Sự ra đi của Anh mở màn cho sự sụp đổ của EU

28/06/2016 - 12:23

PNO - Dường như sự ra đi của Anh mới là bước đầu để thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu tại châu Âu, và cũng là sự mở màn cho con đường tan rã của Liên minh Châu Âu EU.

Hôm nay, ngày 28/6/2016, cuộc họp thế kỉ đưa ra quyết định cuối cùng về việc đi hay ở của Anh sẽ diễn ra. Những ngày qua, vấn đề này đang làm nóng cả thế giới, đặc biệt là những bên liên quan trực tiếp là Anh và EU.

Nếu trong những ngày này nước Anh đang rơi vào khủng hoảng và bế tắc khi kinh tế và chính trị bị ảnh hưởng nặng nề thì EU cũng lao đao không kém vì đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Su ra di cua Anh mo man cho su sup do cua EU
Sự ra đi của Anh khiến EU rơi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác

Hiện chưa kế sách nào được định sẵn để các quan chức châu Âu đối mặt với khả năng Anh quốc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Theo Bloomberg, các quan chức ở Brussels (Bỉ) được lệnh không rò rỉ bất kỳ kịch bản nào ra ngoài để tránh gây hoang mang.

Nhiều dư chấn chính trị lẫn kinh tế xoay quanh cuộc bỏ phiếu Brexit. Thị trường thế giới đã và đang lo lắng về tác động từ quyết định của nước Anh đến kinh tế thế giới. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thậm chí còn đi xa đến mức gọi Brexit là yếu tố báo hiệu “sự kết thúc của nền văn minh chính trị phương Tây”.

Cách nói cường điệu của ông Donald Tusk nêu bật nhiệm vụ chờ đợi của các quan chức châu Âu khi họ lần đầu đối mặt với khả năng một nước thuộc EU ra đi. Đây là chuyện chẳng hề được nghĩ tới khi khối 28 nước được thành lập.

Về kinh tế, thị trường tiền tệ chưa cân đo khả năng Anh rời khỏi EU nên nếu điều này thành hiện thực, “một sự sụt giảm là rất có thể”, giám đốc điều hành Lothar Mentel của hãng quản lý đầu tư Tatton Investment Management ở London cho biết.

Su ra di cua Anh mo man cho su sup do cua EU
EU cũng lao đao không kém vì đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Guntram Wolff, thành viên nhóm chính sách Bruegel ở Brussels cho hay: “Liên minh châu Âu cần phải có chiến lược đáng tin cậy để tránh một sự tan rã dần dần của EU.

Điều lo lắng này của các quan chức Châu Âu không phải là không có căn cứ, dường như sự ra đi của anh đã mờ đường cho phong trào li khai ở EU.

Italy

Thủ tướng cánh tả Italy Matteo Renzi đang đối mặt với thách thức từ đảng dân túy kinh tế Phong trào 5 sao (M5S). Beppe Grillo, lãnh đạo của đảng này, đã kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về khả năng rời EU. "Thực tế rằng một quốc gia như Anh tổ chức trưng cầu báo hiệu sự thất bại của EU", ông nói.

M5S giành được 19 trong số 20 ghế thị trưởng cuối tuần qua, bao gồm cả ở Rome và Turin, một "cú chọc lớn" vào Thủ tướng Matteo Renzi.

Các nước vùng Scandinavia

Đối với nhiều quốc gia châu Âu, tinh thần chống EU bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng di cư. Thụy Điển, một quốc gia có dưới 10 triệu dân, đã tiếp nhận số người tị nạn tính trên đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Trong khi đó, đảng dân tộc chủ nghĩa Dân chủ Thụy Điển có quan điểm chống nhập cư bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong chính trường nước này. Đảng này hiện là đảng lớn thứ ba trong nước.


Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel là người theo đuổi chính sách hoan nghênh người tị nạn và nước này đã đón hơn một triệu người nhập cư. Hiện giờ, 64% người Đức nói rằng bà Merkel không nên tái tranh cử vào năm tới. Tuy nhiên, bà Merkel và đảng cầm quyền của bà vẫn được tin là nhiều khả năng chiến thắng.

Tuy nhiên, trong vài năm qua, đảng cánh hữu Alternative für Deutschland (AfD) có tư tưởng chống EU đã nổi lên và thu hút nhiều sự ủng hộ, do lập trường mạnh mẽ chống lại Hồi giáo.

Pháp

Pháp sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2017. Đảng cực hữu Mặt trận Tổ quốc, có tư tưởng chống EU, đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng tại nước này. Tuy giới chuyên gia cho rằng lãnh đạo đảng, Marine Le Pen, ít khả năng trở thành tổng thống nhưng ảnh hưởng của bà với chính trị Pháp rõ ràng đang tăng lên.

Đó là mối lo ngại với Brussels, vì bà Le Pen tự gọi mình là "Quý bà Frexit" và đã hứa với nhân dân Pháp rằng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU nếu lên nắm quyền. Tại thời điểm này, 55% công dân Pháp nói rằng họ muốn có một cuộc trưng cầu, 41% nói rằng họ sẽ bỏ phiếu "ra đi".

Hà Lan

Ngay sau khi người dân Anh chọn rời EU, Geert Wilders, lãnh đạo đảng cánh hữu PVV tại Hà Lan, có tư tưởng chống EU, đã ca ngợi quyết định này.

"Hoan hô người Anh!", ông Wilders viết trên Twitter. "Bây giờ đến lượt chúng tôi. Đã đến lúc tổ chức một cuộc trưng cầu ở Hà Lan!".

Đầu năm sau, Hà Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử. "Một phiếu bầu cho PVV sẽ là một phiếu bầu cho việc tổ chức trưng cầu dân ý về EU ở Hà Lan", ông Wilders nói.

Có thể thấy, chỉ với sự ra đi của Anh, EU dường như đã rất khốn đốn, và chưa kịp "định thần" thì lại liên tiếp rơi vào loạt khủng hoảng từ các nước nội bộ gây ra.

Dường như sự ra đi của Anh mới là bước đầu để thúc đẩy sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu tại châu Âu, và cũng là sự mở màn cho con đường tan rã của Liên minh Châu Âu EU.

Thiên An (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI