Thí điểm giữ trẻ ngoài giờ cho công nhân: chuẩn, nhưng... phải chỉnh!

24/08/2016 - 10:09

PNO - Từ năm học 2016-2017, TP.HCM thực hiện thí điểm giữ trẻ đến 17g30 và cả ngày thứ bảy, hỗ trợ nữ công nhân (CN) các khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN).

Chương trình chạm đến nhu cầu bức thiết của giới CN thành phố. Nhưng, nhà trường “bói” đâu ra kinh phí để hỗ trợ giáo viên (GV) làm thêm giờ? Đối tượng chính là CN vẫn e ngại chưa muốn gửi con vào các cơ sở công lập này… là bài toán mà nhà quản lí phải tháo gỡ để chương trình thật sự đi vào cuộc sống.

Thi diem giu tre ngoai gio cho cong nhan: chuan, nhung... phai chinh!
Nhiều công nhân chưa yên tâm khi phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình (Ảnh chụp tại nhóm trẻ gia đình ở quận Tân Phú, TP.HCM)

Tín hiệu mừng

Vừa vào năm học mới, người dân ở các KCN-KCX vui mừng khi có nhiều trường mầm non (MN) công lập chịu nhận giữ trẻ ngoài giờ đến 17g30 và cả ngày thứ Bảy. Trường MN 30/4 (KCN Vĩnh Lộc), Trường MN KCX Linh Trung 1, Trường MN KCX Linh Trung II là những trường thí điểm.

Cũng trong năm học 2016- 2017, TP có thêm ba trường MN mới đưa vào sử dụng ở các KCX Tân Thuận, Linh Trung 1 và KCN Tân Bình đáp ứng hơn 1.500 chỗ học cho con em CN. Vì dành riêng cho con em CN nên các trường này có đặc thù là mở lớp nhận trẻ 6-18 tháng tuổi và tổ chức giữ trẻ theo hai ca kéo dài từ 6-21g mỗi ngày và nhận trẻ cả ngày thứ Bảy.

Q.Bình Tân, một trong những điểm nóng về lao động nhập cư với tốc độ tăng dân số cơ học “chóng mặt”, có trường MN Đỗ Quyên kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm học mới với quy mô 20 phòng học và phòng chức năng đáp ứng chỗ học cho hơn 600 trẻ. Ông Đỗ Đình Thiện - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân thông tin thêm: “Trường MN Hồng Mai thì chưa thể khởi công do gặp khó khăn trong giải tỏa mặt bằng, dù theo kế hoạch phải khởi công từ đầu năm 2016”.

Trước tín hiệu đáng mừng này, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM chia sẻ: “Đây là bước khởi đầu cho một công trình mang tính nhân văn. Bởi sự gia tăng dân số cơ học do người lao động khắp nơi đổ về thành phố và các KCX-KCN ngày càng đông, đa số họ đều trong tuổi kết hôn và sinh con. Nếu giờ gửi trẻ giới hạn đến 16g30 như hiện nay thì họ không kịp đón con. CN cũng sẽ không an tâm làm việc vào ngày cuối tuần nếu nhà trẻ không giữ trẻ. Gửi con trong các nhóm lớp tư thục chưa được cấp phép thì tiềm ẩn nguy cơ.

Vì vậy HĐND đã kiến nghị và UBND TP đã quyết định triển khai thí điểm. Sang năm học sau, sẽ mở rộng sang các KCX Tân Thuận (Q.7) và KCN Tây Bắc Củ Chi. Định hướng là từ năm học 2018-2019 sẽ thực hiện đại trà ở các KCX-KCN. Kể từ năm học 2019-2020 sẽ mở rộng mô hình giữ trẻ ngoài giờ cho con em CN lao động ra các quận, huyện”.

Có nhu cầu nhưng chưa muốn gửi con

Chương trình ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con theo ca của giới CN, tạo điều kiện để con em lao động nhập cư có cơ hội được học và chăm sóc tốt ở trường MN công lập. CN phấn khởi với chủ trương này, nhưng vẫn đắn đo với mô hình mới, chưa dám gửi con vì chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

Đến KCX Linh Trung, chúng tôi gặp vợ chồng chị Huỳnh Thị Sen, 32 tuổi, CN Công ty Nissen, đang nhốn nháo tìm trường cho đứa con trai 18 tháng tuổi. Vợ chồng chị lâu nay gửi con ở trường MN tư thục. Dù KCX Linh Trung có trường MN CN giữ trẻ đến 17g30 nhưng vợ chồng chị không gửi con vào. “Vợ chồng tôi phải đi làm đến 19g, chưa kể có ngày phải tăng ca muộn hơn. Nếu gửi con ở trường công, sau 17g30, tôi lại phải kiếm thêm nhóm trẻ hoặc bảo mẫu giữ con tiếp, vừa mất công vừa tốn kém hơn so với việc gửi con luôn ở nhóm trẻ tư” - chị Sen nói.

Nghe chúng tôi nói về kế hoạch của TP thí điểm giữ trẻ đến 17g30, nhiều CN bật cười. Anh Lê Văn Bảy, KCN Tân Thới Hiệp, Q.12 nói: “Giữ thêm có một tiếng thì giữ làm gì? Thứ Bảy giữ trẻ thì nghe ổn, nhưng mỗi ngày thêm có một tiếng thì giúp được gì cho CN chúng tôi? Tốt nhất, đem con gửi ở nhóm trẻ sát phòng trọ cho nó lành, khỏi bon chen xin học”. Đa số CN mong được gửi con theo ca để thuận tiện đi làm. Chị Lê Thị Như Ý, sinh 1985, CN KCN Pou Yuen (Q.Bình Tân) nói: “Nếu chỉ kéo dài đến 17g30 thì cũng không khác 16g30 là mấy. Những ngày tôi làm ca hai, sẽ vẫn phải bế con gửi nhóm trẻ sát phòng trọ thôi”.

CN Lê Thị Thương nói chưa biết có gửi con trai 29 tháng tuổi của mình theo ca làm việc không: “Tôi lo chiều tối vậy, các cô có chuyên tâm giữ bé hay cũng lo ra mà bỏ quên con mình? Thiệt, không biết bao giờ con em CN mới được học trường công!”. Nhiều CN dù mong muốn gửi con vào trường công cũng đành “ngó lơ” chương trình giữ trẻ thêm giờ. Đó là chưa kể, tăng giờ giữ trẻ, liệu các GV MN có chịu nổi?

Cô Nguyễn Thị Thanh Toàn - Hiệu trưởng trường MN 30/4, Q.Bình Tân cho biết, khi được tin UBND TP sẽ triển khai chỉ thí điểm giữ trẻ đến 17g30, GV của trường rất mừng. Vì hiện nay, dù quy chế giữ trẻ đến 16g30, nhưng hầu như 23 GV và ba bảo mẫu của trường đều phải rời trường sau 17g30. Nếu kéo dài đến 20g như kiến nghị lúc đầu, bao giờ các cô giáo mới được về nhà?

Thi diem giu tre ngoai gio cho cong nhan: chuan, nhung... phai chinh!
Ảnh chụp 17g30, ngày 18/8 tại nhóm trẻ Hoa Trà, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân

Còn nhiều khó khăn

Không chỉ phía cung và cầu chưa tìm được tiếng nói chung mà các trường, quận huyện khi bắt tay vào thực hiện cũng gặp khó. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức cho biết: “Công tác tuyển sinh hiện gặp khó khăn do phải chờ chủ trương về miễn giảm học phí, không thu tiền dạy ngoài giờ, ngày thứ Bảy của TP. Theo tính toán của quận, mức thu thêm giữ ngoài giờ, ngày thứ Bảy sẽ là 240.000đ/tháng cộng thêm các khoản thu khác sẽ lên mức 1.387.000đ/tháng. So với mức thu nhập của CN, số tiền trên khá cao. Hiện nay, CN gửi con em ở nhóm trẻ tư thục có giá rẻ hơn. Tính tới thời điểm này, theo nhu cầu, quận đã phát 1.000 hồ sơ nhập học (500 trẻ con CN/trường) cho cả hai cơ sở, nhưng chỉ nhận được 200 hồ sơ. Quận mong TP sớm thống nhất mức thu, mức miễn giảm học phí ngoài giờ, ngày thứ Bảy để thông báo cho người lao động”.

Mô hình quá mới nên các trường vẫn lúng túng với chế độ hỗ trợ cho GV giữ trẻ ngoài giờ hành chính. Lúng túng hơn là lấy kinh phí hỗ trợ từ đâu? Các phòng GD-ĐT đề nghị hoặc là hỗ trợ từ ngân sách, hoặc từ sự hỗ trợ của phụ huynh. Đó là chưa kể nguồn GV, nhân viên phục vụ cho việc giữ trẻ thêm giờ sẽ gặp khó khăn. Để giữ trẻ theo ca, cần bốn cô/lớp (thay vì hai cô) để đổi ca với nhau. Nhiều vị trí khác như y tế, kế toán, văn thư, thủ quỹ, nhân viên nuôi dưỡng… cũng phải tăng trong khi quy định chưa đề cập. Lương thấp cũng sẽ khiến cho việc tuyển người thêm khó.

Cô Nguyễn Thị Thanh Toàn băn khoăn, khi kéo dài thời gian đón trẻ, đúng vào thời điểm trẻ ăn bữa chiều (một trong các bữa ăn chính) trong khi sức của trường chỉ có thể đảm đương lo được bữa nhẹ như uống một hộp sữa, một hũ yaourt hay cái bánh mì ngọt… Cô Toàn khẳng định: “Chi phí này, trường cũng không thể gánh, nếu không có hỗ trợ, lại dồn cả lên vai CN”.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, trăn trở về việc làm thế nào để vừa trợ giúp CN hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí. Ông Tuyên lo lắng việc GV và lớp học cùng chờ bé, trong khi những nơi khác lại không có chỗ để CN gửi con, nên đã chỉ đạo các trường rà soát nhu cầu gửi trẻ thật kỹ càng. Bởi phải sau hai năm triển khai giữ trẻ 6-18 tháng tuổi, đến năm học này mới tạm gọi là trẻ vào đủ lớp.

Giữ trẻ ngoài giờ cho CN là một chương trình hay, nhân văn, cần được triển khai. Nhưng thước đo hiệu quả của một chương trình không chỉ nằm ở ý nghĩa lý thuyết, mà phải thực sự đáp ứng đúng nhu cầu, phục vụ đúng đối tượng. Đó là bài toán mà nhà quản lý phải tháo gỡ để tránh trường hợp trường chờ trẻ trong khi CN vẫn phải gửi con ở các nhóm trẻ nhếch nhác.

Bà Tô Thị Bích Châu - Đại biểu Quốc hội - HĐND TP - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM: “Chính sự quá tải và bất cập về thời gian giữ trẻ ở trường công chưa phù hợp với người làm theo ca đã phát sinh ra nhiều nhóm trẻ tự phát, không phép. Vì vậy, trong thời gian qua, Hội LHPN TP đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh việc phối hợp với ngành giáo dục đào tạo sơ cấp nghề bảo mẫu cho các nhóm trẻ gia đình, trường tư thục. Vận động các gia đình, cá nhân nhận giữ trẻ không phép đi đăng ký hoạt động, người giữ trẻ chưa qua đào tạo, được tạo điều kiện đào tạo nghề. 3.500 người nuôi giữ trẻ của thành phố đã được Hội LHPN các cấp đào tạo sơ cấp nghề. Nhưng, con số này vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng hết nhu cầu… Chúng tôi nghĩ bên cạnh việc chờ đợi kết quả việc thí điểm tăng giờ giữ trẻ; giải quyết bài toán về kinh phí, thì TP vẫn rất cần tăng cường các cơ chế, chính sách, đào tạo thêm cho đội ngũ giữ trẻ; tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, cho vay vốn để các nhóm trẻ gia đình, trường MN ngoài công lập phát triển đủ chuẩn. Đó mới là giải pháp hữu hiệu và toàn diện”.

Đề xuất ngân sách hỗ trợ 50% chi phí gửi trẻ ngoài giờ

Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện TP đã nhận được văn bản đề xuất của Sở GD-ĐT TP. Theo đó, mức hỗ trợ được Sở đề xuất là TP sẽ chi 50% kinh phí trích từ ngân sách, 50% còn lại vận động doanh nghiệp có CN gửi con ngoài giờ hỗ trợ: “Hiện UBND TP đang chờ tham mưu, thẩm định của Sở Tài chính về đề xuất trên của Sở GD-ĐT. Do kế hoạch trên thực hiện theo lộ trình từng giai đoạn nên TP sẽ xem xét, phê duyệt, đồng thời có sơ kết rút kinh nghiệm theo từng giai đoạn, từ đó sẽ điều chỉnh nguồn ngân sách hỗ trợ cho phù hợp”.

Nghi Anh - Hoài An - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI