Nơi trẻ lấm lem phân bón, đất cát và học cách lớn lên

23/05/2019 - 06:00

PNO - Lớp học trên ngọn đồi ở Rutland (Anh), do Trung tâm Thực phẩm - Nông dân Vermont tổ chức. Các em được học kiến thức mới và tự trải nghiệm bằng cách xắn tay áo lao động như nông dân.

Lớp học trên ngọn đồi ở Rutland (Anh), do Trung tâm Thực phẩm - Nông dân Vermont tổ chức, kết nối từ trẻ mẫu giáo đến học sinh cấp I trong khu vực. Các em được học kiến thức mới và tự trải nghiệm bằng cách xắn tay áo lao động như nông dân.

Bằng cách tự trải nghiệm qua lao động, các em hiểu về cách chăm bón từng loại cây, hiểu về khoa học sự sống, sự vận hành của công nghệ hỗ trợ trong nông nghiệp và quan trọng hơn cả, các em tìm thấy giá trị của bản thân, từ những bài học thực tế.

Noi tre lam lem phan bon, dat cat va hoc cach lon len
Các em học sinh háo hức với giờ thực hành trong nhà kính

Cô Melinda Hardt - giáo viên hợp tác trong dự án - mỗi lần đến với không gian lớp học là mỗi lần cô cảm thấy cuộc sống thật tươi mới, bởi được nhìn thấy sự háo hức của học sinh. Những đứa trẻ tham gia chương trình là học sinh từ nhiều trường gửi đến và buổi trồng cây, cuốc đất ở đây được xem là giờ học ngoại khóa, hỗ trợ cho các môn học ở trường. Các em được chạm vào đất, cát, chăm chút những bụi cây, luống rau, học về công nghệ sinh học. Tuy các em học trong nhà kính, kiến thức lại rộng mở.

Bọn trẻ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi nghe giảng về các loài động vật nuôi, những công nghệ mới nhất để bảo đảm cho sự phát triển của môi trường, giữ lấy hệ sinh thái cân bằng.

Những thắc mắc liên quan đến bài học đều được cô Melinda Hardt giải đáp hoặc gợi mở câu trả lời bằng một đầu sách hoặc từ khóa, giúp các em tự tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn khi về nhà. Với cách học này, học sinh được hiểu tường tận về sự sống xung quanh và xác định được mình ở đâu trong chuỗi sự sống ấy.

Theo cô Melinda Hardt, học sinh có thể học những kiến thức trên ở trường, nhưng việc học “chay”, thiếu những “học cụ” từ thiên nhiên, các em sẽ khó hình dung và kiến thức sẽ chỉ là kiến thức thô, khó áp dụng vào thực tế.

Chương trình học kéo dài trong 7 tuần, đánh dấu bằng một hạt giống cà chua, được trao cho từng em. Mỗi em sẽ đặt tên và gieo hạt giống của mình, xem đó là thứ kết nối mình với nhà kính. Việc đầu tiên trong mỗi giờ học là các em sẽ “làm việc” với hạt giống ấy, rồi quan sát những gì xảy ra. Khi chương trình kết thúc, các em sẽ được mang cây cà chua về, tiếp tục trồng ở nhà, như “công trình” đánh dấu “đã hoàn thành khóa học”. Các em cũng có thể gửi cây cà chua ở nhà kính, chỉ mang những quả cà chua về.

Trong suốt quá trình dõi theo hạt giống cà chua, từ khi nó được gieo xuống đất, các em phải làm bài tập, ghi chép từng cột mốc trưởng thành của cây. Thay vì học lý thuyết, các em quan sát thực tế và hoàn thiện bài học của mình.

Nơi góc bàn, những đứa trẻ túm tụm bàn luận về lượng nước, ánh sáng đã ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của cây cà chua và cả những luống rau mà các em chia nhau chăm bón.

Cuối khóa, mỗi học sinh sẽ có một hồ sơ riêng, về những điều mình đã làm được, những kiến thức hữu ích rút ra được và trên hết là các em trả lời được câu hỏi: “Mình ở đâu trong cộng đồng?”.

Cô giáo Nicole Joyce - người theo dõi xuyên suốt những hoạt động của các em - cho biết: “Thông qua việc thực hành, những đứa trẻ hiểu, đây không chỉ là hoạt động… cho vui mà việc nghiên cứu, quan sát của chúng là một phần tạo nên nhận thức của cả cộng đồng. Khi một đứa trẻ tự tin với việc mình có thể chăm một hạt giống, trồng một cái cây, các em tin rằng, mình có thể làm nhiều hơn nữa, cho mọi người. Quan trọng hơn, trẻ hiểu thức ăn từ đâu mà có và biết bớt phung phí nguồn thực phẩm quý báu”.

Giám đốc điều hành Trung tâm Vermont và cũng là một người nông dân thực thụ Greh Cox cho biết: “Mô hình ở trung tâm tạo môi trường cho các em học sinh được lao động và học những kiến thức, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu là các em nhận ra, mình phải là nhân tố có trách nhiệm trong cộng đồng. Qua các hoạt động, chúng tôi muốn các em nhận ra, đích đến cuối cùng của lao động, của sự nỗ lực không ngừng để cải tiến công nghệ là gì. Nếu chỉ dạy đứa trẻ cách sử dụng công nghệ, sử dụng thành phẩm cuối cùng, chúng sẽ không có nhu cầu biết vai trò mình ở đâu, có điều gì cần phải hoàn thiện hơn không?”.

Điểm khiến Greh Cox và Nicole Joyce tự hào về khóa học độc đáo này là hỗ trợ những em có vấn đề, tổn thương tâm lý mà môi trường học đường chính thống không nâng đỡ được. Trong bốn bức tường của lớp học, những đứa trẻ không có nhiều cơ hội tìm tòi, khám phá, tạo ra giá trị mới. Theo các nhà tâm lý, điều đó khiến trẻ không nhìn thấy được giá trị bản thân, càng khiến chúng trở nên thụ động. Đứa trẻ chỉ có thể lớn lên, khỏe mạnh, nếu nó định vị rõ bản thân trong xã hội và có những mối quan hệ khỏe mạnh trong cộng đồng trẻ sinh sống.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI