Vết thương giữa lòng nước Mỹ

11/07/2016 - 12:58

PNO - Chưa đầy một tháng sau vụ xả súng tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ, khi Omar Mateen 29 tuổi, người gốc Afghanistan, dùng súng trường AR-15 giết chết 49 người, thì ngày 6/7, lại xảy ra vụ giết cảnh sát đẫm máu.

Vet thuong giua long nuoc My
Các thành viên phong trào Black Lives Matter ở Anh xuống đường ở Brixton, Nam London, để phản đối bạo lực của cảnh sát ở Mỹ - Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Chưa đầy một tháng sau vụ xả súng tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ, khi Omar Mateen 29 tuổi, người gốc Afghanistan, dùng súng trường AR-15 giết chết 49 người, thì ngày 6/7, lại xảy ra vụ giết cảnh sát đẫm máu nhất với năm cảnh sát ở Dallas (tiểu bang Texas) bỏ mạng trước tay súng bắn tỉa Micah Xavier Johnson, một cựu quân nhân da màu 25 tuổi. Vấn đề không chỉ gói gọn về mặt trái của quyền sở hữu và sử dụng súng, mà sâu xa hơn, nó làm toạc ra vết thương âm ỉ giữa lòng nước Mỹ - đó là xung đột sắc tộc.

Vụ bắn cảnh sát ở Dallas liên quan trực tiếp đến phong trào Black Lives Matter (Vấn đề mạng sống của người da đen) - phản đối hành động bạo lực của cảnh sát đối với người da màu, ngày càng lan rộng khắp nước Mỹ. Một phong trào có tổ chức, tập hợp đông đảo người dân nối kết với nhau trên Twitter, cách nào đó là mầm mống nguy hiểm vì kích động bạo lực để chống lại bạo lực. Lý lẽ của làn sóng xuống đường cũng đơn giản: năm 2015, trong hơn 1.000 người ở Mỹ thiệt mạng vì hoạt động giữ an ninh trật tự của cảnh sát, có gần 1/3 là người da đen - dù người da đen chiếm chưa đến 13% dân số!

Trong lúc dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Ba Lan, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/7 nhấn mạnh, nước Mỹ đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng. Bởi việc cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu thời gian qua không phải là vụ việc đơn lẻ.

Hoa Kỳ có dân số đa chủng tộc với 31 nhóm sắc tộc có dân số trên một triệu người. Thống kê cho thấy, người Mỹ da trắng chiếm 73,9%, tiếp theo là người gốc Tây Ban Nha và Latin 14,8%, người Mỹ gốc Phi 12,4% và người Mỹ gốc Á 4,4%. Nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt với người da màu, vẫn nhức nhối ở nhiều địa phương. Người da màu có tỷ lệ tội phạm cao, chẳng hạn nam giới gốc Phi chiếm hơn 12% dân số Mỹ nhưng lại gây ra khoảng 50% số vụ giết người. Người Mỹ gốc Phi cũng có nhiều khả năng bị cảnh sát bắt và bắn hơn các chủng người khác.

Tổng thống Obama nhấn mạnh đây là biểu hiện của sự “bất bình đẳng chủng tộc tồn tại trong hệ thống tư pháp Mỹ”. Ông yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật Mỹ tiến hành ngay các biện pháp cải cách mạnh mẽ đã được Nhà Trắng đề ra từ năm 2015 nhằm ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử đang diễn biến ngày càng phức tạp. Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Barack Obama chốt lại bằng một câu nhói lòng và không kém phần cương quyết: “Mạng sống của người da màu quan trọng, không có nghĩa là mạng sống của cảnh sát kém quan trọng!”.

Vụ bắn cảnh sát ở Dallas và làn sóng biểu tình chống bạo lực đã vượt khỏi biên giới Hoa Kỳ. Ngày Chủ nhật 10/7, ở Brixton - phía Nam London (Anh), một đám đông khoảng 300 người đã tập trung tại quảng trường Windrush, diễu hành, hô vang khẩu hiệu “Black Lives Matter!”, “Hãy giơ cao tay, đừng bắn!”.

Từ khi phong trào “Black Lives Matter” ra đời cách đây ba năm, nhiều người Mỹ da trắng đã vật lộn để tìm kiếm lời giải đáp. Một số người chế giễu khuynh hướng phân biệt chủng tộc. Những người khác, bằng lời nói và việc làm, tìm cách đoàn kết lại.

Mặt khác, sự việc bi thảm ở Dallas đã thúc đẩy làn sóng hỗ trợ cho cảnh sát. Khắp nước Mỹ, nhiều đoàn người đến các trụ trở cảnh sát địa phương để biểu lộ sự đoàn kết đối với những người thực thi pháp luật.

Trong lúc biểu tình chống bạo lực với người da màu vẫn tiếp diễn, cũng như nhiều người Mỹ tìm cách hàn gắn “vết thù” sắc tộc bằng hành động kết nối yêu thương, thì một lần nữa, vấn đề hạn chế quyền sở hữu và sử dụng súng lại được tranh luận. Năm 1990, khoảng 19% người dân Mỹ phản đối việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn, nhưng đến nay, cuộc thăm dò của CNN/ORC mới đây cho thấy, 90% số người Mỹ được hỏi ủng hộ việc tăng cường kiểm soát súng. Thế nhưng, Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã bốn lần phớt lờ.

Việt Hưng (Theo CNN, AP, Guardian, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI