Thiệt thân vì “tự sướng”

27/05/2016 - 13:47

PNO - Chụp hình “tự sướng” đến nỗi thiệt mạng, hay chẳng quan tâm đến tính mạng chỉ để có những tấm hình khác thường đăng trên mạng xã hội...

Thiet than vi “tu suong”
Chụp ảnh tự sướng vô tội vạ là một trong những dấu hiệu đáng lo về sức khỏe tâm thần - Ảnh: DAILY MAIL

Chụp hình “tự sướng” (selfie) đến nỗi thiệt mạng, hay chẳng quan tâm đến tính mạng chỉ để có những tấm hình khác thường (hay khác người) đăng trên mạng xã hội, đó là “triệu chứng” chung của không ít người.

Mới đây, truyền thông thế giới đưa tin về hai vụ tai nạn do nạn nhân… quá mải mê chụp hình “tự sướng”. Khi tham quan vườn thú ở tỉnh Liêu Ninh, một doanh nhân Trung Quốc tên Jia liên tục chụp ảnh, quay video rồi đăng lên WeChat. Đứng cạnh một con hải mã nặng một tấn khiến Jia vô cùng phấn khích đến mức không kiểm soát bản thân và cũng chẳng chú ý cự ly quá gần giữa mình và con vật, cho đến khi anh bị hải mã lôi xuống hồ… Nhân viên vườn thú lao xuống cứu Jia nhưng không kịp. Chỉ trong tích tắc, Jia chết vì ngộp nước.

Dư luận quy trách nhiệm cho vườn thú vì đã xây hàng rào quá lỏng lẻo. Tuy nhiên, không ai khác ngoài Jia phải chịu trách nhiệm vì quá liều lĩnh với sinh mạng của mình chỉ để có bức ảnh cận cảnh ngoạn mục ấy. Những vụ tai nạn liên quan đến hành vi chụp hình thời thượng này xuất hiện ngày càng nhiều trên phương tiện truyền thông. Cuối tuần trước, một du khách người Nhật đang “tự sướng” bên chiếc cầu ở sông Kwai thuộc quận Tha Muang, tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan thì bất ngờ bị đoàn tàu đâm phải. Nạn nhân là ông Haruhisa Saito (52 tuổi), rơi xuống đất từ độ cao 5m nhưng may mắn thoát chết. Ắt hẳn ông đã có trải nghiệm chẳng thể nào quên với xương sườn bị gãy, vùng đầu bị chấn thương khá nặng.

Từng có nhiều cảnh báo về mối liên quan giữa nghiện “selfie” với sức khỏe tâm thần. Không ít người cho rằng đây chỉ là so sánh vui nhưng thật sự, đây là vấn đề không ít nhà chuyên môn quan tâm. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần người Anh David Veal chia sẻ: “Từ khi phong trào chụp ảnh selfi e rộ lên cũng là lúc nhiều bệnh nhân mắc hội chứng ám ảnh cơ thể (BDD) tìm đến tôi nhiều hơn, chiếm 2/3 tổng số bệnh nhân”.

Nhắc đến hội chứng này, nhiều người nghĩ ngay đến bệnh nhân Danny Bowman. Chàng trai trẻ cố tự tử ở tuổi 19, nhưng may mắn được cứu sống sau thời gian dài cảm thấy bất lực trong việc chụp bằng được những tấm ảnh đẹp hoàn hảo của chính mình. Mỗi ngày, em dành 10 giờ chụp đủ 200 kiểu ảnh mà vẫn không vừa lòng. Em bị ám ảnh đến mức khép cửa ở nhà trong suốt sáu tháng liền chỉ để selfie.

Ở Anh, bệnh lý liên quan đến việc nghiện đăng ảnh trên các trang mạng xã hội đã được nhìn nhận nghiêm túc với con số bệnh nhân tiếp nhận điều trị y tế từ 150-200 người mỗi năm. Bác sĩ Pamela Rutledge, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý học truyền thông (văn phòng đặt tại California, Mỹ) cho biết: “Tự chụp ảnh bản thân mọi lúc mọi nơi là hành vi làm rối loạn nhận thức, dẫn đến việc một người quá đam mê bản thân mình, từ đó không chịu được bất cứ sự phản đối nào của xã hội. Hậu quả là nạn nhân tự huyễn hoặc bản thân và càng phải chứng minh với bạn bè trên mạng xã hội rằng những gì mình làm là độc nhất vô nhị, cần được chiêm ngưỡng và khen tặng. Vì thế, họ có những hành động kỳ quặc đến khó hiểu”.

Hơn một tuần trước, một phụ nữ gặp tai nạn giao thông ở thành phố Giang Dy, Tứ Xuyên, Trung Quốc đã có phản ứng khiến người chung quanh bối rối. Đang nằm lăn trên đường, nạn nhân lại bận tâm đến… chiếc điện thoại. Theo suy nghĩ ban đầu của mọi người, chị ta sẽ gọi điện cho người thân. Ấy vậy mà chị ấy chụp lấy điện thoại để… cập nhật trên WeChat về tai nạn của chính mình và tán gẫu với bạn bè!

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI