Tuyến đường sắt Áo-Hung tê liệt do làn sóng người tị nạn

11/09/2015 - 07:41

PNO - Áo vừa đưa ra tuyên bố tạm ngừng tuyến đường sắt với Hungary bởi quá tải do làn sóng người tị nạn đổ dồn về các nhà ga của nước này.

Ngày 10-9, công ty OBB (Đường sắt Liên bang Áo) thông báo, tuyến vận chuyển đường sắt giữa Áo và Hungary đã tạm ngừng hoạt động do quá tải vì làn sóng người di cư đổ dồn về các nhà ga của nước này.

Theo thông cáo báo chí của OBB, quyết định này được thông qua do liên quan đến tình trạng "quá tải hàng loạt". Công ty cũng kêu gọi những tình nguyện viên và các công ty xe bus ngừng chở những người tị nạn mới đến các trạm của mạng đường sắt.

"Số lượng lớn người đến cộng với những người hiện đang chờ đợi ở các nhà ga đã vượt quá khả năng mà các công ty đường sắt có thể cung cấp" - thông báo có đoạn viết nhưng không đề cập đến vấn đề biện pháp này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Trước đó, vào hôm 5-9, Thủ tướng Áo Werner Faymann tuyên bố, Áo và Đức sẽ tiếp nhận thêm người tị nạn từ Hungary. Chính phủ 2 nước này đã đồng ý cho phép dân tị nạn từ Hungary được vào lãnh thổ của mình.

Tuyen duong sat Ao-Hung te liet do lan song nguoi ti nan

Hàng nghìn người tị nạn tại một nhà ga của Hungaria

"Xét thực tế tình huống khẩn cấp trên biên giới Hungary, giáp Áo và Đức, chúng tôi đã đồng ý (không ngăn cản) để dân tị nạn được đi tiếp vào lãnh thổ nước mình" - Reuters dẫn thông báo của người đứng đầu chính phủ Áo đăng trên trang mạng xã hội Facebook.

Thủ tướng chính phủ Hungary Janos Lazar cũng tuyên bố, nước này sẽ cấp xe buýt cho những người tị nạn đã quyết định đi bộ vượt qua con đường từ Budapest đến biên giới Áo. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng động thái này không có nghĩa là "mọi người có thể tự động rời Hungary".

Thế nhưng chỉ sau vài ngày mở cửa biên giới, Áo đã khiến hàng nghìn người di cư tuyệt vọng, đang cố gắng tiếp cận châu Âu rơi nước mắt khi tuyên bố tái kiểm soát biên giới từ ngày 8-9, sau khi đã cho phép 12.000 nghìn người di cư vào nước này từ Hungary vào cuối tuần qua.

Trong thời gian qua, tình trạng xung đột, khủng bố ở Trung Đông và châu Phi đã buộc hàng trăm nghìn người dân phải mạo hiểm mạng sống để đến châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến 2.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, các quốc gia trong Liên minh châu Âu phải tiếp nhận tới 200.000 người tị nạn theo một chiến lược “cả gói” thống nhất, thay cho cách tiếp cận từng phần của khối này đối với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại.

  • Như Hoa
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI