Tường thuật trực tiếp cuộc đối đầu lần 2 giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ

10/10/2016 - 08:24

PNO - Cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng thống diễn ra vào 21h00 ET ngày 9/10 (8h00 ngày 10/10 giờ Hà Nội) tại Đại học Washington, cuộc tranh luận dự kiến kéo dài 90 phút, theo CBS News.

9h45: Hai ứng viên "giảng hòa" trước khi ra về

Cuộc tranh luận kết thúc khi thời gian đã trôi qua khung giờ quy định, hai ứng viên vẫn còn rất nhiều điều để nói. Tuy nhiên, một điều khiến cho tất cả mọi người chứng kiến đều phải ngạc nhiên, chuyện có 1 không 2, ông Trump lên tiếng khen ngợi bà Clinton. Trump nói: "Bà ấy không rút lui, bà ấy không từ bỏ, bà ấy là một chiến binh, tôi không đồng tình với nhiều thứ mà bà ấy đang chiến đấu vì chúng nhưng bà ấy thực sự đã tranh đấu một cách quyết liệt mà không hề từ bỏ hay thoái lui. Tôi cho rằng đây là một phẩm chất tốt".

Tuong thuat truc tiep cuoc doi dau lan 2 giua hai ung vien Tong thong My
Kết thúc buổi tranh luận, 2 ứng viên bắt tay nhau

Kết thúc buổi đối đầu thứ 2, hai ứng viên đã bắt tay nhau khiến cho không khí bớt căng thẳng hơn lúc đầu khi mới bắt đầu bước vào "trận chiến".

9h22: Ứng viên tranh luận về tình hình ở Syria

Một câu hỏi từ mạng xã hội được đặt ra cho 2 ứng viên là nếu trở thành Tổng thống, Clinton hoặc Trump sẽ làm gì về tình hình Syria?.

Bà Clinton được đề nghị trả lời đầu tiên. "Tình hình ở Syria thực sự là một thảm họa", bà Clinton nói. Bà nhấn mạnh về sự liên quan của Nga trong cuộc chiến ở Syria. "Tôi ủng hộ việc điều tra tội ác chiến tranh của quân đội Syria và có thể là của quân đội Nga gây ra ở Syria, buộc họ phải nhận trách nhiệm".

Cựu ngoại trưởng Mỹ ủng hộ thiết lập một khu vực cấm bay tại khu vực, khẳng định Mỹ "cần một đòn bẩy trước người Nga" nhằm mang họ trở lại bàn đàm phán. Nhưng bà cũng cảnh báo Mỹ cần cẩn thận trước những hành vi gây hấn và tham vọng của Nga. "Tôi sẽ ngồi vào bàn đàm phán với nhiều đòn bẩy hơn những gì chúng ta có hiện nay", Clinton quả quyết và thêm rằng bà ủng hộ việc truy tố tội ác chiến tranh đối với Nga và Syria.

Ông Trump nói: "Tôi không thích Assad chút nào, nhưng ông ta đang tiêu diệt IS, lính Nga cũng đang tiêu diệt IS". Người điều phối dường như cho rằng ông Trump đang lạc đề và lặp lại câu hỏi. Ông Trump cũng thừa nhận tình hình ở Syria là "thảm họa". "Tại sao không làm nó thầm lặng, mở một chiến dịch tấn công âm thầm vào Mosul (thành trì của IS ở Iraq)? Tại sao các tướng lĩnh không bí mật tấn công và hạ gục IS?", Trump nói.

"Nếu Aleppo sụp đổ thì sao", người điều phối hỏi. "Về cơ bản nó đã sụp đổ", Trump trả lời. Trong khi đó, bà Clinton khẳng định sẽ không triển khai bộ binh tham chiến ở Syria, cho rằng đây là quyết định nguy hiểm. "Tôi hy vọng trước khi tôi trở thành tổng thống thì chúng ta đã có thể đẩy lùi IS ra khỏi Iraq. Nhiều cơ hội cho thấy chúng có thể bị đánh bật khỏi Mosul", bà nói.

9h03: Bà Clinton tố Donald Trump trốn thuế 20 năm

Một nam thanh niên tại khán phòng đặt câu hỏi: “Làm sao các vị bảo đảm giới nhà giàu sẽ đóng thuế đầy đủ?”.

Trump nhấn mạnh sẽ công bố hồ sơ thuế cá nhân sau đợt kiểm toán của Sở Thuế vụ. Ông "tự hào được làm điều này". Trump sẽ giảm thuế của mọi người thế nào?. "Một khoản lớn", ông nói, cho rằng bà Clinton muốn tăng thuế "ồ ạt".

Tỷ phú Trump trả lời câu hỏi này đầu tiên. Ông cho rằng đã đóng hàng trăm triệu tiền thuế, "nhiều hơn cả người bạn Warren Buffet của bà Clinton". Về việc đóng các lỗ hổng và thay đổi chính sách thuế, Trump cho rằng: "Bà ấy đã làm việc hơn 30 năm nhưng không thay đổi được gì, và sẽ không bao giờ thay đổi".

Tuong thuat truc tiep cuoc doi dau lan 2 giua hai ung vien Tong thong My
Bà Clinton tố Trump trốn thuế 20 năm

Bà Hillary nói kế hoạch thuế của Trump sẽ giúp giới nhà giàu và các tập đoàn có được khoản giảm thuế lớn nhất chưa bao giờ có, gia tăng thuế của những gia đình trung lưu. "Ông ta chỉ quan tâm chính bản thân và những người như ông ta", bà Clinton nói, đồng thời nhắc lại chuyện Trump không đóng thuế thu nhập trong gần 20 năm.

8h57: Bà Clinton lấy Nga để "tấn công" ông Trump

Bà Clinton cáo buộc chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin "đang cố tác động đến kết quả cuộc bầu cử". Bà tố Moscow "giúp Trump chiến thắng".

Trump trả lời "sẽ thật tốt nếu Mỹ có thể hợp tác với Nga để tiêu diệt cái gọi là Nhà nước Hồi giáo".

8h50: Đấu khẩu về người tị nạn

Raddatz hỏi Clinton: "Chúng tôi biết các bạn muốn rà soát nghiêm ngặt hơn, tại sao chúng ta lại đón nhận rủi ro từ việc có thêm người tị nạn đến Mỹ?".

"Tôi sẽ không để một người tạo ra mối đe dọa đến quốc gia của chúng ta", bà Clinton trả lời, đồng thời nói Mỹ có một vai trò quan trọng. "Có những đứa trẻ đang sống trong tình trạng chiến tranh khủng khiếp, tôi tin chủ yếu là do 'sự gây hấn của Nga' và chúng ta cần làm phần việc của mình".

Bà Clinton chỉ trích kế hoạch rà soát cực đoan của Trump, nói Mỹ là quốc gia được thành lập trên cơ sở tự do tôn giáo 

8h47: Tranh luận về sự kỳ thị với người theo đạo Hồi

Một phụ nữ đạo Hồi đặt câu hỏi chung cho cả 2 ứng viên về sự kỳ thị Hồi giáo và cách họ giúp những người Hồi giáo vượt qua tình trạng này. "Ông giải thích thế nào về việc những người như tôi bị coi là mối đe dọa với đất nước?", người phụ nữ hỏi.

Trump là người trả lời đầu tiên. Ông cho rằng những vụ xả súng ở Orlando, San Bernadino và vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001 là những hành động của khủng bố Hồi giáo cực đoan. Tổng thống Obama và bà Clinton "sẽ không nói như vậy". Người Hồi giáo cần là người đầu tiên trình báo về những âm mưu khủng bố nếu họ biết về chúng.

Tuong thuat truc tiep cuoc doi dau lan 2 giua hai ung vien Tong thong My
Hai ứng viên tranh luận về sự kì thị với người theo đạo Hồi

Bà Clinton thừa nhận vấn đề của người Hồi giáo đang là một chủ đề gây chia rẽ. Bà nói muốn xây dựng nước Mỹ là nơi mà người Hồi giáo được chào đón như những người khác trong khi những lời nói của Trump là "món quà" dành cho phiến quân IS.

"Người Hồi giáo phải thông báo khi họ thấy có sự thù ghét đang diễn ra, báo tin khi thấy có rắc rối. Nếu họ không làm vậy thì sẽ tạo ra một tình huống rất khó khăn cho đất nước. Bà ấy (Clinton) còn không sử dụng từ (chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan)", Trump trả lời.

Người điều phối nêu lên một câu hỏi cho Trump về chính sách cấm cửa người Hồi giáo của ông. "Chúng ta không thể biết rõ những người tị nạn Hồi giáo là ai, họ có phải phần tử khủng bố hay không". Trump nhắc đến chuyện một sĩ quan đã hy sinh trên chiến trường: "Đại úy Khan là một anh hùng và nếu anh ta còn sống thì anh ấy có thể trở thành tổng thống".

Bà Clinton nói đề xuất của ông Trump là "không khôn ngoan và nguy hiểm". "Các trang khủng bố đang sử dụng những phát biểu của ông Trump để chiêu mộ. Vì chúng muốn gây ra chiến tranh giữa chúng ta", bà nói.

8h40: Ông Trump “phản đòn”, dọa tống tù bà Clinton

Ông Trump công khai tấn công ông Bill Clinton: "Những điều ông ta đã làm đối với phụ nữ là chưa từng có trong lịch sử chính trị". Trump cũng cáo buộc bà Hillary đe dọa "các nạn nhân" của ông Clinton. Bà Clinton lặp lại phát biểu của bà Michelle Obama để đáp trả: "Khi họ ở dưới thấp, chúng tôi ở trên cao". "Nếu tôi đắc cử, tôi sẽ yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp mở cuộc điều tra đặc biệt về bê bối email của bà", Trump đe dọa.

Tuong thuat truc tiep cuoc doi dau lan 2 giua hai ung vien Tong thong My
Ông Trump dọa tống bà Clinton vào tù

Khán giả bắt đầu la ó rồi tỏ vẻ phấn khích khi Trump nói với Clinton rằng “bà nên ngồi tù”. "Mọi thứ ông ấy nói hoàn toàn sai và tôi không thấy bất ngờ", Clinton đáp trả. Bà Clinton cho rằng ông Trump chưa bao giờ xin lỗi về những lời nói tục tĩu hoặc công kích người khác; trong khi ông Trump phản pháo rằng bà Clinton cần xin lỗi về bê bối email cá nhân, 33.000 email bị xóa, và về những phát biểu riêng tư của bà bị Wikileaks công bố. Clinton biện hộ về bê bối sử dụng email cá nhân cho việc công: "Tôi có làm việc đó nữa không. Không hề. Đấy là một lỗi lầm và tôi rất tiếc về chuyện đó". Bà cho biết không có bằng chức xác thực cho thấy những tư liệu trong email bị rơi vào tay kẻ xấu. "Tôi rất cẩn thận đối với các thông tin mật", bà quả quyết. Trump đáp: "Bà ấy lại nói dối rồi".

8h27: Bà Clinton nhân cơ hội "đánh đòn phủ đầu", Trump "đánh trống lảng"

Người dẫn chương trình Anderson Cooper hỏi Trump về đoạn video ông khoe về những hành vi dung tục đối với phụ nữ bị rò rỉ hôm 7/10. Trupm trả lời: "Đây là một cuộc nói chuyện trong phòng kín... Tôi chắc chắc không tự hào gì về nó".

Tuong thuat truc tiep cuoc doi dau lan 2 giua hai ung vien Tong thong My
Bà Clinton nhân cơ hội "đánh phủ đầu", Trump "đánh trống lảng"

Bà Clinton nói: "Tôi dành nhiều thời gian trong 48 giờ qua để nghĩ về những gì chúng ta đã nhìn thấy và nghe thấy. Với những ứng viên đảng Cộng hòa trước, tôi bất đồng với họ nhưng chưa bao giờ nghi ngờ về khả năng cống hiến của họ".

"Trump nói đoạn phim không phản ánh ông ta, nhưng tôi nghĩ rằng nó chính xác đã lột tả con người Trump. Từ suốt chiến dịch tranh cử, ông ấy liên tục có những lời lẽ tấn công, hạ nhục phụ nữ, bôi nhọ cựu Hoa hậu Hoàn vũ", bà Clinton đáp trả.

8h21: Donald Trump và Clinton trả lời câu hỏi đầu tiên

Trả lời câu hỏi đầu tiên do một phụ nữ đặt ra: “Liệu có phải các ứng viên đang làm gương về những hành vi phù hợp cho giới trẻ ngày nay?". Bà Clinton nói: "Tôi lạc quan về những điều nước Mỹ có thể làm được nếu phối hợp cùng nhau. Tôi sẽ nỗ lực vì tất cả mọi người, hàn gắn và đoàn kết đất nước. Tôi có cái nhìn tích cực và lạc quan về những điều chúng tôi có thể làm. Đó là lý do tại sao khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của tôi là 'cùng nhau mạnh mẽ hơn'. "Tôi hy vọng giành được lá phiếu của các bạn... Tôi muốn là Tổng thống của mọi người Mỹ".

Trả lời cho cùng câu hỏi, ông Trump nói tôi bắt đầu chiến dịch vì những điều "ngu ngốc" đã xảy ra ở nước Mỹ. Khi được hỏi về những lời lẽ thô tục về phụ nữ mới được đưa ra, Trump nói: "Đó là câu chuyện trong phòng kín" và ông chẳng hề tự hào vì nó. Ông Trump xin lỗi về video này.

Tuong thuat truc tiep cuoc doi dau lan 2 giua hai ung vien Tong thong My
Hai ứng viên trả lời câu hỏi đầu tiên

Trước giờ tranh luận

Martha Raddatz từ ABC News và Anderson Cooper từ kênh CNN sẽ là hai người dẫn chương trình cho cuộc tranh luận lần này. Raddatz là một phóng viên chiến trường kỳ cựu, có am hiểu sâu sắc về chính sách và nổi tiếng vì thường xuyên đưa ra những câu hỏi hóc búa cho các chính trị gia.

Trong khi đó, Cooper là một trong những người dẫn chương trình được biết đến nhiều nhất ở Mỹ hiện nay. Ông đã làm việc cho kênh truyền hình CNN hơn một thập kỷ, từng dẫn dắt nhiều cuộc tranh luận giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ tại những vòng bầu cử sơ bộ. Tỷ phú Donald Trump hồi giữa tháng trước nói không muốn Anderson Cooper là người điều phối cuộc tranh luận Tổng thống lần thứ hai vì lo ngại ông này sẽ không công bằng.

Nửa số câu hỏi dành cho hai ứng viên do khán giả đặt, số còn lại do người điều phối chương trình đưa ra. Giới chuyên gia nhận định phong cách tranh luận kiểu này sẽ giúp công chúng đánh giá tốt hơn khả năng phản ứng cũng như mức độ quan tâm của hai ứng viên dành cho người dân Mỹ, đồng thời kiểm tra sự trung thực, tính chân thật trong từng phát ngôn mà ông Trump và bà Clinton đưa ra.So với lần trước, cuộc tranh luận lần này sẽ diễn ra theo cách thức hoàn toàn khác là "town hall meeting" (giao lưu, nhận câu hỏi từ công chúng). Hai ứng viên không đứng sau bục của mỗi người người nữa mà sẽ đi lại giữa đám đông cử tri trong trường quay.

Mỗi ứng viên có hai phút để trả lời câu hỏi, sau đó người điều phối chương trình sẽ quyết định xem liệu có nên nới rộng thời lượng thêm một phút nữa hay không. Những người tham dự phiên tranh luận là các cử tri không cam kết do cơ quan nghiên cứu Gallup lựa chọn. Cuộc tranh luận dự kiến có khoảng 80 triệu người theo dõi.

Bà Clinton sẽ trả lời câu hỏi trước vì giành chiến thắng trong màn tung đồng xu quyết định thứ tự.

Tiêu Giao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI