Thống nhất phương án khắc phục, ngư dân vẫn như 'chim sợ cành cong'

12/07/2017 - 15:13

PNO - Chiều 11/7, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tiếp tục chủ trì buổi làm việc thống nhất phương án khắc phục, sữa chữa tàu vỏ thép giữa ngư dân tỉnh này với hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương.

Theo đó, công ty Nam Triệu thay 10 máy mới Mitsubishi đồng bộ, thay hộp số, máy phát điện, hệ trục chân vịt… Riêng Đại Nguyên Dương đề xuất thay thế những phần vỏ thép không đạt chuẩn mác A.

“Nếu thay toàn bộ thép vỏ tàu thì phải tháo dỡ gần như toàn bộ con tàu, thời gian thi công hoàn chỉnh con tàu phải mất thời gian từ 6 đến 8 tháng do đó ảnh hưởng đến khả năng đi biển và trả nợ ngân hàng của ngư dân. Công ty và ngư dân thống nhất tính toán lại giá tôn thép của Trung Quốc và Hàn Quốc cùng thời điểm và thoả thuận bù phần chênh lệch lại cho ngư dân”, phương án sữa chữa công ty Đại Nguyên Dương ghi rõ.

Thong nhat phuong an khac phuc, ngu dan van nhu 'chim so canh cong'
Vợ chồng ngư dân Trần Văn Hạo, chủ tàu BĐ 99029 TS (đóng tại công ty Nam Triệu) đối chiếu nội dung hợp đồng với cơ quan chức năng.

Ngư dân Trần Văn Hạo, chủ tàu BĐ 99029 TS (phường Đống Đa, Quy Nhơn), một trong 15 chủ tàu đóng tại Nam Triệu nói: “Về phía máy chính tàu thống nhất theo phương án của công ty đề ra là thay máy thủy mới chính hãng 100%. Riêng hộp số trên tàu, giám định kết quả hộp số 3.1, trong khi thẩm định giá ban đầu 5.1, tuy nhiên hộp số 3.1 tàu không hoạt động được, do đó tôi đề nghị thay mới đúng hộp số 5.1 chứ thay hộp số 3.1 thì tôi không đồng ý”.

Cùng ý kiến với chủ tàu Trần Văn Hạo, chủ tàu BĐ 99279 Trương Hoài Khánh cũng cho rằng hộp số 3.1 trên tàu không phù hợp và cần được thay mới. Hệ trục chân vịt hợp đồng ban đầu bằng inox nhưng thực tế đơn vị thay bằng thép đen thường, mới bàn giao gần một năm, hệ trục chân vịt bị rỉ sét.

“Tàu hoạt động lưới vây, có cái mày dò cá mà hoạt động không được thì lấy gì mà đánh. Thêm nữa, hệ trục ban đâu là hợp đồng inox, thực tế trên tàu lại là thép đen, vỗ vỗ là rớt ra từng mãng, làm sao bảo đảm con tàu mười mấy năm mà trả nợ ngân hàng?”, ngư dân Khánh bức xúc.

Thong nhat phuong an khac phuc, ngu dan van nhu 'chim so canh cong'
Tàu cá hư hỏng của ngư dân Bình Định.

ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu BĐ 99567 TS (Mỹ Đức, Phù Mỹ), một trong những chủ tàu đóng tại Cty Đại Nguyên Dương nói: “Giờ đang vào vụ đánh bắt chính, thế nên chúng tôi mong công ty sớm khắc phục từng nào tốt chừng đó. Con tàu của tôi xuống cấp hết rồi, thép không đúng hợp đồng mà giờ tháo ra đóng mới lại không biết lúc nào xong”.

Nguyện vọng của ngư dân là được sớm khắc phục nhưng phải đi kèm với chất lượng an toàn. Ám ảnh tàu vỏ thép liên tục hư hỏng khiến cho ngư dân vô cùng lo lắng, bởi những con tàu kém chất lượng trước đó lọt vân cửa đăng kiểm.

Chất lượng tàu do đăng kiểm chịu trách nhiệm

Trước những vấn đề ngư dân đặt ra, ngay tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định Phan Trọng Hổ, cho biết lần khắc phục này ngoài giám sát độc lập, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Trung tâm đăng kiểm tàu cá. Theo ông Hổ cho biết, đăng kiểm viên kiểm tra vật liệu đầu vào, kiểm tra quá trình sữa chữa, hậu kiểm sau khi sữa chữa. “Tàu sữa xong sẽ do cơ quan đăng kiểm chịu trách nhiệm, việc tàu đủ điều kiện ra khơi sau sữa chữa hay không là do cơ quan đăng kiểm thông qua”, ông Hổ cho biết.

Thong nhat phuong an khac phuc, ngu dan van nhu 'chim so canh cong'
Ngư dân Võ Tuân (người đứng) lo lắng con tàu sau chữa hoạt động không bền, bảo hành như thế nào.

Phó Tổng giám đốc công ty Nam Triệu Bùi Hữu Hùng cho biết hoàn toàn thống nhất với phương án mà UBND tỉnh Bình Định thông qua. “Chúng tôi đã ký hợp đồng với nhà cung cấp máy Mitsubishi chính hãng Tân Trung Thịnh, máy đã về đang chờ thông quan tiến hành thay mới cho ngư dân. Riêng máy Doosan  của ngư dân Trần Đình Sơn, công ty đồng ý thay mới nhưng phía nhà cung cấp đang làm việc lại với hãng máy ở Hàn Quốc, ngày mai (12/7) sẽ có kết quả”, ông Hùng cho biết.

Riêng phương án khắc phục mà phía công ty Đại Nguyên Dương đưa ra vẫn chưa được thống nhất. “Công ty đề xuất thay thế các phần vỏ thép Trung Quốc không đạt chuẩn mác A, giữ lại những phần đạt chuẩn, tiền chênh lệch được tính toán bù lại cho ngư dân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa đồng ý mà phải chờ ý kiến chỉ đạo từ Bộ NN&PTNT, nếu Bộ đồng ý thay từng phần thì thay, không đồng ý thì công ty phải dỡ ra đóng lại cho đúng hợp đồng”, ông Hổ nói thêm.

                                                                                                                        Thu Dịu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI