Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa!

05/05/2019 - 14:58

PNO - Thủ tướng đề nghị bộ, ngành, địa phương quan tâm 4 nhóm vấn đề: tiền lương, thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho công nhân và nơi sinh hoạt cho con em công nhân.

Tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và công nhân (CN), lao động (LĐ) kỹ thuật cao hôm nay 5/5, có 23 công nhân đại diện cho 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao tiêu biểu đã nhận được bằng khen của Tổng LĐLĐVN. 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao cũng được nhận phần quà của Thủ tướng Chính phủ trao tặng.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc: Chung ta khong di theo con duong lao dong gia re nua!
Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân kỹ thuật bậc cao

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 43 kiến nghị mà tổ chức công đoàn (CĐ) đã tập hợp và gửi gắm cùng với kiến nghị của các CN tại buổi gặp mặt sẽ được giao cho Văn phòng Chính phủ.

"Sau đó, ý kiến được phân loại, gửi cho từng bộ, ngành, địa phương để trả lời cho Tổng LĐLĐ VN và CNLĐ, để thấy hiệu quả chứ không phải gặp nhau từ hội trường là xong”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng khẳng định, lực lượng CNLĐ có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động thì chưa đầy 19% CN có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi. Hiện nay, chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc: Chung ta khong di theo con duong lao dong gia re nua!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“Lênin nói “Năng suất lao động quyết định tất cả”, trong khi chúng ta có dân số vàng, nếu có lực lượng lao động trình độ cao nữa, chúng ta sẽ thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ CN có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp” là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 4 nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống CNLĐ: tiền lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho CNLĐ và chỗ học tập, vui chơi cho CN, con CN.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức công đoàn cần đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo đời sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho CNLĐ, trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ. Quan tâm đến hậu phương của NLĐ để NLĐ xem công đoàn là gia đình thứ hai của mình.

Đối với CN, Thủ tướng bày tỏ: “Chúng ta đều cần phải chuyển đổi để thích nghi với sự thay đổi mới, chuyển đổi nghề nghiệp, phải nỗ lực để học tập để có “nghệ tinh” thì mới “thân vinh”.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc: Chung ta khong di theo con duong lao dong gia re nua!
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ

 Phát biểu tại buổi gặp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng vấn đề cũ nhưng vẫn phải nói nhiều là đào tạo chưa sát nhu cầu. Vậy DN phải gặp trực tiếp trường, đừng duy trì mãi trạng thái than phiền nữa. Các DN phát triển nhanh đều tự lo nhân lực của mình, ví dụ như REE, Hàng không Quốc gia Việt Nam chủ động đào tạo nhân lực. “Nơi nào chủ động  hợp tác với các trường thì nơi đó nhân lực có trình độ sẵn sàng” – ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

 Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ý kiến: Những năm gần đây, đất nước phát triển nhanh về kinh tế, một trong những nguyên nhân có được thành tựu này là đội ngũ công nhân kỹ thuật cao tiếp thu nhanh các kiến thức khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh việc Nhà nước phải đổi mới hơn, tạo chính sách thông thoáng, mở rộng quan hệ quốc tế, có hai vấn đề rất quan trọng, đó là sự đổi mới của doanh nghiệp và đặc biệt quan trọng là NLĐ phải tự nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu mới, để không bị đào thải khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát huy hiệu quả và những mặt trái của nó.

Để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp, các bộ, ngành phải có các chính sách kinh tế thực tế để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, ví dụ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao phải được ưu đãi về thuế. Chúng ta cần phải khơi dậy khát vọng doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ cạnh tranh trên sân nhà mà cạnh tranh với quốc tế. NLĐ cần phải là tấm gương thể hiện tính tiên phong của giai cấp công nhân, đi đầu đổi mới và xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quan trọng nhất vẫn chính là NLĐ.

Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải tăng năng suất lao động

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu: Đồng ý rất cao với các kiến nghị phải gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Doanh nghiệp, người lao động chính là những tế bào đóng góp cho sự phát triển đất nước. Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải tăng năng suất lao động.

Ông Lợi cho rằng một trong những giải pháp là cải cách chính sách, hệ thống tiền lương sao cho tiền lương phải gắn với các giá trị thực. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để tạo động lực phát triển của NLĐ và doanh nghiệp.

Lực lượng CNLĐ  cần có điều kiện để học tập, nâng cao trình độ

Ông Nguyễn Chí Dũng  - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng: "Xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Lực lượng lao động này là người trực tiếp tiếp cận khoa học công nghệ mới, tiến bộ của khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu của DN, xã hội và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hơn ai hết, các bạn chính là người tạo ra sáng chế, sáng kiến thuộc về lực lượng lao động có tay nghề là chính. Chính phủ khuyến khích để DN đầu tư khoa học công nghệ, nếu DN không đầu tư sẽ bị đào thải vì không đủ sức cạnh tranh. Đó là trách nhiệm mà DN phải làm và chúng ta cùng đồng hành với DN. Làm sao lực lượng CNLĐ có điều kiện để học tập tiếp, nâng cao trình độ để tiếp cận khoa học, công nghệ mới, đó cũng là chính sách của Chính phủ.

Quốc hội xem xét các kiến nghị đưa vào các quy định pháp luật liên quan

Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bày tỏ: Chủ đề của chương trình cần thiết không chỉ đối với CN mà còn đối với Chính phủ, bộ ngành, để xây dựng chính sách phù hợp, tạo hành lang để đất nước bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tất cả các nội dung, các đề nghị của CNLĐ mà đại diện Tổng LĐLĐ VN kiến nghị rất xác đáng, những kiến nghị này sẽ được Quốc hội xem xét, xử lý, đưa vào các quy định pháp luật liên quan.


Mai Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI