Thu hồi tài sản tham nhũng: Chỉ 1,65% trong tổng số 23.000 tỷ

16/11/2018 - 06:47

PNO - Trong tổng số 105 vụ việc đã thụ lý với số tiền phải thi hành gần 23.000 tỷ đồng, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM chỉ mới giải quyết xong 8 vụ việc với số tiền thu cho ngân sách nhà nước vỏn vẹn... 372 tỷ đồng

Tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM chiều 14/11, Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM cho biết, trong năm 2018, tại TP.HCM, có 48 vụ thi hành án dân sự trọng điểm, với số tiền phải thi hành là hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, có 1 vụ chưa có điều kiện thi hành án với số tiền 1.050 tỷ đồng, 1 vụ đã ủy thác thi hành với số tiền hơn 4.288 tỷ đồng và 46 vụ được xác định có điều kiện thi hành án với hơn 13.850 tỷ đồng. Hiện đã giải quyết xong 7 vụ trong số 46 vụ có điều kiện thi hành án với số tiền thu hồi được hơn 5.019 tỷ đồng.

Thu hoi tai san tham nhung: Chi 1,65% trong tong so 23.000 ty
 

Liên quan đến kết quả giải quyết các vụ hình sự kinh tế - tham nhũng, Cục THADS TP.HCM cho biết, có tổng số 105 vụ việc đã thụ lý với số tiền phải thi hành gần 23.000 tỷ đồng, tức số vụ việc liên quan kinh tế - tham nhũng chỉ chiếm 0,095% tổng số vụ việc mà cục thụ lý, nhưng lại chiếm đến 38,91% tổng số tiền phải thi hành. Hiện nay, cục chỉ mới giải quyết xong 8 vụ việc với số tiền đã thu cho ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân vỏn vẹn 372 tỷ đồng, tức mới có 1,62%.

Chỉ 1 trường hợp bồi thường Nhà nước được xem xét

Tính đến ngày 28/9/2018, Cục THADS TP.HCM mới chỉ đang xem xét, giải quyết 1 vụ việc bồi thường Nhà nước với tổng số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng. Liên quan đến vụ thi hành án xảy ra tại Công ty cổ phần Trung Nam (số 7/6 ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn, TP.HCM) mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh trong loạt bài Một chữ “nhầm”, thiệt hại “toàn tập”, Cục THADS TP.HCM cho biết, đã ban hành Quyết định số 2619 giải quyết khiếu nại của công ty theo thẩm quyền vào ngày 21/9/2018, nhưng công ty không đồng ý với cách giải quyết của cục và đã có khiếu nại gửi lên Tổng Cục THADS và hiện tổng cục đang thụ lý vụ việc.

Các đại biểu trong đoàn giám sát cho rằng, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng như thế là quá thấp so với mặt bằng chung cả nước. Một vị nêu dẫn chứng số liệu từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho hay, trong năm 2016 tỷ lệ này còn dưới 10% nhưng sang năm 2017, đã tăng lên trên 10% và đến nay đã vượt 20%.

Giải trình về vấn đề này, đại diện Phòng Nghiệp vụ 2 Cục THADS TP.HCM nêu lý do: trong quá trình xét xử các vụ án kinh tế - tham nhũng, tài sản thu giữ được từ đương sự rất nhỏ, trong khi nghĩa vụ phải thi hành cực kỳ lớn. Điển hình như đại án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra tại VietinBank, có trường hợp Nguyễn Thị Lành bị tòa tuyên phải nộp hàng ngàn tỷ đồng nhưng khi xử lý tất cả tài sản, chỉ thu hồi được khoảng 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như cơ quan điều tra chậm chuyển giao tang vật, hồ sơ pháp lý tài sản; diện tích tài sản khi xử lý chênh lệch với diện tích trên giấy chứng nhận... Có khi, cơ quan THADS không có cơ sở để xử lý tài sản vì phải chờ kết quả xét xử của tòa đối với phần án bị hủy, như vụ Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII). Đối với các vụ án kinh tế - tham nhũng, đương sự thường không có tài sản, khả năng thu hồi tiền cho nhà nước là rất thấp, cơ quan THADS đã phải ra quyết định chưa đủ điều kiện thi hành án và phải theo dõi trong thời gian dài, như các vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Phạm Công Danh...

Ông Vũ Quốc Doanh - Cục trưởng Cục THADS TP.HCM - đánh giá, hầu hết các vụ án kinh tế - tham nhũng lớn trên cả nước đều có tài sản liên quan phải thi hành án nằm ở TP.HCM. Mới nhất, có vụ án Hứa Thị Phấn xử ở TP.Hà Nội nhưng vừa mới ủy thác cho TP.HCM xử lý 500 tỷ đồng. Có thể thấy, số việc và số tiền thi hành án tại TP.HCM rất lớn, do vậy số liệu khó “thống nhất”. Ông Doanh cũng dự báo sắp tới, án kinh tế - tham nhũng phải thi hành tại TP.HCM sẽ còn tiếp tục tăng lên rất nhiều, vì đã tăng đều đặn từ 3 năm trở lại đây: năm 2016 dưới 96.000 vụ, năm 2017 lên hơn 100.000 vụ và năm 2018 đã là 111.000 vụ.

Tương tự, các đại biểu cũng đánh giá, kết quả đạt được trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng vẫn còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan THADS cũng như sự kỳ vọng của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Đừng cưỡng chế khi… Quốc hội họp

Về kết quả tổ chức cưỡng chế thi hành án, từ ngày 1/10/2017 đến hết ngày 31/7/2018, các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 918 trường hợp, giảm 307 trường hợp so với năm 2017, do có 30 trường hợp đương sự tự nguyện thi hành án. Trong đó, có 133 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành, giảm 133 trường hợp so với năm 2017. Góp ý kiến để công tác phối hợp tốt hơn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM có mặt trong buổi giám sát lưu ý cơ quan thi hành án: hạn chế việc tổ chức thi hành án trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội vì điều này dễ tạo ra các điểm “nóng” cho các đại biểu Quốc hội và dư luận.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI