Thiếu cô dâu, Trung Quốc ra tay ‘bình ổn’ tiền thách cưới

24/09/2018 - 08:09

PNO - Giá gả cưới cô dâu về nhà chồng ở nhiều nơi tại làng Da'anliu, tỉnh Hồ Bắc lên đến 38.000 USD, gấp năm lần thu nhập trung bình cả năm của một người có mức lương khá.

Hủ tục thách cưới

Thieu co dau, Trung Quoc ra tay ‘binh on’ tien thach cuoi
Giá gả cưới cô dâu về nhà chồng ở nhiều nơi tại làng Da'anliu, tỉnh Hồ Bắc lên đến 38.000 USD.

Mức gả cưới cao nhất 2.900 USD là điều mà chính quyền có thể can thiệp để tránh tình trạng "thét giá" gả cưới quá cao. Nếu mức giá gả cưới vượt qua con số này thì sẽ bị khép vào tội buôn người.

Theo truyền thống Trung Quốc, tiền thách cưới là món tiền sính lễ nhà trai gửi nhà gái, xem như là thành ý nếu muốn đón cô dâu mới về nhà. Đây cũng có thể hiểu là số tiền hồi môn cô dâu mang theo về nhà chồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, tiền thách cưới đang khiến nhiều nhà trai đau đầu. Chưa  bao giờ Trung Quốc phải đối diện với tình trạng mất cân bằng giới trong cơ cấu nhân khẩu học nhiều như hiện nay, với số nam giới cao hơn 30 triệu người so với nữ giới.

Đây là hệ quả của chính sách một con kéo dài trong nhiều thập niên ở Trung Quốc, khiến nhiều gia đình tìm mọi cách để có bằng được con trai "nối dõi tông đường". Điều này dẫn đến tỷ lên nam nữ mất cân đối nghiêm trọng ở Trung Quốc, khiến nam giới thời nay càng khó có vợ, đặc biệt là thanh niên vùng quê.

Ở làng Da'anliu, thiếu nữ đặt mối quan tâm học vấn lên hàng đầu, thay vì lấy chồng sớm. Họ chọn cách đến thành phố lớn kiếm sống để có thu nhập cao. Hầu hết chọn ở lại thành thị lập nghiệp, không về lại làng quê. Họ không còn thiết tha với công việc lao động chân tay ở những nhà máy công nghiệp tại làng quê, hay việc đồng áng cực nhọc nữa.

Làng Da'anliu cũng như nhiều ngôi làng khác đang đối mặt với tình trạng khan hiếm những cô gái đến tuổi cập kê, sẵn sàng chờ ai đó đến hỏi cưới. Vì thế, giá gả cưới cũng tăng theo, nếu nhà trai muốn con mình lấy người cùng làng, sinh ra những đứa trẻ có cả cha lẫn mẹ đều mang nguồn gốc của ngôi làng đã gắn bó nhiều thế hệ trước đó.

Khó áp dụng trong thực tế

Việc giới hạn mức thách cưới tối đa được cho là có lợi cho nhà trai, nhưng lại không phải là điều nhà gái mong đợi. Ông Liang làm nghề nông ở làng Da’anliu và ông có một cô con gái. Khi con đến tuổi lấy chồng, ông tự tin nghĩ rằng: “Tôi sẽ yêu cầu giá nào mà tôi mong muốn”.

Thieu co dau, Trung Quoc ra tay ‘binh on’ tien thach cuoi
Nhiều người có con trai đang lo lắng nhà không đủ tiền cho con cưới vợ sau này.

Ông Liang cho biết, ông không cần số tiền ấy cho mình mà sẽ đưa cho con gái tất cả số tiền gả cưới ấy khi cô lập gia đình. Người cha này quan niệm rằng bất cứ thứ gì cũng có giá của nó, thì việc ông đòi một khoản hồi môn phù hợp với con gái là chuyện bình thường. Ông muốn con mình tìm được chỗ dựa vững vàng sau này và với ông, đó là mong ước hoàn toàn hợp lý của người làm cha mẹ.

Giáo sư nhân khẩu học Quanbao Jiang thuộc Đại học Xi’an Jiaotong cho rằng tiền thách cưới ở nhiều vùng quê có khi gấp hàng chục lần số tiền thu nhập hàng năm của một người. Với nhiều gia đình chú rể, đây là số tiền dưỡng già, phòng khi bất trắc nên họ không thể chấp nhận trả số tiền quá lớn như thế. Vì vậy, có những người đàn ông không thể lấy nổi vợ.

Ông Liang cho biết dù chính quyền có áp đặt mức giá cao nhất cho thủ tục gả cưới thì việc áp dụng cũng khó triển khai trên thực tế. Theo ông, chỉ có thể hi vọng nhà gái có những tính toán hợp lý, đừng quá cao.

Ông Liang còn có hai cháu gái nhỏ và từ bây giờ, ông đã nghĩ đến việc sẽ trao đổi với cha mẹ hai em gái này để đưa ra mức có lợi cho gia đình, nhưng cũng đừng quá khó khăn với nhà trai.

Nhà xã hội học Wang Feng chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học Trung Quốc (hiện làm việc tại Đại học California) cho biết, phụ huynh đang đối mặt với áp lực khủng khiếp để sắp xếp một cuộc hôn nhân ưng ý cho con trai mình.

Trong khi đó, chị Licun Tan (39 tuổi) từ bây giờ đã bắt đầu lo lắng. Chị có con trai 16 tuổi và chẳng mấy năm nữa phải lo chuyện cưới hỏi cho con. Thời gian gần đây, chị đã bắt đầu dành dụm tiền, căng thẳng cho việc chuẩn bị. Thu nhập của chị đến từ việc bán rượu vang và mới đây, chị phải mở cửa hàng thứ hai để xoay xở thêm tiền để dành. Vậy mà chị vẫn lo không đủ cho đến khi con lấy vợ.

Chị Licun Tan vẫn ngày đêm miệt mài kiếm tiền. Chị không tin rằng việc “bình ổn giá” của chính quyền sẽ có hiệu lực vì không ai đảm bảo được rằng con chị sẽ lấy được vợ với mức giá tối đa 2.900 USD.

Anh Thông (Theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI