Thực phẩm bẩn độc: “Là tội ác thì phải xử theo… tội ác”

18/11/2015 - 06:57

PNO - Tịch thu thực phẩm có sử dụng chất cấm chỉ giải quyết phần “ngọn” vấn đề. Chẳng còn cách nào khác, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình.

Chiều ngày 17/11, PGS.TS Vũ Đình Tôn – Trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Phunuonline về tình trạng thực phẩm bẩn độc đang tràn lan ngoài thị trường, gây nên hàng triệu “cái chết từ từ” mỗi năm.

PV:- “Đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ gần và dễ đi như bây giờ” vì thực phẩm bẩn độc khiến người dân Việt Nam mắc bệnh đã trở thành vấn nạn. Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng thực phẩm "có độc" là do sử dụng nhiều chất cấm trong chăn nuôi, chăm bón.

Nhưng người chăn nuôi, chăm bón lại cho rằng, nếu như không sử dụng những loại chất này thì gia súc, gia cầm, cây rau… sẽ không phát triển để có thể gánh quá nhiều loại thuế phí đang gián tiếp đè lên lưng chúng. Ông nghĩ sao về lời giải thích này?

PGS.TS Vũ Đình Tôn: - Nhiều chất cấm có tác dụng cho gia súc nhanh lớn, thịt nhiều nạc hơn chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng. Chính vì thấy nó rất lợi nên người ta mới hay sử dụng, nhưng nó ảnh hướng tới chất lượng thịt vì bị nhiễm các chất cấm vào trong thịt, từ đó gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, mà cụ thể là gây ung thư cho con người.

Mặc dù vậy, lý lẽ mà người chăn nuôi đưa ra để sử dụng những chất cấm này là điều không có lý, không thể nào chấp nhận được. Liên quan tới vấn đề phí, nếu loại nào chưa hợp lý, loại nào chồng chéo nhau thì cơ quan quản lý phải rà soát sửa đổi, bỏ đi gánh nặng cho người nông dân. Còn người nông dân không thể vì gánh nặng từ những khoản này mà dùng những chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng là “biến chất”.

Ngoài ra, chế tài của nhà nước cũng đang gây nên tình trạng thiếu công bằng giữa những người chăn nuôi với nhau khi giá thực phẩm “sạch” ngang bằng với thực phẩm “bẩn”. Từ đó, tạo ra tâm lý “cào bằng”, khiến người chăn nuôi dễ buông xuôi, chạy theo lợi nhuận. Tình trạng chăn nuôi “không sạch” như hiện nay là vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây ra ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cộng đồng mà một lúc nào đó người tiêu dùng nghi ngờ, quay lưng lại với sản phẩm trong nước.

Thuc pham ban doc: “La toi ac thi phai xu theo… toi ac”
PGS.TS Vũ Đình Tôn - Trưởng Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
PV:-
Theo tìm hiểu của phóng viên Phunuonline, các loại cám tăng trọng, thuốc kích thích tăng trưởng đều không khuyến cáo tác hại gì. Trong khi, nhân viên tiếp thị lại luôn dùng những lời hoa mỹ để quảng cáo về hiệu quả tốt của sản phẩm để bán được thật nhiều.

Nhưng khi nói về thực phẩm bẩn độc, rất nhiều ý kiến đã lên án người chăn nuôi vì lợi ích đã đang tâm "đầu độc" đồng loại. Theo ông, sự thật vấn đề này như thế nào? Vai trò của quản lý thị trường ở đâu trong lúc này?

PGS.TS Vũ Đình Tôn: - Vấn đề này chúng ta không thể khẳng định được lỗi là do ai. Nếu người nông dân nhận thức được thì ông có tiếp thị tốt đến mấy họ cũng từ chối. Còn với người bán hàng, người ta đều biết cả nên bên cạnh việc giáo dục cho nông dân thì cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh kiểm soát, xử lý người bán hàng.

Ở nước ngoài, cơ quan quản lý kiểm soát rất kỹ đơn vị sản xuất. Người ta vào trong nhà khám tất cả các phòng ở, cả đồ của trẻ em chứ không chỉ trong khu chuồng trại chăn nuôi. Chỉ cần phát hiện ra chất cấm thì họ sẽ xử lý.

Còn ở nước mình, theo thông tin từ một số phương tiện truyền thông thì một số vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian gần đây đều được bán và sử dụng riêng lẻ. Nếu như nhà máy sản xuất thức ăn mà sử dụng thì chắc chắn sẽ vô cùng khủng khiếp còn ở đây là người chăn nuôi chủ động sử dụng.

Chính vì thế, ngoài việc kiểm soát các nhà máy sản xuất thức ăn, chúng ta đồng thời phải kiểm soát cả người chăn nuôi, không thể lấy lý do không biết ra để bao biện, sử dụng chất cấm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI