Vòng lặp sợ hãi và hận thù

18/03/2019 - 06:25

PNO - Vụ xả súng làm 49 người chết ở New Zealand khiến nhiều người rùng mình, không chỉ vì mức độ dã man mà còn vì nỗi sợ hãi và lòng thù hận đang ngày càng lây lan.

Cơn cuồng nộ giết chết thế giới

Bài trừ Hồi giáo, chống Do Thái và tôn vinh sự thượng đẳng của người da trắng là những gì đang diễn ra trên thế giới, tạo nên làn sóng định kiến chết người.

Vong lap so hai va han thu

Niềm tin phi lý và lòng thù hận đã “sai khiến” Tarrant thực hiện vụ xả súng dã man

Tên sát nhân Brenton Tarrant trong vụ thảm sát ngày 15/3 ở hai thánh đường Hồi giáo cho biết, người “truyền cảm hứng” cho hắn chính là sát thủ Na Uy Anders Breivik - kẻ trực tiếp gây ra cái chết của 77 nạn nhân vô tội vào 8 năm trước. Anders Breivik tự nhận mình là một hiệp sĩ tái sinh từ dòng Hiệp sĩ Đền Thánh (Knights Templar) - một trong những dòng tu quân đội Kitô giáo nổi tiếng, thành lập sau cuộc thập tự chinh thứ nhất (1095-1099). Sứ mệnh của họ là bảo vệ người châu Âu hành hương tới Jerusalem, sau khi thành phố này bị xâm chiếm.

Breivik là kẻ có tư tưởng cực hữu và bài trừ xã hội đa văn hóa. Hắn tin rằng, việc hắn làm là để bảo vệ sự toàn vẹn của xã hội châu Âu. Lần này, Brenton Tarrant cho biết, hắn nhận được “tín hiệu”, được trao cho sứ mệnh giống như Anders Breivik. Điều đáng lo ngại là có một nhóm người tự nhận mình là thành viên của Knights Templar thời hiện đại và bằng cách nào đó, họ kết nối được với nhau và lan tỏa niềm tin đáng sợ về sứ mệnh nhuốm máu của mình.

Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ có liên quan đến những phần tử Hồi giáo cực đoan. Vệt thông tin khổng lồ trên toàn cầu, từ thời điểm đó đến nay, vô tình đã tạo hiệu ứng sợ hãi với tất cả người Hồi giáo; nuôi lớn niềm tin rằng, người Hồi giáo đi cùng nguy cơ khủng bố. Phương Tây đang bị người Hồi giáo đe dọa. Đó là thông điệp cực đoan được gieo rắc khắp nơi. Phong trào cực hữu tràn ngập các quốc gia phương Tây và gần đây càng được cổ xúy bằng chủ nghĩa dân tộc.

Brenton Tarrant, trong đoạn livestream 17 phút cảnh giết người, đã gọi người Hồi giáo là “những kẻ xâm lược”. Đây cũng chính là cách Tổng thống Donald Trump thường xuyên dùng để gọi những người nhập cư trong suốt chiến dịch tranh cử lẫn trong những bài phát biểu sau này của ông. Thời điểm đó, nhiều nhà quan sát đã cảnh báo, rồi sẽ có một làn sóng mới bài trừ người nhập cư, người Hồi giáo và sẽ dần bùng phát thành những vụ tấn công khủng bố.

Vong lap so hai va han thu

Một phụ nữ Hồi giáo đau đớn nhận tin dữ - người thân của mình qua đời trong vụ xả súng

Nói không với định kiến

Chuyên gia Julia Ebner thuộc Viện Đối thoại chiến lược New Zealand cho biết, bản tuyên ngôn dài gần 100 trang mà Tarrant gửi mail đến tài khoản chung của Văn phòng Thủ tướng New Zealand, vài phút trước khi xảy ra vụ xả súng, chính là lời kêu gọi tấn công bạo lực. Nội dung tuyên ngôn này mang đầy lời lẽ căm phẫn cộng đồng người Hồi giáo, nhất là những người trong dòng người tị nạn mới đến New Zealand những năm gần đây.

Nhiều người nhập cư đang sinh sống ở New Zealand không khỏi hoang mang. Jofe Woods là một phụ nữ Philippines, đến New Zealand đã 9 năm nay. Ở Philippines, những vụ tấn công vì xung đột tôn giáo diễn ra khá thường xuyên. Khi đến New Zealand, Jofe mong những cảnh bạo lực sẽ vĩnh viễn rời xa mình. Nhưng không phải vậy. Chị nói: “Tôi bây giờ luôn có cảm giác rợn người khi xuống phố, vì tôi là người da màu và tôi là dân nhập cư. Tôi sợ mình là mục tiêu tấn công của những người kích động, có định kiến tiêu cực với những người khác màu da trắng của họ”.

Nhưng sợ hãi và hận thù chỉ là một mảng tối, không phủ lấp được tất cả cuộc sống này. Tình người vẫn sống. Đó là điều những người ở lại muốn gửi đến những ai đang sợ hãi với thế giới đầy kỳ thị, bạo lực. Anh Andrew Graystone (người Anh) là một trong số đó. Anh cầm tấm bảng ghi thông điệp: “Tôi là bạn của bạn và tôi sẽ ở đây trông chừng khi bạn cầu nguyện” đứng gần thánh đường Hồi giáo Barlow Road nơi anh ở. Hình ảnh ấy đẹp và mạnh mẽ hơn nhiều thứ khác, để thể hiện ước mơ hòa bình, tình người sẻ chia.

Andrew nhận hàng trăm ngàn tin nhắn, chia sẻ có, thù hằn có và anh vẫn vững niềm tin: “Đó không phải là câu chuyện về tôn giáo. Đó là tinh thần cộng đồng và tình bạn. Đôi khi, bạn buộc phải lựa chọn sợ hãi hay tình bạn. Bạn phải lựa chọn và hành động”. Chỉ khi đó, mỗi người mới xóa bỏ được nỗi sợ hãi từ định kiến ghim sâu, dừng lại chuỗi hành động bạo lực, chấm dứt vòng lặp oan nghiệt như Tarrant hay Breivik đã mắc kẹt. 

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI