố, để những cuộc thảo luận khoa học về nhu cầu nhà ở cho người dân thành phố - với trăm ngàn dự định, hướng đến nhà là nơi đảm bảo đủ “chiều kích” từ tiếng nói mưu sinh, đến không gian, cảnh quan, giá trị văn hóa, cộng đồng… sao cho một cuộc đời được khởi hoạt êm ái. Để, trong cuộc đi tới nào chăng nữa, không ai thấy mình bị bỏ lại, phải tủi thân như sống trong một cuộc sắp bày bất công. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI