Nữ điệp viên - Bài 1: Số phận đảo chiều

31/08/2013 - 16:05

PNO - PN - Nancy Wake hoặc Julia Child hẳn không hề hình dung đời mình sẽ có những ngày dài “sắm” vai điệp viên. Nhưng, cuộc sống đã xô đẩy họ vào công việc gian khó đó và họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nancy Wake còn được...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nancy Wake: “CHUỘT BẠCH” ĐÁNG SỢ

Nu diep vien - Bai 1: So phan dao chieu

Nancy Wake nổi tiếng là “chuột bạch” đáng sợ trong mắt Đức quốc xã

Nancy Wake được biết đến như một trong những điệp viên lừng danh nhất Thế chiến II, người được chính quyền Quốc xã Đức treo thưởng năm triệu quan cho ai giao nộp bà, bất kể sống hay chết. Thủ tướng Winston Churchill đã tôn vinh bà là điệp viên xuất sắc nhất và đáng tin cậy của mình. Thế chiến II kết thúc, cả ba nước Anh, Pháp và Úc đều thưởng cho Nancy Wake những danh hiệu và huy chương cao quý nhất.

Sinh năm 1912 tại New Zealand, nhưng khi còn nhỏ Nancy Wake cùng gia đình sinh sống tại Úc. Năm bốn tuổi, người cha từ bỏ gia đình theo người đàn bà khác. Nhiều người cho rằng, chính biến cố gia đình này đã hình thành tính kiên cường và “nổi loạn” nơi Nancy Wake.

Năm 20 tuổi, sau khi sống một thời gian ở Canada và Mỹ, Nancy Wake sang châu Âu, bắt đầu nghề báo. Bà gửi các bài viết của mình về Mỹ, phần lớn viết về tình hình phức tạp ở châu Âu, nơi manh nha những bất ổn khởi nguồn từ phong trào Quốc xã. Sau khi Hitler lên nắm quyền, bà đến Vienna và không ít lần chứng kiến cảnh quân Quốc xã tàn sát người Do Thái. Nancy quyết định “phải làm gì đó để ngăn chặn bàn tay khát máu của bọn Quốc xã”.

Mùa hè năm 1936, Nancy quen Henri Fiocca, một “tay chơi” nổi tiếng ở Paris hoa lệ. Năm 1939, họ cưới nhau. Khi Pháp rơi vào tay Quốc xã Đức, vợ chồng bà về sống ở Marseille, nơi Fiocca có một số cơ sở kinh doanh. Với vỏ bọc một quý bà, vợ của một doanh nhân giàu có, Nancy Wake rất thuận lợi trong việc tham gia đường dây hoạt động bí mật được điều hành từ Anh, nhằm thu thập tin tình báo và tổ chức đưa người Do Thái cũng như những người Pháp kháng chiến ra khỏi Pháp để đến nơi an toàn.

Hạnh phúc lớn nhất của bà Wake lúc đó là ông Fiocca hết lòng ủng hộ vợ. Ông đã cung cấp tiền bạc cho vợ tổ chức đưa người ra khỏi Pháp, lúc đó đã bị người Đức thôn tính. Tòa lâu đài của họ ở Nevach, gần dãy núi Alps, trở thành nơi trú ẩn bí mật của những người đào thoát trước khi sang Tây Ban Nha.

Nu diep vien - Bai 1: So phan dao chieu

Nancy Wake được ca ngợi là nữ điệp viên xuất sắc của Thế chiến II

Năm 1942, sau khi đưa được nhiều người Pháp và Do Thái rời khỏi Pháp, Nancy Wake bị lộ. Gestapo phát hiện người có biệt danh “chuột bạch” mà chúng săn tìm lâu nay chính là Nancy Wake. Nhưng, bà đã rút vào bí mật trước khi Gestapo tìm đến. Sau nhiều tháng lẩn tránh, bà sang được Tây Ban Nha, sau đó là đến Anh. Biết tin Nancy đã thoát thân an toàn, Gestapo tra khảo ông Fiocca một cách tàn bạo, buộc ông khai ra tung tích của vợ mình và đường dây kháng chiến. Do ông Fiocca cương quyết không khai, chúng đã hành quyết và tịch thu gia sản của ông.

Tại Anh, bà Wake được đào tạo những kỹ năng hoạt động trong lòng địch suốt tám tháng. Ngày 30/4/1944, bà được thả dù xuống vùng Auvergne (Pháp), trở thành đầu mối liên lạc giữa tình báo Anh và kháng chiến Pháp. Bà thành lập nhiều nhóm kháng chiến, được trang bị vũ khí từ người Anh thông qua những lần thả dù tiếp tế. Từ đó cho đến khi nước Pháp được giải phóng, cái tên “chuột bạch” đã trở thành nỗi kinh hoàng của quân Quốc xã.

Cuộc đời Nancy Wake trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn sách. Peter FitzSimons, tác giả cuốn Nancy Wake, tiểu sử người vĩ đại nhất trong cuộc chiến của chúng ta, đã tôn vinh bà như sau: “Phải thừa nhận cuộc đời của Nancy đáng giá gấp mười lần cuộc đời của một người đàn ông như tôi”. Những gì FitzSimons kể lại trong cuốn sách đã tạo cảm hứng cho Sebastian Faulks và Charlotte Gray viết ra một cuốn tiểu thuyết “đắt như tôm tươi” ở Anh, sau được chuyển thể thành phim do Cate Blanchett thủ vai chính.

Bà Nancy Wake mất ngày 7/8/2011 tại Anh, thọ 98 tuổi.

Julia Child: TỪ ĐIỆP VIÊN TÀI BA ĐẾN ĐẦU BẾP VANG DANH

Nếu Julia McWilliams có tính nhẫn nhịn hơn một chút, nước Mỹ đã không có một điệp viên tài ba. Năm 28 tuổi, Julia phụ trách quảng cáo của một cửa hàng đồ gỗ. Sau một lần tranh cãi với người quản lý mới, bà bỏ việc. Rong chơi một thời gian, bà nộp đơn cho Văn phòng Tình báo chiến lược (Office of Strategic Services - OSS) - tiền thân của CIA hiện nay - lúc đó đang tuyển người.

Trong đơn xin tuyển dụng, Julia viết: “Tôi đã phạm một sai lầm mang tính chiến thuật và phải bỏ việc. Tuy nhiên, tôi đã trưởng thành hơn sau sự việc này”. Đơn của bà được chấp nhận với nhận xét của người phỏng vấn bà “Tạo ấn tượng tốt, năng động và có khả năng tổng hợp”. Công việc đầu tiên của bà tại OSS là thư ký, sắp xếp các văn bản được gửi đến. Không lâu sau đó, bà được điều về bộ phận tổng hợp của văn phòng ông William Donovan, Giám đốc OSS.

Nu diep vien - Bai 1: So phan dao chieu 

Năm 1944, Julia được điều sang văn phòng OSS ở Ceylon, nay là Sri Lanka, với nhiệm vụ nghiên cứu và phối hợp với các nhóm kháng chiến trong vùng bị phát xít Nhật chiếm đóng. Trong thời gian này, Julia đến nhiều nước trong vùng, kể cả những nơi nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của Nhật, để thiết lập các kênh tình báo. Những hoạt động của Julia trong vai trò một nhân viên OSS trong vòng bí mật nhiều năm qua và chỉ được “giải mã” gần đây. Tuy nhiên, những gì được “bật mí” không thể nói hết những chiến công thầm lặng của Julia, đặc biệt là những lần bà phải làm nhiệm vụ bí mật tại các “điểm nóng” Côn Minh (Trung Quốc), Miến Điện, Philippines, Hàn Quốc…

Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, Julia gặp Paul Cushing Child, cũng là một nhân viên OSS. Trở về Mỹ sau Thế chiến II, họ kết hôn. Không lâu sau, Paul được cử sang Paris làm việc trong vỏ bọc một quan chức của văn phòng Cơ quan Thông tin Mỹ. Hai vợ chồng sang Pháp. Đây là bước khởi đầu cho sự nghiệp... nấu nướng của bà.

Nu diep vien - Bai 1: So phan dao chieu

Julia Child từ điệp viên thành đầu bếp tài ba

Từng sống nhiều năm ở Paris trước chiến tranh, Paul Child rất thích món ăn Pháp, luôn khuyến khích vợ mình làm quen với nền ẩm thực tinh tế này. Julia vào học trường dạy nấu ăn nổi tiếng Le Cordon Bleu rồi học thêm với đầu bếp số một ở Pháp lúc đó - Max Bugnard và nhiều đầu bếp khác. Bà thừa nhận: “Cuộc đời tôi đổi khác khi tiếp cận ẩm thực Pháp”.

Sau hơn 10 năm ở Pháp, bà Julia trở về Mỹ, tiếp tục truyền bá ẩm thực Pháp bằng việc dạy nấu ăn trên truyền hình và viết nhiều cuốn sách dạy nấu món ăn Pháp.

Ngày 13/8/2004, hai ngày trước sinh nhật lần thứ 92 của mình, bà Julia Child qua đời. Món ăn cuối cùng bà thực hiện là món xúp hành, một trong những món Pháp bà thích nhất. Cuộc đời của một trong những điệp viên được đánh giá cao nhất của Mỹ ở khu vực châu Á đã kết thúc theo cách mà có lẽ bà cũng không nghĩ đến khi còn trẻ, đó là trở thành đầu bếp nổi tiếng, là người quảng bá ẩm thực Pháp đến với người Mỹ.

 THIỆN NGA

Đón đọc kỳ tới: SÓNG NGẦM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI