Niềm tự hào và hạnh phúc của người phụ nữ lần đầu tiên gọi chồng bằng tên

30/07/2017 - 06:16

PNO - Hàng triệu phụ nữ Ấn Độ chưa bao giờ gọi chồng theo tên, đó là cách thức để họ thể hiện lòng tôn kính người đàn ông của mình theo truyền thống.

Tập tục này được thực hiện nghiêm ngặt ở các vùng nông thôn, ở các thành phố thì lỏng lẻo hơn nhiều. Ngày nay, nhiều nhà vận động đã kêu gọi phụ nữ ở các làng quê cũng bỏ tập tục này.

Có gì trong một cái tên? Nhiều lắm, nếu bạn là một người vợ Ấn Độ và cái tên được hỏi là của chồng bạn. Phụ nữ nông thôn sớm học được điều này trong cuộc sống của mình.

Niem tu hao va hanh phuc cua nguoi phu nu lan dau tien goi chong bang ten
Những người phụ nữ can đảm gọi tên chồng trong nhóm Video Volunteers - Ảnh: BBC/ Video Volunteers

Dưới đây là những gì một phụ nữ Ấn Độ kể lại:

“Bố mẹ tôi kết hôn 73 năm cho đến khi cha tôi qua đời vào năm ngoái. Khi họ làm đám cưới, mẹ tôi chưa đến 11 tuổi còn cha tôi mới bước vào tuổi 15.

“Trong nhiều thập kỉ sống chung, ban đầu ở một ngôi làng nhỏ ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, và sau đó ở Kolkata (tên mới của thành phố Calcutta), mẹ không bao giờ gọi tên cha.

“Khi nói chuyện với đám con cái là chúng tôi, mẹ luôn gọi ông là "babuji", tiếng Ấn nghĩa là “cha”. Còn khi nói chuyện trực tiếp với cha, mẹ luôn nói “Hey ho”, nghĩa là “Này anh”.

“Lũ thiếu niên chúng tôi lớn lên, một ngày kia muốn thử mẹ cho vui. Chúng tôi “lừa” mẹ để bà gọi tên cha dù chỉ một lần, nhưng mẹ không bị mắc lừa.

“Tất cả những phụ nữ khác trong khu nhà chúng tôi và vùng cân cận đều tránh gọi tên chồng”.

Hàng chục triệu phụ nữ trên khắp đất nước Ấn Độ, bất kể tôn giáo và đẳng cấp của mình, cũng đều cư xử tôn kính với chồng như vậy.

Không phải ngẫu nhiên, nhà nhân chủng học xã hội danh tiếng của Ấn Độ, bà A. Vasavi nói rằng “người chồng được coi là ngang hàng với thượng đế, nên họ phải được tôn thờ”.

Và trong một xã hội Ấn Độ truyền thống, người phụ nữ được dạy dỗ từ nhỏ rằng phải tôn kính chồng.

Người phụ nữ được cho biết, nếu gọi tên chồng, anh ta sẽ gặp vận đen và bị tổn thọ, cho nên hậu quả của việc vi phạm có thể rất nghiêm trọng.

Một phụ nữ ở bang Orissa miền đông Ấn Độ đã “vi phạm” điều cấm kỵ và phải đối mặt với hình phạt tức thì và khắc nghiệt.

Trong một bộ phim tài liệu do nhóm vận động sản xuất, lấy tên là Video Volunteers, nữ nhân vật Malati Mahato nói: “Một ngày kia, chị dâu tôi hỏi ai ngồi bên ngoài, tôi bèn kể tên những người đàn ông ở đó, trong đó có cả chú chồng tôi”.

Chị dâu tôi kiện lên Hội đồng thôn, và họ phán quyết “khiển trách” những phát ngôn của Mahato và cô cùng con cái của mình bị trục xuất đến sống tại một ngôi nhà cuối làng. Cô còn bị dân làng tẩy chay trong suốt 18 tháng qua.

Niem tu hao va hanh phuc cua nguoi phu nu lan dau tien goi chong bang ten
Rohini Pawar: Mọi người hỏi chúng tôi tại sao lại quan trọng việc gọi chồng bằng tên - Ảnh: Video Volunteers

Từ tháng 10/2016, nhóm Video Volunteers bắt đầu một chiến dịch ở một số cộng đồng nông thôn nhằm thay đổi tập tục gia trưởng khắc nghiệt đó.

Một tình nguyện viên tên là Rohini Pawar, hiện sống tại một ngôi làng gần thành phố Pune, quyết định nêu vấn đề gọi chồng bằng tên tại một nhóm thảo luận của phụ nữ trong làng của cô.

Nhưng trước khi làm như vậy, cô quyết định tự mình “thử trước”.

Pawar kết hôn năm cô 15 tuổi và trong 16 năm chung sống chưa bao giờ cô gọi chồng, anh Prakash, bằng tên.

Pawar nói: "Trước đây tôi gọi ông xã của mình là 'baba', vì những đứa cháu trai gọi anh ấy như vậy. Cũng có khi tôi chỉ xưng hô với chồng là “aaho”, có nghĩa là “bố nó”.

Prakash thoải mái việc vợ gọi tên, nhưng hầu hết các dân làng khác không vui vẻ gì. Một số người nhạo báng vợ chồng Pawar.

Niem tu hao va hanh phuc cua nguoi phu nu lan dau tien goi chong bang ten
Nhóm thảo luận của các phụ nữ muốn gọi chồng theo tên bất chấp tập tục truyền thống khắc nghiệt trong xã hội Ấn Độ - Ảnh: Video Volunteers

Tuy nhiên, những phụ nữ trong nhóm thảo luận lại rất phấn khích với ý tưởng này.

"Chúng tôi rất vui và đã cười nhiều trong ngày hôm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời, chúng tôi đã “hét” tên chồng mình", Pawar cười.

"Chúng tôi quyết định quay thành video và yêu cầu người phụ nữ trả lời theo ba cách khác nhau - vui vẻ, giận dữ, yêu thương”, Pawar nói.

"Một trong những phụ nữ không được tham gia nhóm nữa. Cô này về nhà và phấn khích la lớn tên chồng, hậu quả là ăn một cái tát của chồng”, Pawar kể lại.

Anh chồng đó còn dọa, nếu cô ấy gọi tên chồng một lần nữa, anh ta sẽ không nương tay!

Cuộc chiến gọi tên chồng dù mới đi được những bước đầu tiên đầy gian nan, nhưng những bước đột phá đầu tiên luôn có ý nghĩa lớn lao cho một sự thay đổi tích cực hướng tới bình đẳng giới ở một đất nước người vợ được dạy phải coi chồng mình như thượng đế.

Tô Châu (Theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI